Nối dài nỗi lo ngộ độc thực phẩm tập thể

Trong vài tuần qua, trên cả nước xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể, có vụ cả trăm người mắc, nguy hại hơn đã có trường hợp tử vong.

Tối ngày 3/10, Sở Y tế TP.HCM thông tin về vụ việc ngộ độc thực phẩm sau tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights khiến 1 trẻ tử vong.

Theo Sở Y tế thành phố, 17h30 ngày 29/9, Ban Quản lý Chung cư Palm Heights đã tổ chức vui Trung thu cho các bé là con của cư dân và nhân viên sinh sống tại chung cư. Ban quản lý chung cư phát bánh cho khoảng 200 người (khoảng 150 trẻ em và khoảng 50 người lớn).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đến chiều 30/9/2023, một trẻ em là con của nhân viên phục vụ sau khi ăn phần bánh su kem dư tại sự kiện trên xuất hiện triệu chứng nôn ói, tiêu chảy. Đến tối ngày 1/10, do trẻ có diễn biến nặng hơn nên gia đình đưa đi cấp cứu, tuy nhiên, bệnh nhi không qua khỏi.

Trước sự việc nêu trên, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục tìm hiểu và đánh giá nguyên nhân ngộ độc.

Liên quan đến vụ ngộ độc này, đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho hay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã kiểm tra tại cửa hàng bánh Givral (quận Bình Thạnh). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra chưa phát hiện hành vi vi phạm của cửa hàng.

Đoàn tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất bánh su kem (Choux tròn) tại Khu Công nghiệp Tân Bình (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú).

Tại đây, đoàn chưa phát hiện hành vi vi phạm. Đoàn đã tiến hành lấy 6 mẫu để đi kiểm nghiệm (1 mẫu bánh và 5 mẫu nguyên liệu làm bánh).

Ngoài ra, cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện lấy mẫu bánh còn sót lại, khẩn trương xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Được biết, bánh su kem nhãn hiệu Givrral (Choux tròn) được bà Đinh Thị Thu Trang, 40 tuổi, chủ hộ kinh doanh cà phê, nước giải khát nằm trong Chung cư Palm Heights đặt tại cửa hàng bánh Givral (quận Bình Thạnh) cùng với Ban Quản lý chung cư phát cho các cháu là con của cư dân, nhân viên sống tại chung cư.

Trước đó, vụ ngộ độc tập thể tại cửa hàng bánh mỳ Phượng, ở Hội An, Quảng Nam khiến hơn 300 người mắc cũng khiến dư luận bất an.

Cụ thể, tiệm bánh mì Phượng đã làm 313 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì ngày 11 và 12/9 có mẫu thịt heo chế biến ngày 11/9 phát hiện Salmonella; mẫu rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo chế biến ngày 12/9 phát hiện Salmonella; mẫu thịt heo chế biến ngày 12/9 phát hiện Salmonella.

Cuối năm 2022, trong vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại trường iSchool Nha Trang khiến gần 700 học sinh nhập viện, trong đó có 1 học sinh tử vong, cơ quan chức năng đã phát hiện vi khuẩn Samonella trong mẫu cánh gà chiên có trong bữa ăn của học sinh trường này.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng còn phát hiện vi khuẩn Bacillus Cereus trong mẫu cánh gà chiên và nước mắm.

Ngoài ra, một vi khuẩn nguy hại khác là Escherichia Coli cũng được phát hiện trong mẫu cánh gà chiên. Như vậy, chỉ trong một miếng cánh gà chiên đã chứa tới 3 loại vi khuẩn nguy hại.

Việc hàng trăm học sinh trường iSchool Nha Trang nhập viện sau khi ăn bán trú tại trường là vụ ngộ độc nghiêm trọng, gióng lên hồi chuông cảnh báo an toàn thực phẩm hiện nay.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc thực phẩm do ba nguyên nhân chính.

Đó là thực phẩm nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất và bản thân thực phẩm có độc (như nấm độc, cá nóc…).

Ngoài ra, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm còn do khâu bảo quản và chế biến thực phẩm như: Chế biến thức ăn qua nhiều khâu thủ công, nấu thức ăn giàu đạm không chín kỹ, để nhiễm bẩn giữa các thực phẩm với nhau.

Ngộ độc thực phẩm thường xảy ra sau khi người bệnh ăn phải các món ăn độc hại, không đảm bảo, không được chế biến kỹ.

Người bị ngộ độc thường có biểu hiện đau bụng và tiêu chảy nhiều lần. Tùy mức độ nghiêm trọng khác nhau, người bệnh có thể đi ngoài ra máu, đặc biệt trong các trường hợp ngộ độc do vi khuẩn Shigella, Salmonella, Campylobacter hoặc vi khuẩn E.coli. Kèm theo tiêu chảy nhiều lần còn có những dấu hiệu như đầy hơi, chướng bụng hay bụng sôi ùng ục.

Còn theo ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tập thể không chỉ nằm ở khâu chế biến, nấu nướng mà còn ở khâu vận chuyển. Quá trình chế biến, nấu nướng có thể đảm bảo an toàn nhưng nếu vận chuyển đến nơi khác thì thức ăn cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn do để lâu quá, do dụng cụ chứa đựng hoặc do tay người vận chuyển, phân chia suất ăn không được vệ sinh sạch sẽ.

Ngoài ra, còn có các nguy cơ khác như thức ăn bị nhiễm bụi bẩn trong không khí hoặc bị các loài côn trùng như ruồi nhặng đậu vào và bị nhiễm khuẩn”, PGS TS.Trần Đáng phân tích.

Vị chuyên gia về an toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, trong trường hợp chế biến, nấu nướng thực phẩm ở một nơi, ăn uống ở một nơi khác thì cần hết sức cẩn thận, đảm bảo thức ăn phải được sử dụng trong vòng 2 tiếng sau khi nấu.

Đồng thời, các dụng cụ chứa đựng, bảo quản thực phẩm phải được vệ sinh sạch sẽ. Thức ăn cần được giữ nóng hoặc bảo quản lạnh bởi nhiệt độ từ 25-40 độ C là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi, phát triển.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, đối với người bệnh có các triệu chứng nôn mửa sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc, cần tìm cách để người bị ngộ độc nôn hết thức ăn trong bụng ra.

Đối với người bệnh tiêu chảy, có thể sử dụng dung dịch oresol hòa tan để tránh tình trạng đi ngoài nhiều gây mất nước trong cơ thể.

Những người có biểu hiện ngộ độc nhẹ như đau bụng, đi ngoài có thể uống men tiêu hóa để cải thiện tình hình, giảm các cơn đau.

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng khác lạ, như co giật, rối loạn ý thức hay suy hô hấp thì không sử dụng biện pháp gây nôn bởi sẽ ảnh hưởng tới tính mạng. Thay vào đó, cần nhanh chóng chuyển người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/noi-dai-noi-lo-ngo-doc-thuc-pham-tap-the-d200081.html