Nội dung văn bản không như trao đổi

Làm việc với PV, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho rằng, đất mà gia đình ông Vũ phải cất công san lấp thùng vũng và trước đây là đường giao thông là có thật. Nhưng trong văn bản báo cáo tới huyện Lương Sơn thì bà Nguyệt lại nói hoàn toàn khác.

Viết tiếp bài: Kỳ lạ vụ án đường giao thông biến thành đất khai hoang ở Hòa Bình:

Thửa đất là có thật nhưng nguồn gốc đất thì TAND huyện, UBND huyện và UBND xã Thanh Sơn mỗi nơi lại nhận định một kiểu. Ảnh: N.S

Năm 2009 gia đình ông Dương Quốc Vũ, SN 1958, chuyển đến sinh sống tại xóm 4, thôn Hợp Thung, xã Long Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Năm 2010 ông Vũ có nhu cầu sử dụng đất để mở rộng cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng nên đã kí hợp đồng thuê mặt bằng sản xuất với lãnh đạo thôn Hợp Thung, xã Long Sơn. Diện tích thửa đất thuê rộng 186m2, liền kề với mảnh đất gia đình ông đang sử dụng. Thời hạn thuê 15 năm.

Bất ngờ, tháng 6/2018, vợ chồng ông Trần Thanh Sơn và bà Nguyễn Thị Hòa, có nhà cách thửa đất ông Vũ đang thuê phía bên kia đường đến gặp ông Vũ thông báo rằng thửa đất ông đang sử dụng là đất của gia đình mình, đã được UBND huyện Lương Sơn cấp giấy chứng nhận QSD đất năm 2015, thuộc thửa đất số 300, tờ bản đồ đồ 39 có địa chỉ xóm 4, thôn Hợp Thung, xã Long Sơn.

Ông Vũ không đồng tình với lý do này, bởi từ khi mình thuê đất với thôn Hợp Thung đã được gần 10 năm, trong đó có công tôn tạo đất, san lấp nhiều hố, vũng sâu, xây dựng nhà xưởng. Nếu là đất của vợ chồng bà Hòa thì họ đã ngăn cản từ lâu chứ không phải đợi đến bây giờ. Tháng 12/2019, vợ chồng bà Hòa tiến hành khởi kiện ông Vũ ra TAND huyện Lương Sơn.

Tại Bản án số: 06/2020/DS-PT ngày 22/4/2020 của TAND tỉnh Hòa Bình đã chỉ rõ một loạt vi phạm về tố tụng của cấp sơ thẩm là TAND huyện Lương Sơn vào năm 2019: “Cấp sơ thẩm chưa xác minh làm rõ nguồn gốc đất tranh chấp trước khi thu hồi của ông Thát để làm đường thì diện tích là bao nhiêu và sau khi làm đường thì diện tích còn lại bao nhiêu và chưa xác minh làm rõ thủ tục cấp giấy chứng nhận QSD đất cho hộ gia đình bà Hòa đã đúng theo trình tự quy định của pháp luật hay chưa, Việc UBND huyện Lương Sơn cấp giấy chứng nhận QSD đất cho gia đình bà Hòa là chưa có cơ sở vững chắc”.

Ngày 20/9/2022 TAND huyện Lương Sơn tiếp tục tiến hành mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án dân sự: giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Trần Thanh Sơn và bà Nguyễn Thị Hòa và bị đơn là ông Dương Quốc Vũ. Nhưng phiên tòa cũng không làm rõ được nguồn gốc đất của vợ chồng ông Sơn, bà Hòa như chỉ đạo của TAND tỉnh Hòa Bình.

Làm việc với PV, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn cho biết việc ông Vũ có công san lấp thùng vũng để hình thành lên thửa đất như ngày nay là có thật. Diện tích san lấp vốn trước đây có phần là lòng đường giao thông.

Tuy nhiên, ngày 4/7/2023, trong Văn bản số 111/BC-UBND gửi tới UBND huyện và Phòng TN&MT huyện Lương Sơn: “Về việc làm rõ các nội dung theo phản ánh của báo Pháp luật và Xã hội” thì bà Nguyệt lại có quan điểm khác khi cho rằng đất đang đứng tên vợ chồng ông Sơn có nguồn gốc từ cụ Trần Ngọc Thát. Sau đó, cụ Thát đã tách cho con gái là Trần Thị Thành Hà. Tiếp đó bà Hà đã làm thủ tục tặng cho vợ chồng ông Trần Thanh Sơn.

Điều khó hiểu ở chỗ, quá trình làm việc với đại diện TAND huyện Lương Sơn, báo cáo ban đầu tới UBND huyện Lương Sơn, cũng như làm việc với PV lãnh đạo xã Thanh Sơn không hề nói tới tình tiết này.

Các văn bản mà bà Nguyệt viện dẫn như: Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Phiếu lấy ý kiến của khu dân cư ký ngày 10/9/2013… đều thể hiện ông Sơn được thừa hưởng đất do ông cha để lại chứ không phải do chị gái cho tặng. Một số nhân chứng khẳng định mình không được tham dự các cuộc họp nhưng vẫn có tên và chữ ký trong biên bản họp.

Còn nhớ, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/9/2022, đại diện UBND huyện Lương Sơn chỉ ra một số bất cập về nguồn gốc đất: “Đối với phần hồ sơ xác nhận của UBND xã Long Sơn (nay là xã Thanh Sơn-PV) không ghi xác nhận về nguồn gốc tạo lập tài sản và thời điểm hình thành tài sản; Phần ý kiến của Văn phòng đăng kí QSD đất không ghi quan điểm đủ điều kiện hay không đủ điều kiện. Do đó, chưa phù hợp với quy định về mẫu đơn”.

Đơn khởi kiện thời điểm năm 2019 của bà Hòa cho rằng nguồn gốc đất là do gia đình chồng khai hoang từ năm 1979 đến 1980 để cấy lúa và sử dụng ổn định. Còn trong giấy chứng nhận QSD đất có diện tích 149,9m2 tại thửa đất số 300 tờ bản đồ 39 địa chỉ xóm 4, thôn Hợp Thung, xã Thanh Sơn thì lại ghi là đất ở nông thôn.

Đại diện UBND huyện Lương Sơn cho rằng việc xác nhận về nguồn gốc đất nói trên là: “chưa phù hợp về loại đất sử dụng. Bà Hòa, ông Sơn không phải là người khai hoang thửa đất, trên đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận QSD đất thể hiện là do được thừa kế nhưng không có văn bản về việc thừa kế theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Đó là nhận định của UBND huyện Lương Sơn. Còn trong nhận định của TAND huyện Lương Sơn tại Bản án số 20/2022/DSST, ngày 20/9/2022 lại có chút khác khi thừa nhận sự thực rằng đất đứng tên vợ chồng ông Sơn, bà Hòa trên giấy chứng nhận QSD đất, hiện đang tranh chấp với ông Vũ có một phần đất là đường giao thông.

Giờ lại thêm việc bà Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn báo cáo nguồn gốc đất đứng tên vợ chồng ông Sơn là do chị gái cho tặng mới thấy thửa đất hiện hữu rõ ràng nhưng phần nguồn gốc lại bí ẩn như lòng đất!

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/noi-dung-van-ban-khong-nhu-trao-doi-353828.html