Nỗi lo sạt lở bờ sông ở Triệu Phong

Sau trận lũ lớn năm 2020, nhiều diện tích đất ở và đất sản xuất dọc theo các con sông Vĩnh Định, Thạch Hãn đi qua địa bàn huyện Triệu Phong đã bị cuốn trôi và bị uy hiếp. Thực trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, phức tạp đã khiến người dân hết sức hoang mang và lo lắng vì tính mạng và tài sản bị đe dọa thường trực, nhất là vào mùa mưa lũ.

Sạt lở bờ sông Vĩnh Định đã tiến vào sát nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Lộc ở thôn Ngô Xá Thanh Lê, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong - Ảnh: Đ.V

Sạt lở bờ sông Vĩnh Định đã tiến vào sát nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Lộc ở thôn Ngô Xá Thanh Lê, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong - Ảnh: Đ.V

Sinh sống hơn 25 năm nay ở sát bờ sông Thạch Hãn đoạn gần cầu An Mô, thuộc thôn An Định, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong nhưng chưa bao giờ ông Phạm Xanh, (65 tuổi) và gia đình mình chứng kiến tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng như mấy năm gần đây.

Dẫn chúng tôi đi xem bờ sông gần sát ngôi nhà của mình đang lở dần, ông Xanh lo lắng nói: “Từ trận lũ lịch sử năm 2020 đến nay, sạt lở bờ sông ở khu vực này diễn ra rất nghiêm trọng. Gia đình tôi đây đã bị cuốn trôi diện tích đất với chiều dài 50 m, chiều rộng từ sông vào khoảng 8 m, tính sơ sơ đã mất khoảng 1 sào đất sản xuất. Ngoài ra, 45/50 bụi tre lớn dọc bờ sông đoạn qua nhà tôi đã bị cuốn trôi hoàn toàn. Gia đình tôi rất lo lắng sạt lở sẽ tiến sát nhà trong nay mai nếu không có giải pháp khắc phục sạt lở kịp thời”.

Ở gần đó, thôn Đại Thượng Hạ, xã Triệu Long cũng diễn ra tình trạng sạt lở nặng. Trưởng thôn Đại Thượng Hạ Đoàn Văn Bằng cho hay, toàn thôn có tổng chiều dài bờ sông bị sạt lở trên 2.000 m, chiều rộng sạt lở từ bờ ra sông bình quân khoảng 20 m. “Ở thôn chúng tôi sạt lở diễn ra nhiều đợt, trong đó năm 1999-2000 do sạt lở mạnh ăn sâu vào làng nên đã có hàng chục hộ dân di dời qua thị trấn Ái Tử tái định cư.

Những năm qua, sạt lở qua địa bàn thôn vẫn còn, tuy vậy nhờ có trên 1.400 m bờ sông đã được xây dựng kè nên cũng đỡ lo. Hiện còn hơn 500 m bờ sông bị sạt lở của thôn chưa được kè, nên chúng tôi mong muốn tiếp tục được đầu tư xây dựng kè để bảo vệ an toàn cho toàn tuyến bờ sông ở khu vực xung yếu này”, anh Bằng cho biết. Toàn xã Triệu Long hiện có tổng số 5.600 m bờ sông bị sạt lở, trong đó phần nhiều là đất sản xuất và đất ở của người dân. Đây cũng là địa phương có nhiều đoạn bờ sông xung yếu và cũng là địa bàn diễn ra sạt lở bờ sông khá nghiêm trọng ở huyện Triệu Phong.

Bên ngôi nhà đã định cư suốt 46 năm nay sát bờ sông Vĩnh Định giáp với tuyến Tỉnh lộ 49 C, thuộc huyện Triệu Phong, bà Nguyễn Thị Lộc, (68 tuổi) ở thôn Ngô Xá Thanh Lê, xã Triệu Trung cứ thấp thỏm lo âu mỗi khi nhắc đến chuyện sạt lở. Dẫn chúng tôi ra phía bờ sông giờ chỉ còn cách ngôi nhà mình khoảng 3 m, bà Lộc nói mấy năm qua muốn xây dựng căn nhà phụ để có chỗ sinh hoạt rộng rãi hơn nhưng không dám.

“Vì sạt lở diễn ra mạnh quá, nhà tui lại ở ngay đoạn eo này nên mỗi mùa lũ nước chảy về rất mạnh và xiết. Nhà cửa giờ sát sạt ngay bờ sông như thế này nên chưa biết bị cuốn trôi lúc nào. Lo lắng lắm”, vừa chỉ tay vào những gốc cây lớn trong vườn đã trơ nguyên bộ rễ ra vì sạt lở, bà Lộc nói.

Theo bà Lộc, hơn chục năm trước đây sạt lở cũng có xảy ra nhưng ít và mức độ nhẹ. Tuy nhiên, từ sau trận lũ lịch sử năm 2020 thì đoạn sông qua nhà bà thay đổi dòng chảy nên sạt lở diễn ra nhanh, mạnh và ngày càng ăn sâu vào phía nhà bà.

“Đoạn qua nhà tôi sạt lở kéo dài 70-80 m, ăn sâu từ sông vào hơn 4 m, đã có 3 bụi tre lớn và hàng chục cây xanh khác ở đoạn này bị cuốn trôi mất. Vào mỗi mùa mưa lũ là gia đình tôi ăn không ngon ngủ không yên, năm nào cũng phải thúc giục các con gửi mấy đứa cháu đến nơi an toàn mới yên tâm”, bà Lộc nói thêm.

Thực trạng sạt lở bờ sông Vĩnh Định đi qua xã Triệu Trung diễn ra mạnh từ năm 2020 đến nay. Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Trung Phan Văn Tiệm cho biết, xã có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng gồm: đoạn xóm chợ Ngô Xá; đoạn sát khu dân cư Vĩnh Định; đoạn xóm Mít thuộc thôn Ngô Xá Thanh Lê với tổng chiều dài khoảng 300 m.

Hiện có 150 m bờ sông bị sạt lở thuộc diện xung yếu ở thôn Ngô Xá Thanh Lê đang được thi công kè. Chính quyền và người dân xã Triệu Trung luôn mong mỏi các cấp, ngành trung ương và địa phương liên quan sớm quan tâm, tiếp tục hỗ trợ xây dựng các tuyến kè chống sạt lở bờ sông Vĩnh Định đoạn qua địa phương để yên tâm sinh sống, sản xuất.

Thực trạng sạt lở bờ sông đang là vấn đề rất cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 5.300 hộ dân trên địa bàn huyện Triệu Phong. Hiện nay, huyện có gần 15 điểm sạt lở tại hai bờ sông Vĩnh Định và Thạch Hãn, trong đó chỉ có 5 điểm sạt lở đang được khắc phục.

Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Vũ Thành Công cho biết: “Triệu Phong có nhiều hệ thống sông ngòi, hằng năm chịu ảnh hưởng lớn của bão lũ. Hiện nay, các hệ thống sông ngòi trên địa bàn huyện bị sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Trong thời gian qua, huyện đã có đánh giá, rà soát các đoạn xung yếu để đề xuất các cơ quan, ban, ngành của trung ương, của tỉnh có nguồn vốn hỗ trợ từng bước khắc phục các đoạn xung yếu bị sạt lở, nhằm bảo vệ an toàn đời sống và sản xuất của người dân. Đồng thời, đảm bảo cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, hạn chế tình trạng sạt lở trên địa bàn huyện”.

Tác động của biến đổi khí hậu nên tình hình thiên tai ngày càng khắc nghiệt, gây sạt lở nghiêm trọng ở các bờ sông tại huyện Triệu Phong nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung. Trước thực trạng sạt lở bờ sông tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, người dân đang mong chờ các cấp có thẩm quyền có những giải pháp kịp thời nhằm chống xói lở bờ sông để mỗi mùa mưa bão đến không còn nỗi thấp thỏm âu lo.

Đức Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/noi-lo-sat-lo-bo-song-o-trieu-phong/179563.htm