Nơi sông Cái hòa vào biển lớn

L.T.S: Nhân kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2009 - 2024), Báo Khánh Hòa phối hợp với UBND TP. Nha Trang tổ chức cuộc thi viết “Nha Trang - Ký ức và Khát vọng”. Báo Khánh Hòa trân trọng giới thiệu với bạn đọc các bài viết dự thi bắt đầu từ số báo này.

Nơi sông Cái hòa vào biển lớn

Làm sao có thể trả lời câu hỏi ở Nha Trang, nơi nào đẹp nhất? Bởi, thành phố biển này có quá nhiều cảnh đẹp! Nhưng nếu hỏi, ở Nha Trang bạn thích nơi nào nhất, với tôi, đó là khu vực cầu Trần Phú - nơi có chiếc cầu nối đôi bờ sóng vỗ, nơi dòng sông Cái bắt nguồn từ hòn Gia Lê (huyện Khánh Vĩnh) với độ cao 1.812m, vượt bao dặm dài, thác ghềnh, núi đồi, thôn xóm, chia nhánh, để rồi đến đây hòa vào biển lớn.

Ai đã từng sống ở Nha Trang đều biết, vào năm 2002, sau khi Xóm Cồn với những ngôi nhà chồ san sát, chật chội, nhếch nhác được giải tỏa, người dân chuyển đến chỗ ở mới và cầu Trần Phú sau 3 năm xây dựng, đưa vào sử dụng, cả khu vực này đã trở thành một trong những biểu tượng đẹp của thành phố. Chiếc cầu như dải lụa nối công viên bờ biển từ đường Trần Phú sang đường Phạm Văn Đồng, không chỉ đánh thức vùng đất phía bắc, mà còn là nơi ngắm cảnh tuyệt vời từ cửa sông, để rồi không biết bao người, ngày ngày đã tới đây khi bình minh lên hay khi hoàng hôn buông xuống, đứng trên cầu đón gió, thả tầm mắt ngắm nhìn cảnh sắc bốn bề thơ mộng, yên bình.

Nơi con sông Cái hòa vào với biển. Ảnh: VƯƠNG MẠNH CƯỜNG

Nhưng không chỉ có vậy, nơi này còn là khu vực từng chứng kiến bao nhiêu kỳ tích của lịch sử, văn hóa. Cách chiếc cầu không xa về phía tây là Tháp Bà Ponagar (thờ Mẹ xứ sở), công trình kiến trúc độc đáo được xây dựng từ khoảng thế kỷ VII đến thế kỷ XIII, trải qua bao năm tháng, đến nay vẫn được bảo tồn, đứng trầm mặc, soi mình bên dòng sông, cuốn hút du khách gần xa. Gắn liền với ngôi tháp cổ kính ấy là lễ hội nhằm tưởng nhớ Mẹ xứ sở diễn ra từ ngày 20 đến 23-3 âm lịch hàng năm - lễ hội của người Chăm, cũng là một trong những lễ hội dân gian lớn nhất ở Khánh Hòa với bao nghi thức, sắc màu chứa đậm nét tâm linh, có sự tham gia của đông đảo đồng bào các dân tộc khu vực miền Nam Trung Bộ và rất nhiều khách thập phương. Đó là lễ hội gắn liền với xóm nhỏ nằm bên chân tháp với câu ca: “Ai về Xóm Bóng thăm nhà/Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn chăng?/Thế thường tre lụn còn măng/Phải đâu tham đó bỏ đăng cho đành”.

Dù chào đời ở một miền quê khác, song lớn lên, gần như cả cuộc đời tôi gắn bó với Nha Trang. Tôi đã nhiều lần đến các thôn, xóm ngoại ô thành phố, từng lên núi Cô Tiên, Hoàng Ngưu hay ra thăm các đảo… Tôi đã từng có những lần đưa một số vị khách Pháp tới thăm đình Xương Huân nằm ở bờ Nam và đình - lăng Cù Lao tọa lạc ở bờ Bắc cửa sông Cái. Những người khách tỏ ra thích thú khi biết cả hai nơi ấy còn lưu giữ nhiều huyền tích về thời cha ông ta tới đây lập thôn, mở ấp.

Sông Cái Nha Trang ngày xưa được gọi là sông Cù, và nơi sông gặp biển gọi là cửa Đại Cù Huân. Lịch sử chép lại rằng, thời ấy sông sâu và rất rộng. Vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đây là bến cảng, thuyền bè buôn bán vào ra tấp nập. Từ cửa sông, đường thủy đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa tại địa phương, làm cho cảnh quan làng xóm nhiều nơi thay đổi lớn, trong đó có Vĩnh Điềm, Ngọc Hội, Lư Cấm, Vĩnh Hội… Năm 1836, Trương Đăng Quế (1793 - 1865), một vị quan đại thần, được vua Minh Mạng cử đi kinh lược 6 tỉnh Nam Kỳ để lo chấn chỉnh bộ máy chính quyền và ổn định đời sống nhân dân sau biến cố Lê Văn Khôi. Trên đường từ kinh thành Huế vào Gia Định, vị quan này nghỉ chân tại bến Cù Huân và tức cảnh sinh tình, ông đã sáng tác bài thơ bằng chữ Hán “Cù Huân vãn bạc” (dịch là “Chiều ghé bến Cù Huân”) in trong tập “Học Văn dư tập” (hay “Trương Quảng Khê tiên sinh tập”) ấn bản năm Tự Đức thứ 10 (1857). Đó là một trong số ít bài thơ của người xưa viết về Khánh Hòa với những câu thơ sau này được Trương Quang Gia dịch nghĩa: “Buồm giong sông vượt khúc quanh queo/Thẳng bến Cù Huân, gác mái chèo/Đảo đá ba chòm xua sóng vỗ/Khói tranh mấy xóm mé non treo/Giăng câu hái củi nghề quen nếp/Dựa cát nương triều chợ quán theo/Rượu tốt mua về vầy bạn nhắm/Vui say cùng nắng nhạt xiêu xiêu”.

Ai đã từng đọc lịch sử chắc chắn không thể quên về cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương tại Khánh Hòa do Trịnh Phong, Trần Đường và Nguyễn Khanh lãnh đạo. Vào tháng 8-1885, khi quân Pháp đổ bộ lên, Trịnh Phong đã giao thành Diên Khánh cho Lê Nghị trấn giữ, còn mình trực tiếp chỉ huy nghĩa quân chặn đánh ngay nơi cửa sông Cái. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo và thông thuộc địa hình, lại được nhân dân hết lòng giúp sức, che chở, nghĩa quân đã mưu trí dụ địch vào sâu trong sông rồi thực hiện lối đánh du kích, chia cắt, phân tán đội hình, làm cho chúng thiệt hại nặng nề. Do hạn chế về nhiều mặt, sau đó một thời gian, phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa bị thực dân Pháp đàn áp, tan rã nhưng nối tiếp truyền thống vẻ vang của cha ông, bên khúc sông xưa, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các thế hệ con cháu đã viết nên bao trang sử mới, trong đó có cuộc tấn công vào các mục tiêu: Tỉnh đường, Tiểu khu, Sở Tiếp vận 5… của địch vào dịp Tết Mậu Thân 1968…

Chẳng thể nêu hết những lớp trầm tích lịch sử, văn hóa gắn liền với cửa sông Cái Nha Trang! Khó có thể kể hết bao lớp người đã từng đến nơi này sinh sống, góp phần dệt nên những vỉa trầm tích ấy! Trong số đó có bác sĩ Alexandre Yersin. Ông là một trong những biểu tượng về lòng nhân ái và cả cuộc đời cống hiến cho khoa học. Ông được nhân dân Xóm Cồn gọi với cái tên thân thiết - ông Năm Yersin. Tên ông đã trở thành tên đường, tên công viên và hình ảnh của ông đã được tạc thành tượng đá…

Người Nha Trang hiền lành, sống nghĩa tình, nhân ái. Nhiều chàng trai xưa đã lấy Hòn Chữ, khối đá lớn sừng sững nằm muôn đời nơi cửa sông đầy sóng vỗ để thể hiện lòng mình trước tình yêu: “Bao giờ Hòn Chữ bẻ tư/Biển Nha Trang cạn nước, anh mới từ duyên em”. Những người con đi xa, nhớ về quê nhà cũng lấy các địa danh ở đây nhằm trải lòng qua khúc ca dao: “Xa quê nhớ núi Cô Tiên/Nhớ dòng sông Cái in nghiêng bóng dừa/Bến Cù Huân con đò đưa/Có qua, có bậu sớm trưa đi về”.

Cầu Trần Phú giờ đã thay cho những chuyến đò xưa. Chiều nay, tôi đi dạo trên công viên rồi dừng chân giữa chiếc cầu lộng gió, suy tưởng miên man, lại nghĩ đến những giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời ở vùng đất này. Đó là những tiềm năng cần tiếp tục được đánh thức nhằm góp phần quảng bá và phát triển kinh tế - xã hội của TP. Nha Trang nói riêng, Khánh Hòa nói chung, như nước sông Cái đang hòa vào biển lớn.

Báo Khánh Hòa trân trọng mời các cộng tác viên, bạn đọc tham gia gửi bài dự thi về địa chỉ email: cuocthivietvenhatrang@gmail.com

HOÀNG NHẬT TUYÊN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/nha-trang-ky-uc-va-khat-vong/202402/noi-song-cai-hoa-vao-bien-lon-c153842/