Nỗi đau người ở lại một năm sau thảm kịch tại sân bóng đá ở Indonesia

Cũng như nhiều gia đình nạn nhân khác, một năm chậm chạp trôi đi đối với ông Devi Athok, người đàn ông Indonesia có hai cô con gái tử vong trong vụ bạo loạn tại sân vận động bóng đá ở Đông Java hôm 1-10-2022.

Nhiều gia đình cho biết vẫn chưa tìm được công lý cho nạn nhân thảm kịch trên sân vận động Kanjuruhan hôm 1-10-2023

Hôm đó, tình trạng hỗn loạn nổ ra sau khi đội bóng Persebaya Surabaya đánh bại đối thủ Arema Malang 3-2 trong trận đấu trên sân vận động Kanjuruhan có sức chứa khoảng 38.000 người nhưng có tới 42.000 khán giả tham dự. Một cuộc đụng độ giữa một số cổ động viên Arema FC và cảnh sát đã khiến lực lượng an ninh bắn hơi cay vào một số khu vực của sân vận động. Thấy vậy, khán giả hoảng loạn bỏ chạy, lao tới các lối thoát hiểm, gây ra tình trạng ùn tắc ở lối ra và đám đông giẫm đạp lên nhau. Hậu quả, 135 người thiệt mạng, trong đó có 43 trẻ em, cùng 580 người bị thương. Nhiều người đã bị giẫm đạp đến chết hoặc chết vì ngạt thở và các vấn đề về hô hấp khác. Sự cố tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang là một trong những thảm kịch thể thao tồi tệ nhất thế giới.

Một năm kể từ khi vụ việc xảy ra, Indonesia đã kết án 5 trong số 6 nghi phạm bị buộc tội sơ suất dẫn đến cái chết của 135 người. Các cuộc điều tra đã được tiến hành bởi cả cảnh sát và một nhóm độc lập do Tổng thống Indonesia Joko Widodo thành lập.

Hai sĩ quan cảnh sát ban đầu được Tòa án Surabaya tuyên trắng án nhưng sau đó đã bị Tòa án Tối cao kết án tù, trong đó một người bị kết án 2 năm và người kia bị kết án 2 năm rưỡi. Cựu chỉ huy lữ đoàn cơ động của Cảnh sát Đông Java bị kết án 1 năm rưỡi tù giam, còn cựu nhân viên an ninh của câu lạc bộ bóng đá bị kết án 1 năm.

Tuy nhiên, một số người thân của nạn nhân cho rằng hình phạt chưa đủ mạnh và họ vẫn tiếp tục đấu tranh cho công lý. Hôm đó, Athok đã mua 4 vé xem trận đấu cho gia đình vợ cũ, bao gồm hai cô con gái của ông. Cô con gái út 13 tuổi, Naila Debi Anggraini đến phút chót mới quyết định đi xem bóng đá cùng cả nhà nhưng không may đã thiệt mạng cùng với chị gái Natasya Debi Ramadani, 16 tuổi và người mẹ, Geby Asta Putri, 37 tuổi. Ông Athok cho biết, có những điểm bất thường về bi kịch xảy ra với gia đình và ông từng bị đe dọa kể từ khi bắt đầu lên tiếng về cái chết của các con gái mình.

Theo Athok, cảnh sát đã nói với ông rằng các con gái của ông không chết vì hơi cay theo kết luận của nhóm điều tra độc lập mà do một vật cùn đâm vào ngực dẫn đến gãy xương sườn. “Tại phiên tòa, cảnh sát cho biết đã xảy ra xô xát giữa các cổ động viên dù không có cổ động viên Persebaya nào có mặt tại sân vận động. Chúng tôi không thể tin điều đó”, Athok nói, trên người mặc chiếc áo phông in hình các con gái của mình, sau lưng là ảnh chính ông đang cầu nguyện và dòng chữ: “Hãy yên nghỉ trên thiên đường, các con gái của ta. Cha của các con đang đấu tranh cho công lý”. “Tôi muốn đấu tranh hợp pháp, tìm kiếm công lý cho cái chết của các con gái mình. Nếu hỏi liệu tôi có chấp nhận những gì đã xảy ra hay không, tôi chấp nhận chứ, vì các con mất rồi, sẽ không bao giờ sống lại được nữa. Nhưng theo luật, tôi muốn tìm kiếm công lý chống lại kẻ đã giết hai con gái tôi”, ông nói thêm.

Chính phủ Indonesia đã bắt đầu công việc cải tạo sân vận động Kanjuruhan vào tháng 9-2023, khiến gia đình các nạn nhân thất vọng. “Sân vận động Kanjuruhan là hiện trường vụ án và là bằng chứng, chưa nên dỡ bỏ. Sẽ tốt hơn nếu phá bỏ nó nếu vấn đề này được giải quyết. Nhưng mọi chuyện chưa được giải quyết”, anh Rizal Putra Pratama, người đã mất cha và em trai vì vụ giẫm đạp, cho biết. Pratama không chỉ mất cha và em trai mà 28 ngày sau sự cố, anh còn mất đi em gái 13 tuổi Cahaya Meida Salsabila vì bệnh sốt xuất huyết. Cô gái đã suy sụp vì không thể chịu đựng cùng lúc cái chết bi thảm của cha và anh trai. Pratama cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục đấu tranh một cách hợp pháp, kể cả đến khi chết, để đòi lại công lý vì tôi đã mất cha và những đứa em của mình”.

Ngày 1-10-2023, tròn 1 năm xảy ra vụ bạo loạn, mặc dù sân vận động đã đóng cửa và người dân không thể vào cổng nơi xảy ra vụ xô xát chết người nhưng nhiều người vẫn tụ tập bên ngoài để cầu nguyện cho các nạn nhân. Trong đám đông, một số người thân khuôn mặt đau buồn cầm di ảnh của nạn nhân. “Không bao giờ quên, ngày 1-1-2022”, dòng chữ trên áo của họ viết.

Theo AP

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/noi-dau-nguoi-o-lai-mot-nam-sau-tham-kich-tai-san-bong-da-o-indonesia-post553659.antd