Nói rõ thêm về một chiến công của tự vệ Hà Nội

Mới đây trên mạng xã hội nhắc lại câu chuyện pháo thủ Phạm Thị Viễn của Trung đội tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động (Hà Nội) bắn rơi chiếc máy bay 'cánh cụp cánh xòe' F111 A trong đêm 22-12-1972 với nhiều 'nghi vấn'.

Từ những câu bình luận mang tính áp đặt tư duy cảm tính cá nhân đã không ít người ngộ nhận rồi phủ nhận chiến tích này, cho rằng đó chỉ là một câu được thêu dệt để tuyên truyền trong thời gian kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù không ít người cũng đào sâu nghiên cứu về tính năng vũ khí, tài liệu sử sách và lời kể của nhân chứng nhưng do vẫn thiếu thông tin nên diễn ra tranh luận bế tắc và có phần “xuôi theo” những nhận xét thiếu tích cực. Rất may, tôi là người có điều kiện theo dõi tường tận câu chuyện này nên xin được trình bày thêm một lần.

Đồng chí Hoàng Minh Giám trên một thước phim tư liệu về trận đánh máy bay Mỹ bên sông Hồng.

Đồng chí Hoàng Minh Giám trên một thước phim tư liệu về trận đánh máy bay Mỹ bên sông Hồng.

Trước năm 2012, để chuẩn bị tài liệu, bài viết tuyên truyền về sự kiện kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, tôi đã tìm gặp các cựu chiến binh thuộc Trung đội tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động. Tôi may mắn gặp ông Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1949, cán bộ thuộc phòng hành chính của Nhà máy cơ khí Mai Động. Là người tham gia xây dựng phòng truyền thống của đơn vị nên ông Trung nhớ rất rõ nhiều tư liệu hiện vật và nhân chứng. Ông Trung cũng là một thành viên trong đội tự vệ của nhà máy vào năm 1972.

Nhắc lại trận đánh này ông Trung có thể tả rất chi tiết ví như đó là đêm mưa phùn, có trăng non, nền trời sáng, từ trận địa Vân Đồn ở bãi sông Hồng có thể thấy bóng cầu Long Biên in trên nền trời. Trận địa này nguyên gốc là trận địa của pháo 37 ly, tuy nhiên trước đó đã bị đánh phá vẫn còn lửa cháy, vật dụng đổ nát ngổn ngang. Bộ tư lệnh quân khu Thủ đô (sau này là Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) điều động 3 trung đội súng phòng không 14 ly 5 của 3 trung đội tự vệ (gồm Nhà máy gỗ Hà Nội, Nhà máy cơ khí Mai Động và Nhà máy cơ khí Lương Yên) chiếm lĩnh trận địa cũ của đơn vị pháo 37 ly đón lõng địch. Ông Trung còn nhớ rõ hầm hào công sự được đào rộng nên triển khai vũ khí rất…sướng.

Cựu chiến binh Hoàng Minh Giám (trái) và ông Nguyễn Văn Trung (ảnh chụp năm 2013).

Cựu chiến binh Hoàng Minh Giám (trái) và ông Nguyễn Văn Trung (ảnh chụp năm 2013).

Trận chiến công được ghi vào hồi 21 giờ 30 phút nghĩa là giữa đêm tối dẫn đến một sự nghi hoặc rất lớn cho nhiều người tiếp nhận thông tin sau này. Trong đó nghi vấn lớn nhất là việc dùng mắt thường quan sát trong đêm tối và mục tiêu là máy bay bay bám địa hình thấp có tốc độ rất lớn làm sao có thể quan sát bắt đón được? Trong khi đó máy bay F111A vào năm 1972 là vũ khí tối tân của Không lực Hoa Kỳ, tốc độ cực đại lên đến 2,5 lần tốc độ âm thanh, ngay cả khi xòe cánh bay thấp tốc độ của nó cũng đạt 1,2 lần tốc độ âm thanh. Trong khi đó khoảng cách từ trận địa Vân Đồn đến “vật chuẩn” cầu Long Biên khoảng 800m nghĩa là từ khi trông thấy đến khi máy bay bay qua trận địa ước chừng 2 giây.

Cứ cho rằng 2 giây đủ thời gian ngắm bắn thì việc bắn thẳng vào mục tiêu bay cũng có thể đạt hiệu quả. Câu hỏi này tôi đã từng đặt ra với cựu chiến binh Lê Xuân Giang chỉ huy Đại đội 4 trấn thủ trên đồi C4 giữ cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa. Câu trả lời là không thể bắn trúng máy bay khi nó đang bay thẳng hướng. Chính vì thế mà các chiến sĩ đã sáng tạo ra lối đánh “quyết tử” là: Ngắm bằng cánh, đánh bổ nhào. Nghĩa là khi máy bay bay bằng với kính ngắm ta không nổ súng, chỉ bắn khi nó nhào xuống ném bom. Bắn đuổi theo là vô ích, phí đạn. Cách đánh “quyết tử” của chiến binh Hàm Rồng khi hạ được nhiều máy bay mà còn giảm thiểu thương vong do địch hoảng loạn trút bừa bom xuống sườn đồi. Song đó là câu chuyện ở Thanh Hóa nơi có cầu Hàm Rồng trọng điểm với lưới lửa phòng không dày đặc, được hỗ trợ thông tin khi địch mới xuất hiện từ rất xa. Trận địa phòng không ở Vân Đồn không có được điều kiện hỗ trợ lý tưởng như thế, thêm nữa Đại đội tự vệ không có thời gian rút kinh nghiệm. Vậy chiến thắng do đâu?

Năm 2013, tôi cùng ông Nguyễn Văn Trung đã đi tìm được người Đại đội trưởng chỉ huy đại đội súng máy phòng không 14 ly 5 ở trận địa Vân Đồn. Ông tên là Hoàng Minh Giám (trùng tên với nhà ngoại giao lỗi lạc của nước ta). Vào năm 1972, ông Giám đeo quân hàm Trung úy đã có kinh nghiệm chiến đấu, bắn máy bay Mỹ tại chiến trường Khu 4. Qua câu chuyện, chúng tôi được biết ngay sau khi nhận nhiệm vụ, ông Giám đã xác định được vật chuẩn, quy luật tiến công của địch.

Ngoài ra ông Giám có một lợi thế nữa đó là có được thông tin “tình báo” rất quan trọng qua trạm rada của một đơn vị phòng không đóng tại Vườn hoa Yéc-xanh. Thời điểm đó, trạm thông tin này giữ bí mật quân sự, không được đưa tin trên báo chí. Trạm này cung cấp thông tin từ khi máy bay địch xâm nhập khu vực núi Tam Đảo. Ông Giám tính toán thời gian và vạch ra phương án tác chiến. Ông tự tay điều chỉnh tầm hướng cho 5 khẩu 14 ly 5 hướng về phía nóc cầu Long Biên. Thống nhất với các trung đội hiệu lệnh nổ súng là tiếng kẻng. Ông cũng yêu cầu các chiến sĩ bắn điểm xạ để tiết kiệm đạn vì ông biết thời cơ sẽ trôi qua rất nhanh.

21 giờ 30 đêm 22-12-1972 giữa những ngày cao điểm của chiến dịch Liner Becker 2 trời đổ mưa phùn, hơi xuân đã về, có lẽ trời rất lạnh nhưng trong lòng những chiến sĩ tự vệ phòng không trên khắp mặt trận Hà Nội đều nung nấu một ngọn lửa căm thù sẵn sàng trút xuống đầu giặc Mỹ.

Tôi nhớ đến 2 nhân vật trong bài viết của mình trong thời điểm này cũng đã ra đường động viên cán bộ chiến sĩ, tự vệ thành Hà Nội. Đó là họa sĩ Trường Sinh của Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Phan Đức Sử lúc này đang là cán bộ của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn. Họa sĩ Trường Sinh là người ghi lại nhật ký bằng tranh cổ động những ngày máy bay bắn phá miền Bắc. Ông từng trưng bày một bức tranh trực họa ngay tại đường phố Huế khi Không quân Mỹ mở màn chiến dịch.

Còn AHLLVTND Phan Đức Sử, nguyên sĩ quan công binh trấn giữ đèo Pha Đin trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông ra đường để rút kinh nghiệm làm hầm tránh trú bom do Ủy ban phòng không nhân dân Trung ương giao phó, trên đường thị sát ông cũng tiện tay gỡ vài quả bom chưa nổ... Thời điểm đó, ngay trên nóc của tòa nhà Ngân hàng Nhà nước có một tổ súng máy phòng không 12 ly 7. Lúc đó, tòa nhà này chính là điểm cao nhất của Hà Nội. Từ tổ 12 ly 7 đã thấy lưới lửa vụt lên rồi ánh lửa tóe trên thân máy bay, chiếc máy bay loạng choạng lao đi mang theo đuôi lửa. “Cháy rồi” tất cả reo hò ôm trầm lấy nhau mặc cho tiếng bom, đạn khắp nơi vẫn ầm ầm vọng lại.

Từ một vị trí khác, anh tự vệ Nguyễn Văn Trung của Nhà máy cơ khí Mai Động rất nóng lòng, sốt ruột. Đã nhiều lần anh thấy máy bay địch thoát dọc theo sông Hồng. Máy bay to như chiếc ghế đẩu vút qua đầu. Trong tích tắc anh cảm giác như thấy rõ cả khuôn mặt hai tên giặc lái ngồi song song trong khoang lái bắt ánh đèn hắt lên từ bảng điều khiển. Bắn đi! Sao chưa bắn? Sao để chúng ngang nhiên bỏ đi như thế? Chưa bao giờ anh thèm nghe tiếng kẻng hiệu lệnh đến thế. Một lượt, hai lượt, nhiều lượt địch đã lọt qua. Trận địa vẫn im lìm. Ánh lửa từ trận tập kích hồi chiều vẫn lem lém cháy. 5 khẩu 14 ly 5 như 5 con trâu giương sừng mình chờ cơ hội lao vào đối thủ. Rồi bất chợt cả trận địa rung chuyển, “trâu sắt” khạc lửa, chiếc máy bay như con cá trê lao sầm vào lưới lửa. Nó lúc lắc bay về hạ lưu sông Hồng kéo theo tia lửa ào ạt như máu chảy. Đến sau này trong đại hội báo công, các chiến sĩ tự vệ mới được biết đó là chiếc máy bay thứ 13. Đại đội trưởng Hoàng Minh Giám đã căn chính xác thời cơ tiêu diệt địch. 5 khẩu súng bắn 19 viên đạn, điểm xạ rất xuất sắc tạo thành một lưới thép chụp xuống đầu địch.

Chiến công này về sau đã được nói đi nói lại nhiều lần. Ví như chiếc máy bay F111A này bay đến tỉnh Hòa Bình mới chịu rơi, đường bay của nó như thế nào người ta không hình dung nổi song phi công cũng kịp nhảy dù, bị du kích bắt sống 3 ngày sau đó. Xác chiếc F111 này đến giờ vẫn được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Cũng phải nói thêm rằng sau trận đánh cũng có một đơn vị nhận mình bắn rơi chiến máy bay này song không đủ cơ sở để nhận chiến công và thực tế tiêu đồ cũng chỉ ra tầm, hướng và thời cơ chỉ có 1 đơn vị lập công. Chuyện này sau không ai nhắc nữa.

Còn một thắc mắc nữa liên quan đến tấm hình của cô Phạm Thị Viễn được chú thích là nữ chiến sĩ Phạm Thị Viễn, liên đội tự vệ Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng bắn rơi máy bay F-111A của Mỹ đêm 22-12-1972”, nhiều “cư dân dân mạng” thắc mắc rằng: Làm sao biết được cô này bắn chiếc máy bay đấy? Trên viên đạn có chữ ký của cô ấy đâu. Ngoài ra còn những thắc mắc rất “ngớ ngẩn” kiểu: Súng K44 làm sao bắn rơi được máy bay phản lực? Rồi lại có kẻ nói vuốt theo kiểu “xiên xỏ”… Vẫn biết, cõi mạng là một đống hỗn tạp, xong đem câu chuyện lịch sử hay chính chiến công của cha, ông mình ra giễu cợt thì đó là hành vi của những kẻ thiếu văn hóa, thiếu hiểu biết, mất gốc và thiếu lòng tự tôn dân tộc. Dù vậy, tiện đây cũng xin nói rõ, việc xác định chiếc máy bay F111A bị bắn rơi do liên đội tự vệ Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng là không phải bàn cãi, vì chiến công này được Quân chủng Phòng không-Không quân xác định ngay.

Chiến công này đã được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Quân đội tuyên dương ngay sau đó. Thứ hai, tại sao cô Phạm Thị Viễn lại đại diện cho cả liên đội gồm rất nhiều người được vinh dự tuyên dương? Đó là vì tập thể đã thống nhất trao thành tích để đại diện 1 người lên nhận theo tinh thần “bó đũa chọn cột cờ”, nó cũng phản ánh nếp sinh hoạt tốt đẹp của quân đội ta đó là: Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể. Tập thể đó lại tôn vinh những cá nhân có thể hiện xuất sắc trong chiến đấu, đó là việc bình thường.

Trở lại câu chuyện ồn ào trên mạng xã hội về chiến công của nữ tự vệ Phạm Thị Viễn hay gián tiếp là chiến công của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, có thể thấy “mùi” bỉ bôi của những kẻ vô tri hòng lật sử. Lịch sử và sự thật không cần phải thanh minh.

Bài, ảnh: LÊ ĐÔNG HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/noi-ro-them-ve-mot-chien-cong-cua-tu-ve-ha-noi-756522