Nội tâm phức tạp của những phụ nữ thượng lưu

Trong tiểu thuyết lấy cảm hứng từ cuộc sống của giới thượng lưu, Virginia Woolf xây dựng hình tượng người phụ nữ mạnh mẽ, dám đứng lên giành quyền tự quyết cho cuộc đời mình.

 Mối tình của Virginia Woolf và Vita Sackville-West được khắc họa trong phim Vita & Virginia, 2018. Ảnh: IMDb.

Mối tình của Virginia Woolf và Vita Sackville-West được khắc họa trong phim Vita & Virginia, 2018. Ảnh: IMDb.

Virginia Woolf là một trong những nhà văn quan trọng của thế kỷ XX. Bà là người có công lớn trong việc “sử dụng dòng ý thức như một công cụ trần thuật”, độc thoại nội tâm trở thành một thủ pháp quan trọng trong tiểu thuyết của tác giả Căn phòng riêng . Cùng các tên tuổi lớn như Marcel Proust hay James Joyce, nữ tác giả người Anh đã đem đến một diện mạo mới cho tiểu thuyết.

Với bà, văn chương không chỉ là nơi người ta kể chuyện, đó là mảnh đất màu mỡ con người gieo trồng những hạt giống của trí tuệ. Bà Dalloway là tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Virginia Woolf. Nó đánh dấu bước chuyển mình quan trọng về văn phong, bút pháp cũng như tư tưởng của nhà văn.

Kho báu dưới tầng sâu của ngôn từ

Câu chuyện bắt đầu vào một buổi sáng mùa hè ở London. Phu nhân Clarissa Dalloway quyết định tự ra ngoài mua hoa để chuẩn bị cho bữa tiệc tối. Dạo quanh từng con phố cổ kính, những ký ức về một thời hoàng kim trước khi chiến tranh xảy ra dần hiện lên trước mắt người phụ nữ trung niên thông tuệ. Bà cảm thấy đau lòng khi nhớ tới những người quen đã ra đi vì cuộc chiến.

 Tiểu thuyết Bà Dalloway của Virginia Woolf. Ảnh: R.B.

Tiểu thuyết Bà Dalloway của Virginia Woolf. Ảnh: R.B.

Những kỷ niệm từng có với họ bỗng hiện ra trước mắt bà một cách rõ ràng. Cuộc sống luôn đầy rẫy những biến động và chúng ta không biết mình sẽ ra sao. Dù vẫn được an lành sau chiến tranh, quá khứ đen tối vẫn bám lấy bà Dalloway. Dù mạnh mẽ tới đâu, con người cũng không tránh khỏi những phút giây yếu đuối.

Trở về nhà sau khi tản bộ, phu nhân Dalloway rất bất ngờ khi người đàn ông trước kia bà từng yêu đột ngột tới thăm. Khi còn trẻ, Clarissa đã đem lòng yêu Peter. Thay vì đồng ý, cô gái quyết định từ hôn. Bởi Clarissa nhận ra Peter không phải là lựa chọn phù hợp của cuộc đời bà.

Khi ấy, Peter không thể hòa hợp với người cha nghiêm khắc của Clarissa. Lấy ông ta làm chồng chẳng khác nào tự chuốc lấy rắc rối. Richard Dalloway lại khác, người chồng hiện tại của bà chính là một lựa chọn hoàn hảo. Ông ấy cho Clarissa thứ tự do mà bà luôn mong mỏi. Sau nhiều năm, người phụ nữ ấy không hề hối hận về lựa chọn của mình.

Nhiều người cho rằng vợ chồng bà Dalloway có chút xa cách, tình cảm của họ không nồng nhiệt như những đôi phu thê hạnh phúc, nhưng đó chính là khoảng cách mà bà Dalloway cần. Nó giúp bà duy trì hôn nhân với chồng và cảm thấy thoải mái khi trao yêu thương cho những người phụ nữ khác.

Bà Dalloway có tình cảm đặc biệt với các cô gái đẹp. Khi nhàn rỗi, bà thường nhớ về những nụ hôn khi ở bên họ. Từ chuyện tình ái phức tạp của Clarissa Dalloway, Virginia Woolf đã có những chất vấn về định kiến giới trong tình yêu, đây được xem là tư tưởng khá táo bạo ở thời đại của bà.

Câu chuyện của những người đàn bà mạnh mẽ

Ở một nơi khác của London, anh chàng Septimus Smith đang trải qua những ngày tháng tồi tệ sau chấn thương tâm lý hậu chiến tranh. Người đàn ông trẻ tuổi bước vào cuộc chiến với tâm lý non nớt của một kẻ chưa trải sự đời.

Anh ta nghĩ mình sẽ trở thành người hùng để cứu cả thế giới. Khi chiến tranh đi qua, Septimus nhận ra mình đã ảo tưởng. Giờ đây, anh ta chỉ là một kẻ sắp hóa điên, đang sống trong bóng đêm của quá khứ.

Septimus nghĩ anh ta là người bảo vệ cho Rezia, nhưng thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Rezia vừa phải vật lộn với việc mưu sinh, vừa phải lo cho người chồng có nguy cơ bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Từ khi còn trẻ, cô không nghĩ mình phải trở thành một “nữ cường”, nhưng đây lại là lựa chọn duy nhất của Rezia.

Hình tượng người phụ nữ mạnh mẽ, dám đương đầu với những khó khăn thử thách xuất hiện một cách xuyên suốt trong tiểu thuyết Bà Dalloway. Ngoài Clarissa và Rezia, một số nhân vật phụ, chỉ xuất hiện khá khiêm tốn trong tác phẩm như Sally và Elizabeth cũng được khắc họa là những cô gái mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm.

 Các nhân vật nữ của Virginia Woolf được lấy cảm hứng một phần từ nhà văn Vita. Ảnh: IMDb.

Các nhân vật nữ của Virginia Woolf được lấy cảm hứng một phần từ nhà văn Vita. Ảnh: IMDb.

Cuốn tiểu thuyết này được viết ở thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp của Virginia Woolf, từ năm 1919 đến 1929. Khoảng thời gian này, bà đã cho ra đời những tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của mình như: Căn phòng của Jacob, Bà Dalloway, Đến ngọn hải đăng, Orlando Căn phòng riêng.

Năm 1922, Virginia Woolf gặp nhà văn Vita Sackville-West tại một buổi tiệc. Nữ văn sĩ nhanh chóng bị thu hút bởi phong thái quý tộc, thông tuệ và vẻ đẹp của Vita. Lúc này, Virginia nhận ra bản thân hứng thú với các mối tình đồng giới và xem Vita là nàng thơ của mình. Các nhân vật nữ trong Bà Dalloway đều mang dáng dấp của Vita Sackville-West.

Virginia Woolf là một người ham hiểu biết, thích tìm hiểu về nhiều lĩnh vực. Sự thông tuệ và vốn kiến thức sâu rộng của tác giả được thể hiện rõ nét trong tác phẩm. Một khối lượng tri thức khá lớn về nhiều lĩnh vực được Virginia Woolf khéo léo cài cắm trong các chi tiết nhỏ, xuất hiện với mật độ khá dày trong cuốn tiểu thuyết này.

Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm văn chương nổi tiếng cũng được nữ nhà văn nhắc tới trong cuốn tiểu thuyết này. “Đứa con tinh thần” của Virginia Woolf không phải là cuốn sách để người ta đọc một cách vội vàng. Đằng sau câu chuyện về một ngày dài của người phụ nữ thượng lưu là những triết lý nhân sinh không bao giờ cũ.

Thụy Oanh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-tam-phuc-tap-cua-nhung-phu-nu-thuong-luu-post1375485.html