Nỗi đau da cam và trách nhiệm của chúng ta

Tại Thái Nguyên, số người bị nhiễm chất độc da cam lên tới gần 14.000 người và họ đang phải vượt lên nỗi đau cả về thể xác và tinh thần.

Ông Hoàng Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin tỉnh, tặng quà nạn nhân chất độc da cam Ma Đình Hành, ở xã Điềm Mặc (Định Hóa).

Hàng chục năm qua, bà Phạm Thị Nụ, vợ của nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Hà Quang Vinh, xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng (TP. Thái Nguyên) phải sống trong tột cùng của nỗi đau khi chứng kiến những người con mình sinh ra lần lượt mất đi hoặc có thân hình dị dạng.

Ông bà sinh được 4 người con thì 2 người đã mất từ khi mới lọt lòng, 2 người còn lại khờ dại vô thức. Đặc biệt, người con đầu là chị Hà Thị Tuyết Mai năm nay 48 tuổi nhưng hoàn toàn vô thức, mọi sinh hoạt, vận động đều không thể tự chủ.

Bà Nụ trải lòng: Nhiều lần con lao vào bếp lửa nên cháy một phần da thịt, hoặc xô vỡ đồ đạc, nhảy nhót trong phòng bị ngã gãy chân. Có lần đêm ngủ, tôi sơ suất không cài then đóng cửa, con bỏ ra ngoài lang thang suốt đêm. Tôi buộc phải nhốt con vào phòng. Hằng ngày thấy con cười nói, gào thét, quằn quại trong đau đớn, tim tôi như có hàng vạn mũi kim đâm. Tôi lo lắm, khi tôi không còn trên cõi đời này nữa, con sẽ thế nào...

Nỗi niềm của bà Nụ cũng là câu hỏi chưa có lời giải của nhiều gia đình có nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo thống kê của Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh, Thái Nguyên hiện có gần 9.400 NNCĐDC đang được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng (gồm hơn 8.100 nạn nhân trực tiếp, gần 1.300 nạn nhân gián tiếp).

Đa số nạn nhân sống ở vùng sâu, vùng xa, không có khả năng lao động sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong số đó, nhiều gia đình có người bị di chứng nặng, mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát; quanh năm phải lo chăm sóc, chạy chữa cho con, cháu nên cuộc sống, kinh tế gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, khốn cùng.

Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh phối hợp với Bệnh viện Quân y 91 tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho NNCĐDC ở huyện Phú Lương.

Ông Hoàng Đức, Chủ tịch Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh, chia sẻ: Với tinh thần, trách nhiệm vì NNCĐDC, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm triển khai nhiều việc làm ý nghĩa nhằm khắc phục hậu quả, xoa dịu nỗi đau da cam. Với vai trò là ngôi nhà chung, điểm tựa cho các nạn nhân, Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh đã tích cực vận động nguồn lực, tổ chức nhiều hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

Hàng năm, Hội khảo sát, lập danh sách, phối hợp với các ngành chức năng thực hiện giám định để các nạn nhân được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước; xây dựng kế hoạch và triển khai vận động ủng hộ Quỹ NNCĐDC.

Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội NNCĐDC/đioxin trong tỉnh đã vận động nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ được số tiền gần 35 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được dùng vào việc chăm sóc, giúp đỡ các NNCĐDC, với đa dạng các hình thức hỗ trợ như: Xây nhà, tặng phương tiện, vay vốn sản xuất, hỗ trợ điều trị bệnh hiểm nghèo, trợ cấp khó khăn, tặng xe lăn, tặng quà vào các dịp lễ tết, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí...

Từ sự giúp đỡ về vật chất và động viên tinh thần nói trên, các NNCĐDC phần nào được tiếp thêm nghị lực để vượt qua nỗi đau bệnh tật, phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Hay như gần nhất, trong những ngày đầu tháng 8 này, lãnh đạo tỉnh, Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh và nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã đến trao tận tay những suất quà, tiền hoặc dự chương trình khởi công, bàn giao nhà cho các NNCĐDC trên địa bàn. Bằng tất cả sự tri ân, biết ơn vô hạn với những người có công với đất nước, bằng những việc làm nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa, mỗi cá nhân, tập thể và cả cộng đồng xã hội đang chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, chia sẻ: Từ hơn 10 năm nay, Hiệp hội luôn đồng hành với Hội NNCĐDC/đioxin tỉnh thông qua việc hỗ trợ gia đình các nạn nhân làm nhà ở, hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, thăm hỏi, tặng quà tri ân các gia đình nạn nhân vào những dịp lễ tết. Riêng dịp 10-8 năm nay, chúng tôi dành tặng 30 suất quà cho các nạn nhân...

Dẫu vậy, theo ông Hoàng Đức: Toàn tỉnh hiện còn trên 4.000 người hoạt động kháng chiến trước ngày 30/4/1975 tại các vùng bị rải chất độc hóa học, đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách, nhiều hoàn cảnh khó khăn rất cần được trợ giúp. Bởi thế, thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam đã tồn tại dai dẳng bao lâu nay...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/chung-tay-xoa-diu-noi-dau-da-cam/202308/noi-dau-da-cam-va-trach-nhiem-cua-chung-ta-4d2284b/