Nói với những ai còn thương phố Hội

Sau khi 'Ai thương phố Hội' của nhà báo Trần Tuấn (bút danh Trí Quân) đăng trên mục Chuyện cuối tuần của Tiền Phong Chủ nhật (ra ngày 9/4/2023), tòa soạn nhận được bài viết của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An. Một bài viết sâu sắc, đầy tâm huyết của một người suốt đời đau đáu nặng lòng với Hội An, người từng đứng 'mũi chịu sào' suốt mấy thập kỷ qua, góp phần để có được một di sản thế giới như hôm nay. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đọc bài viết của Trần Tuấn trên báo Tiền Phong mà cứ rưng rưng vì tấm lòng của một nhà báo gắn bó với Hội An, một chứng nhân của những thăng trầm nơi phố nhỏ rêu phong này suốt ba thập kỷ qua.

Ai yêu phố Hội? Có lẽ và chắc rằng không chỉ có Trần Tuấn và những con người Hội An. Tình yêu Hội An vượt cả thời gian và cả không gian. Vì yêu cho nên suốt 400 năm qua bao nhiêu con người khắp nơi đến và chọn Hội An làm quê hương.

Vì yêu cho nên trải qua bao trầm luân, người dân Hội An luôn chắt chiu, trân trọng những gì của tiền nhân để lại, từ bức hoành phi, câu đối, cái giếng trời, con mắt cửa… đến nếp sống và cách sống kể cả những lúc khó khăn nhất. Vì yêu, nên du khách khắp năm châu bốn biển tìm về.

Vì yêu nên Hội An luôn nhận những “cơn giận dữ” của thiên hạ khi ai đó “đụng chạm” đến Hội An kể cả những nhà quản lý. Vì yêu nên luôn tiếc nuối dù biết rằng không ai có thể níu kéo được thời gian, và biết rằng cuộc sống luôn đi tới.

Tác giả Nguyễn Sự - bên phải, cùng nhà báo Trần Tuấn trong một lần kiểm tra tình hình lũ lụt tại Hội An. Ảnh: P.V

Rất nhiều người yêu Hội An đang lo lắng đến một ngày nào đó Hội An không còn là Hội An nữa khi làn sóng nhập cư “cơ học” đến mua nhà trong phố cổ, Hội An không còn sự trầm mặc như vốn có, hồn phách sẽ nhạt dần và mất đi. Sự lo lắng vì yêu...

Chính vì yêu Hội An nên mọi người luôn lo lắng cho Hội An, luôn cảm thấy Hội An mong manh dễ vỡ. Sở dĩ văn hóa bền vững vì ai cũng cảm thấy nó mong manh và chính vì cảm thấy mong manh nên luôn nâng niu, luôn trân trọng, luôn nhẹ nhàng… để nó không bị đổ vỡ.

Có thể kể về phố Hội rất nhiều đến bất tận, nhưng nói một điều gì để có thể bao quát hết hầu như không bao giờ làm được.

Trải qua nửa ngàn năm, người phố Hội có triết lý riêng, bản lĩnh để hóa giải những mâu thuẫn, để giúp thành phố này trải qua bao trầm luân và thách thức, cả những thách thức gay gắt và hỗn tạp của kinh tế thị trường vẫn vừa đi được cùng thiên hạ, không đến nỗi tụt ở hàng sau, và vẫn bình tĩnh là mình trong biến đổi không ngừng của cuộc sống. Đó là bản lĩnh kết hợp được nhẹ nhàng như không, hóa giải những mặt đối lập gay gắt nhất, cực đoan nhất để làm ra cái bình thường.

Du khách tham quan Hội An. Ảnh: P.V

Nhà nghiên cứu Li Tana nói: “Cách đây bốn thế kỷ, người dân Hội An sống chủ yếu bằng dịch vụ. Họ bặt thiệp và sành sỏi. Nhưng họ cũng thong dong, biết và thích sống chậm, lại thật thà. Họ muốn giữ cho thành phố được yên tĩnh mà năng động”.

Ở đây cũng là sự kết hợp giữa hai mặt đối lập mà người Hội An biết hóa giải thành công: họ muốn có một không gian sống thư thái, an bình; đồng thời vẫn biết trong một thế giới quá rối động ngày nay, một không gian như vậy chính là sản phẩm hay nhất, có giá trị cao nhất, họ có thể “bán” cho du khách bốn phương. Không có mâu thuẫn, xung khắc nào.

Nói cho đúng, suốt lịch sử Hội An là lịch sử nhập cư. Người Trung Hoa, người Nhật Bản, người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha, rồi người Pháp… Có người đến rồi đi, nhiều người ở lại. Đều “Hội An hóa” cả để thành người Việt - Hội An hôm nay. Người ta nói Hội An có sức đồng hóa rất mạnh. Nhưng mà…ai “hóa” ai? Chẳng ai cả, người ta “hóa” lẫn nhau.

Theo nghĩa nào đó văn hóa Hội An “đa quốc gia” bao gồm cả văn hóa vật thể, phi vật thể, vừa rất chung vừa rất riêng, do tất cả người khắp nơi đến Hội An tạo nên. Lịch sử đó dường như lặp lại trong điều kiện mới, cách thức mới, nhưng việc “hóa” lẫn nhau ngày nay vẫn đang tiếp tục.

Mỗi năm hàng triệu du khách trong nước và ngoài nước đến Hội An. Rất nhiều người kể cả người nước ngoài đến ở lại Hội An và chẳng bao lâu họ được “Hội An hóa”. Con cháu của những con người khắp nơi đến ở và chọn Hội An làm quê hương từng tạo nên tính cách và bản lĩnh của Hội An hôm nay đang “hóa” các “ông Tây, bà đầm” mới. Hội An không sợ cái lạ và không vồ vập với cái lạ. Bình tĩnh và tự tin. Tự tin ở bản lĩnh hóa giải một cách nhẹ nhàng từ tốn mà hiệu quả của mình.

Hội An là bộ phận máu thịt của Quảng Nam, trong lịch sử là cửa ngõ hội tụ gần như toàn bộ sức mạnh và bản lĩnh của mình cho thế mở cửa trong cuộc “toàn cầu hóa” và đã thành công. Ngày nay Hội An là điểm đến của bạn bè muôn phương, cũng là điểm dừng lại của rất nhiều người, Hội An đang tiếp tục thể hiện bản lĩnh của tiền nhân “vừa biết lắng nghe, vừa biết cãi lại”. Hội An kín đáo nhưng không khép kín, điều này không chỉ trong nếp sống, cách sống mà ngay trong cả kiến trúc.

Người Hội An luôn coi trọng cái đẹp và lấy sự tri túc để gìn giữ cái đẹp, nhất là trong vòng quay xô bồ của cuộc sống hôm nay mà Hội An không thể đứng ngoài. Người Hội An không chỉ tri túc mà còn tri chỉ, họ không chỉ “biết đủ” mà “biết giới hạn” để biết dừng. Nói một cách nôm na là người Hội An luôn giữ cân bằng giữa “tay ga và tay phanh”, họ vẫn phải chạy trên đường cùng thiên hạ để không phải là người đến sau nhưng họ cũng biết hãm phanh đúng lúc để không bị lao xuống dốc. Đó chính là bản lĩnh biết hóa giải một cách tuyệt vời những mâu thuẫn gay gắt, cực đoan tưởng chừng không thể giải quyết.

Chính vì yêu Hội An nên mọi người luôn lo lắng cho Hội An, luôn cảm thấy Hội An mong manh dễ vỡ. Sở dĩ văn hóa bền vững vì ai cũng cảm thấy nó mong manh và chính vì cảm thấy mong manh nên luôn nâng niu, luôn trân trọng, luôn nhẹ nhàng… để nó không bị đổ vỡ.

Hãy tiếp tục thương, yêu Hội An như đã từng. Hãy tin các thế hệ người Hội An hôm nay kể cả mai sau biết hóa giải những nghịch lý trên đường đi tới phía trước như cha ông họ đã làm, để Hội An mãi là Hội An nhưng vẫn tiến kịp cùng thiên hạ.

Hội An, ngày 12/4/2023

NGUYỄN SỰ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-voi-nhung-ai-con-thuong-pho-hoi-post1525944.tpo