Nơi đầu nguồn dòng sông huyền thoại miền Đông

Em có biết là cư dân Sài Gòn - TP.HCM uống nước sông Đồng Nai từ mấy trăm năm nay không?

Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp, những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng.

Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết Nơi đầu nguồn dòng sông huyền thoại miền Đông của tác giả Hoài Hương.

Tôi đã “ghim” thông tin để có chuyến đi ngược về đầu nguồn dòng sông mang cái tên không lạ nhưng cũng đầy bí ẩn, khúc sông dài 90km, chảy qua Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi đầu nguồn con sông Đồng Nai đổ vào đất Đồng Nai.

Đầu nguồn sông Đồng Nai trong rừng Nam Cát Tiên.

Trong hình dung của tôi, Đồng Nai là một miền đất thấm đẫm sự huyền hoặc, bí ẩn, kỳ diệu, với rất nhiều thần tích về con sông được ví von “con sông linh thiêng”, cùng những con suối chằng chịt, ghềnh thác miên man, rừng rậm mênh mông và bao muông thú, chen vào đó là những cánh đồng vườn trái cỏ cây muôn màu sắc.

Đồng Nai, mảnh đất miền Đông Nam Bộ nằm ở phía Tây TP.HCM trở thành “đối tượng” đầy cảm hứng để tôi tiếp cận, tìm hiểu, khám phá về đất và người nơi này. Nơi mà sông Đồng Nai khơi dòng những mạch nguồn tính cách Nam Bộ ẩn sâu trong máu huyết từng con người đất Đồng Nai, giàu nhân nghĩa, tâm hồn phóng khoáng, thật thà chất phác, cần cù, tạo dựng cho vùng đất miền Đông này ngày càng trở nên giàu đẹp, miền đất lành cho người dân ba miền tụ lại…

Nơi tinh thần giàu lòng yêu nước, hào khí can trường, dũng cảm, kiên cường, trung hậu của những kháng chiến quân chống Pháp năm xưa với các phong trào do các thủ lĩnh Trương Định, Nguyễn Thành Ý, Phan Trung…lãnh đạo, đến những năm sau Cách mạng Tháng Tám 1945 cho tới năm 1975 trở thành một trong những căn cứ địa của Chiến khu D “miền Đông gian lao mà anh dũng”, một thời là đại bản doanh của khu 6 anh hùng, góp phần trong sự nghiệp độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước.

Phác họa dòng sông Đồng Nai

Trong sách “Ðại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn khi nói về sông Đồng Nai, với cái tên sông Phước Long, miêu tả khá chi tiết dòng chảy và các chi lưu từ địa phận của huyện Phước Chính đến khi đổ ra cửa biển: “Sông Phước Long ở cách Phước Chính 4 dặm về phía Tây Nam, là sông lớn của phủ, nên lấy tên phủ gọi tên sông; lại có tên là sông Hòa Quý, tục gọi sông Ðồng Nai…”.

Sông Đồng Nai là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam Bộ về lưu vực, chỉ sau sông Cửu Long. Sông Đồng Nai chảy qua 7 tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM, có chiều dài 586 km tính từ đầu nguồn sông Đắk Dung - Lâm Đồng, còn nếu tính từ điểm hợp lưu với sông Đa Nhim phía dưới thác Pongour thì dài 487 km.

Sông uốn khúc chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Nguồn sông xuất phát từ đỉnh núi hùng vĩ Chư Yang Kao 2000m, Ðạ Long (Lạc Dương), cao nguyên Lâm Viên, Lâm Đồng, hợp lưu với suối Đạ Lien Deur về phía tả ngạn, đổ vào hồ Ðan Kia và Suối Vàng. Băng vượt khỏi thác Ankroet, đến phía tây núi Signere, sông uốn khúc, chuyển dòng theo hướng bắc nam, chảy dưới cầu Ðạ Ðờng và tiếp nhận suối Cam Ly gần Hòa Lạc, Lâm Hà.

Qua khỏi thác Ma Bruss, lượn mềm mại trong những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, sông là ranh giới tự nhiên giữa Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm, Cát Tiên với tỉnh Ðắk Lắk; giữa huyện Cát Tiên, Ðạ Tẻh với tỉnh Bình Phước, huyện Ðạ Tẻh, Ðạ Huoai với tỉnh Ðồng Nai. Và từ Cát Tiên xuôi về Nam, sông hòa vào miền bình nguyên hiền hòa ôm ấp những cù lao thôn làng trù phú xanh mượt.

Có lẽ thế mà sông Đồng Nai mang trong mình bao câu chuyện huyền ảo đầy hấp dẫn, là vẻ đẹp độc đáo của sông với những gam màu văn hóa tộc người, địa danh miền đất dòng sông chảy qua, là những dấu tích về các tầng văn hóa cổ, những câu chuyện đường rừng vào văn học, của dấu ấn lịch sử thời mở cõi lập ấp, xây dựng và bảo vệ, để cư dân nhiều thế hệ bên dòng sông cho tới hôm nay vẫn tiếp tục giải mã những ẩn giấu kỳ bí mãi chưa thôi.

Nơi đầu nguồn dòng sông Đồng Nai huyền thoại

Tôi đã vào rừng Nam Cát Tiên thuộc xã Núi Tượng, Tân Phú, Đồng Nai rất nhiều lần. Nhưng có lẽ, tôi bị mê hoặc sắc màu bươm bướm - “cư dân” thần tiên lộng lẫy, bị quyến rũ bởi sự thâm u huyền bí đại ngàn với cả ngàn gốc cổ mộc “khủng long” hàng mấy trăm năm tuổi, bị mê mẩn những âm thanh thánh thót véo von đầy ma lực của muôn loài chim…, mà gần như không để ý đến đầu nguồn con sông Đồng Nai dài khoảng 90km trước khi tràn vào miền bình nguyên đã ẩn mình dưới những tán lá, uốn dòng qua những tảng đá, sườn núi, tạo nên bàu, đầm, suối, ghềnh, thác… trong khu rừng di tích quốc gia này.

Cho đến dịp Tết năm nay, khi được mời về Tân Phú - Đồng Nai ăn Tết cùng gia đình bạn, và được “lì xì” bằng một chuyến khám phá nơi đầu nguồn dòng sông huyền thoại Đồng Nai. Tôi đã “phải lòng” từ những câu chuyện thần thoại huyền huyễn của cư dân bản địa đến sự huyền bí thiêng liêng của đa tầng lịch sử trong lòng đất thượng nguồn…

Người Châu Mạ, S’Tiêng vùng này có một huyền thoại về dòng sông: Từ rất xa xưa, khi các loài vật và loài người chung sống thân thiện, hiểu tiếng nói của nhau, vào đêm trăng sáng, thần tiên trên trời thường xuống, vỗ chiêng, múa hát, uống rượu vui chơi cùng dân làng và muông thú. Vì cảm mến, Thần Yang Bri vung tay tạo ra đại ngàn cho muông thú sinh sống, Thần Yang Đăk vạch tay xuống đất tạo ra dòng sông. Các thần tiên không chỉ múa hát uống rượu mà còn biến thành bãi tắm - Cát Tiên. Cho đến ngày nay, dấu tích của bãi tắm tiên ấy vẫn còn tồn tại cùng với những bàu sen, bàu sấu, bàu cá lóc, bàu cá trắm, bàu bèo, đảo tiên, bãi chim, cù lao trái tim...

Tôi đã đến rừng Nam Cát Tiên với sự háo hức thú vị bởi lần đầu tiên được chạm vào nguồn dòng sông huyền thoại này. Vào quãng giữa mùa khô nên sông hơi cạn, trên dòng có rất nhiều tảng đá lớn lô nhô, nhìn xa xa giống như những vảy của một con rồng khổng lồ đang dựng lên, dòng chảy hiền hòa, nước trong vắt in bóng tán rừng cổ thụ, tiếng nước chảy chậm qua các tảng đá tạo nên âm thanh rì rầm, chen vào tiếng chim hót, tiếng ve ngâm, tạo nên hòa âm nghe như một giai điệu đại ngàn ru êm thanh yên.

Ngồi trên một tảng đá, tôi ngắm dòng sông mê mải, ánh nắng xiên chéo của trời gần trưa xuyên qua tán lá rừng, rơi xuống mặt nước, tạo thành những vệt sáng lấp lánh lung linh phản chiếu, cảm giác mơ hồ như dưới đáy sông là trầm tích những viên ngọc quý, bay bổng trí tưởng tượng phiêu du, hình như là một góc của Thủy cung dát ngọc dát vàng lộng lẫy.

Khoát tay, nước mát lạnh đến thèm bụm một vốc uống. Người bạn đi cùng lo ngại, coi chừng nước không sạch, nhưng người hướng dẫn viên cười rất tươi trấn an: Sông cạn nhưng dòng vẫn chảy, nước đã được lọc qua bao nhiêu tầng đá núi, nên mới trong vắt thế này. Chiều xuống, có nhiều con thú còn ra đây uống nước…

Với những “cắt”, “xẻ” tự nhiên, ngắt dòng, ngắt đoạn, chảy ngầm hay lộ thiên, 90km dòng sông Đồng Nai chảy trong rừng Nam Cát Tiên không chỉ tạo nên các khu ngập nước, thung lũng, bàu, đầm đẹp thơ mộng hữu tình, mà còn tạo nên những ghềnh thác tuyệt tác của nước như thác Trời, thác Bến Cự, thác Dựng, thác Mỏ Vẹt, thác Nơkrót - Nơkrót. Có con suối Đắk Lua dài khoảng 20km, như một tàng long trong rừng già ngàn tuổi, gom nước từ các nơi nhập vào dòng sông.

Tất cả tạo nên vẻ đẹp vừa kỳ vĩ vừa huyền bí, vừa dịu dàng vừa dữ dội của nơi đầu nguồn dòng sông Đồng Nai trước khi đổ vào bình nguyên Đồng Nai, để khi chạm vào như nghe những âm vọng từ triệu triệu năm những huyền tích của cả vùng đất đầy dấu ấn lịch sử, đầy trầm tích văn hóa của các tộc người cư dân bản địa, và cả những chiến tích oai hùng của những năm tháng kháng chiến gắn liền với khu 6, “chiến khu D”.

Để sông kể câu chuyện của sông

Lần giở thư tịch cũ, năm 1936 người Pháp sau khi khảo cứu và chụp bản đồ toàn vùng bằng không ảnh, đã nhận định Cát Tiên là rừng đầm lầy á nhiệt đới của xứ Đông Dương. 90km đầu nguồn sông Đồng Nai trong Vườn Quốc gia Cát Tiên - di tích quốc gia đặc biệt từ 27/12/2012, Bàu Sấu được công nhận là khu Ramsar có tầm quan trọng quốc tế vào năm 2005, là khu Dự trữ sinh quyển thế giới UNESCO công nhận vào năm 2001.

Đây là một kho tàng tiềm ẩn bảo vật, nguồn vốn quý cho khai thác du lịch. Dòng sông không chỉ góp vào hệ sinh thái đất ngập nước nội địa ven sông, một loại đất ngập nước rất độc đáo của Việt Nam và thế giới, tạo nên những kỳ quan thiên nhiên trong rừng đại ngàn.

Theo đó là các tầng thảm thực vật, các loài hệ động vật từ dưới nước, trên cạn, trên không phong phú, đa dạng. Như riêng loài chim chiếm hơn nửa số loài có trong cả Việt Nam với hơn 300 loài, hơn 60 họ, trong đó hơn 20 loài có trong sách đỏ. Hay với thú rừng có tới 18/56 loài quý hiếm được IUCN - Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế, xếp vào danh sách bảo vệ.

Hàng trăm cổ mộc kiêu hãnh vươn cao như chạm trời xanh với 400 - 700 tuổi, những gốc rễ khổng lồ thách thức khắc nghiệt của thiên nhiên mưa nắng bão gió, bao dây leo chằng chịt quấn níu ôm giữ tạo thành một rào chắn vững chãi, và cả một “vương quốc” của phong lan tỏa hương quý phái sang trọng cả không gian, cùng hàng ngàn loài cây hoa lá cỏ khác tạo thành màu xanh, tạo thành rực rỡ bất tận, bất tử của đại ngàn Nam Cát Tiên nơi con sông chảy qua.

Và để dòng sông kể chuyện dòng sông, tôi muốn bài viết nhỏ này của mình sẽ khơi gợi mọi người hãy thử một lần và rồi nhiều lần đến rừng Nam Cát Tiên, đến nơi đầu nguồn sông Đồng Nai trước khi đổ vào đất Đồng Nai, lắng chút tâm hồn, cảm nhận những câu chuyện của dòng sông giữa không gian ngàn năm đại ngàn.

Hoài Hương

Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng

Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do Báo VietNamNet tổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch.

Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông.

Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng.

Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TP. HCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TP.HCM nhận giải.

Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/song-dong-nai-noi-dau-nguon-dong-song-huyen-thoai-mien-dong-2277240.html