Nỗi lo của ngôi trường khuyết giáo viên dạy Tiếng Anh

Mấy tháng qua, Trường Tiểu học & Trung học cơ sở (TH&THCS) Cao Sơn, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đang lâm vào tình trạng khuyết giáo viên dạy Tiếng Anh nên tất cả các em học sinh nhà trường đều không được học ngoại ngữ. Điều này khiến giáo viên và phụ huynh, học sinh nhà trường rất lo lắng, nhất là khi học kỳ I sắp kết thúc.

Về việc khuyết giáo viên dạy bộ môn Tiếng Anh, được biết nhà trường đã gửi báo cáo lên UBND huyện Bá Thước, đề nghị có phương án hỗ trợ. Trong 3 năm trở lại đây, tỉ lệ đỗ vào THPT của học sinh Trường TH&THCS Cao Sơn luôn đạt 100%. Tuy nhiên, việc không được học môn Tiếng Anh là thiệt thòi lớn cho các em học sinh.

 Trường TH&THCS Cao Sơn nằm trên điểm cao ngất ngưởng của 3 thôn Son - Bá - Mười.

Trường TH&THCS Cao Sơn nằm trên điểm cao ngất ngưởng của 3 thôn Son - Bá - Mười.

Ông Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Cao Sơn cho biết: "Khó khăn của chúng tôi hiện nay là thiếu giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên và Ngoại ngữ. Đặc biệt, kể từ đầu năm học 2023 - 2024 đến nay, tất cả các em học sinh nhà trường đều không được học ngoại ngữ, do không có giáo viên. Chúng tôi cũng đã báo cáo UBND huyện Bá Thước, để được hỗ trợ nhưng không biết khi nào mới có. Đây là cả vấn đề nhức nhối, chúng tôi rất lo lắng. Trên "khu biệt lập" này không có giáo viên Tiếng Anh, may ra kêu gọi bên Hòa Bình sang hỗ trợ, nhưng nếu được cũng chỉ thời gian ngắn."

"Học kỳ I năm học 2023 - 2024 sắp kết thúc, không có điểm môn Ngoại ngữ thì không tổng kết được. Điều đó ảnh hưởng tới các em học sinh từ lớp 3 đến lớp 9 của nhà trường, đặc biệt là với 16 học sinh lớp 9, vì đây là năm học cuối cấp của các em", thầy Tài lo lắng.

Theo thầy Tài, nguyên nhân dẫn đến việc thiếu giáo viên là do Trường TH&THCS Cao Sơn đóng trên địa bàn miền núi, đường dốc nguy hiểm, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở vật chất sinh hoạt của các thầy giáo còn thiếu thốn. Ngoài ra, việc 3 thôn Son - Bá - Mười ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn từ tháng 6/2021 đến nay khiến phần trăm đứng lớp của các giáo viên bị giảm nhiều, nhất là giáo viên trẻ. Thay vì được hưởng 140% đứng lớp thì nay chỉ còn 35%, giảm 105%.

 Ông Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Cao Sơn.

Ông Nguyễn Thế Tài, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Cao Sơn.

Được biết, khối THCS của Nhà trường hiện có 4 lớp 6, 7, 8, 9 với 4 giáo viên giảng dạy. Là Hiệu trưởng, theo quy định chỉ dạy 2 tiết/tuần; nhưng hiện tại, thầy Tài đang phải dạy 10 tiết/tuần, có thời điểm lên tới 19 tiết/tuần.

Trường TH&THCS Cao Sơn nằm vắt vẻo trên điểm cao ngất ngưởng của Son Bá Mười, thành lập từ năm 2008 chỉ bằng tranh tre nứa lá và được gộp bởi 2 điểm trường Tiểu học và THCS Cao Sơn; học sinh của nhà trường 100% là người dân tộc Thái. Đây là ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ. Trường hiện có 125 học sinh (khối tiểu học 67 em, khối THCS 58 em), 15 cán bộ, giáo viên nhân viên, trong đó có 12 giáo viên đứng lớp.

Sáng ngày 30/11, trao đổi với phóng viên, ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết: "Về tình trạng này, Phòng cũng đã nắm được và báo cáo lãnh đạo huyện, chúng tôi cũng rất sốt ruột và trăn trở về việc này. Đặc thù ngôi trường này là đi lại khó khăn nên chỉ có giáo viên nam mới có thể trụ được. Đầu năm cũng có một thầy dạy tiếng Anh nhưng đã chuyển sang huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) công tác rồi. Hiện nay, huyện cũng đã có phương án giao cho Phòng Nội vụ sắp xếp, hợp đồng với một giáo viên nam có đầy đủ sức khỏe, nhiệt huyết để lên trường dạy trong tuần tới, nhằm đảm bảo việc học tập cho các em."

 Hiện Nhà trường rất lo lắng khi không có giáo viên dạy môn tiếng Anh.

Hiện Nhà trường rất lo lắng khi không có giáo viên dạy môn tiếng Anh.

Trước đó, Báo Bảo vệ pháp luật đã có bài viết "Chênh vênh ngôi trường chưa từng có giáo viên nữ", ghi nhận về những khó khăn của thầy giáo, học sinh và Trường TH&THCS Cao Sơn đã và đang phải đối mặt bao năm qua. Xã Lũng Cao là xã vùng cao thuộc diện khó khăn nhất của huyện Bá Thước, cơ sở hạ tầng phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Cao Sơn nằm tách biệt riêng lẻ trên đỉnh núi nên được xem như "khu biệt lập" của huyện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống.

Trên này, mùa Đông rét cắt da cắt thịt, khí hậu rất khắc nghiệt, có lúc xuống âm 3-4 độ C; đường xá đi lại rất khó khăn. Vì vậy, không có cô giáo nào có thể lên đây “bám trụ” được. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng gần 20 năm qua, những chàng “ngự lâm” trường Cao Sơn vẫn bám lớp, bám trường trên con đường gian nan giúp các em đi tìm con chữ.

Đinh Huê

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/giao-duc/noi-lo-cua-ngoi-truong-khuyet-giao-vien-day-tieng-anh-149621.html