Nỗi đau sau những vụ án giết người

Phía sau những vụ án giết người là nhiều hệ lụy nặng nề cho cả người phạm tội và bị hại; để lại những mảnh đời đau thương, mất mát; nhiều gia đình tan nát và sự đau đớn, day dứt khôn nguôi.

Bị cáo Nguyễn Xuân Huế bị tuyên phạt 14 năm tù về tội giết người. Ảnh: T.TÂM

Bị cáo Nguyễn Xuân Huế bị tuyên phạt 14 năm tù về tội giết người. Ảnh: T.TÂM

Những nỗi đau sau vụ án giết người là lời cảnh tỉnh, hồi chuông cảnh báo cho nhiều người. Đừng vì phút nóng giận nhất thời, mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt mà đẩy bản thân rơi vào tấn bi kịch.

* Chỉ còn lại nỗi đau

Những vết thương vẫn in hằn trên cánh tay, cơ thể với chi chít mũi khâu đã khiến cho anh Nguyễn Thành Trung (38 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) không còn đủ tự tin khi gặp mọi người. Anh Trung là bị hại trong vụ án giết người sau cuộc nhậu.

Theo nội dung vụ án, vào ngày 28-12-2021, anh Trung ngồi nhậu cùng Nguyễn Xuân Huế (27 tuổi, ngụ H.Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) và một số bạn bè trước cửa nhà trọ tại xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom). Trong lúc nhậu, giữa anh Trung và Huế xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát; Huế đã lấy dao chém 6-7 nhát vào cơ thể anh Trung khiến anh bị thương tật tỷ lệ 55%. Huế đã phải lãnh mức án 14 năm tù vào ngày 29-11-2023.

Anh Trung kể lại, sau khi bị chém 7 nhát vào cơ thể với nhiều vết thương khiến cho anh không thể đi làm như những người bình thường. Đang là một người công nhân với nguồn thu nhập ổn định để nuôi vợ và 3 người con, sau cuộc nhậu và mâu thuẫn nhỏ giữa đôi bên đã khiến anh không chỉ phải chịu đau đớn về thể xác, tổn thất về tinh thần mà kinh tế gia đình cũng kiệt quệ khi phải dồn hết tiền bạc để chữa trị cho anh.

“Tôi chưa nhận được đồng bồi thường nào từ bị cáo. Sau khi bị chém với thương tích nặng, tôi không còn đi làm được nữa, vợ cũng ở nhà chăm sóc tôi. Hiện nguồn sinh kế của gia đình tôi phải xin từ cha mẹ, anh chị em. Tôi cũng mong sớm nhận được tiền bồi thường để trang trải cuộc sống” - anh Trung cho hay.

Tương tự, chiếc áo tay dài, kín cổ cũng không che hết được hết những vết thương trên cơ thể của chị H.N. (25 tuổi, ngụ TP.HCM). Dù vết thương đã lành nhưng để lại nỗi ám ảnh đối với chị N. đến suốt đời.

Chị N. kể lại, sau khi ly hôn chồng, chị đã chấp nhận yêu bị cáo Nguyễn Văn Sang (24 tuổi, ngụ xã La Ngà, H.Định Quán). Thế nhưng, chỉ vì sinh lòng ghen tuông nên ngày 27-8-2022, Sang đã dùng dao đâm nhiều nhát khiến chị N. bị thương tật tỷ lệ 68%. Trải qua nhiều cơn đau về thể chất, sự hỗn loạn về tinh thần trong một thời gian dài, chị N. hiện cũng không thể lao động bình thường và chăm sóc con nhỏ như bao người.

Không chỉ để lại nỗi đau cho bị hại mà cuộc đời của nhiều thanh, thiếu niên còn trẻ cũng bị khép lại một thời gian dài trong chốn lao tù vì mang tội giết người. Đơn cử như 2 đối tượng T.Q.N. (18 tuổi) và H.T.H. (14 tuổi), cùng ngụ xã Sông Trầu (H.Trảng Bom). Vào ngày 23-10, chỉ vì nghi bị nhìn đểu mà cả hai đã xuống tay giết hại anh T.T.K. (18 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom). Sau vụ án đã khiến bị hại mất mạng, còn các đối tượng mang danh kẻ giết người và bị pháp luật nghiêm trị.

* Một điều nhịn, chín sự lành

Theo thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương, Phó chánh Tòa hình sự, TAND tỉnh, hiện nay xảy ra rất nhiều vụ án giết người chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân xã hội. Đa số những vụ án giết người là do mâu thuẫn sau khi sử dụng rượu, bia không làm chủ được hành vi; tranh chấp về tài sản, đất đai; ghen tuông tình ái; xô xát sau khi va chạm về giao thông; giết người cướp tài sản… Đáng chú ý, một số vụ án giết người chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt như: nghi nhìn đểu hay giành trả tiền…, thậm chí có một số trường hợp vì “ngáo đá” bị ảo giác dẫn đến gây ra án mạng. Mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng là nguyên nhân làm phát sinh nhiều tiêu cực trong xã hội, trong đó có tội phạm giết người.

“Tội phạm giết người là một trong những tội đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất và mức độ nguy hiểm đặc biệt lớn; xâm phạm trực tiếp đến tính mạng của người khác nên bị cáo cần bị trừng phạt nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung” - thẩm phán Đinh Thị Kiều Lương phân tích.

Cũng theo đại diện Viện KSND tỉnh, thời gian gần đây, tình trạng giết người đang ngày càng phổ biến và xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong cuộc sống. Nhiều người vì thiếu kiềm chế được cảm xúc của bản thân, trong lúc tức giận đã ra tay tàn ác với người khác, khiến bị hại tử vong hoặc bị thương nặng. Bên cạnh đó, cũng do thanh, thiếu niên sớm được tiếp cận với hành vi bạo lực từ mạng xã hội và bắt chước, rủ nhau mang theo hung khí giải quyết mâu thuẫn dẫn đến gây ra án mạng. Để đến khi phải lãnh hậu quả thì người trong cuộc đều phải hối hận, nhưng đã muộn màng.

Trước thực trạng trên, vị đại diện Viện KSND tỉnh cho rằng, mỗi người cần tự kiềm chế cảm xúc của bản thân, tránh việc “nóng giận, mất khôn” và nên hóa giải mâu thuẫn bằng việc nhường nhịn nhau để tránh xảy ra những vụ án mạng đáng tiếc. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhất là hệ lụy từ hành vi giết người, cần được chú trọng và tăng cường hơn; chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho mọi lứa tuổi, nhất là thanh thiếu niên, học sinh. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cũng cần kịp thời phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, giải quyết kịp thời, ngăn chặn nguy cơ xảy ra tội phạm giết người ngay từ cơ sở. Đồng thời, cần sớm điều tra, khám phá nhanh các vụ án giết người để trừng trị thích đáng kẻ gây án, trả lại công bằng cho bị hại và sự bình yên cho xã hội.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/moi-nong/202312/noi-dau-sau-nhung-vu-an-giet-nguoi-05b60b8/