Nơi cưu mang những phạm nhân ngoại quốc

Trại giam Thủ Đức (Z30D) vốn được biến đến là nơi giáo dục, giúp đỡ những phạm nhân nước ngoài sửa chữa sai lầm, tu dưỡng bản thân chuẩn bị cho ngày tái hòa nhập cộng đồng, trở về nước. Đây là một trong những mô hình thể hiện sự tôn trọng những chuẩn mực quốc tế về quyền của con người mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, đồng thời, góp phần thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Trại giam cũng chính là nhà

Theo Thượng tá Phạm Thị Minh Hải, Phó Giám thị Trại giam Thủ Đức (Cục Cảnh sát quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường Giáo dưỡng – Bộ Công an), hiện đang quản lý, giam giữ gần 200 phạm nhân là người nước ngoài (gồm 21 quốc tịch), trong đó 8 phạm nhân không xác định quốc tịch. Các chế độ, chính sách đối với phạm nhân là người nước ngoài được thực hiện đúng quy định pháp luật như chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế. Quy định về xếp loại thi đua chấp hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, đặc xá… được thực hiện như đối với phạm nhân người Việt Nam. Các chế độ cho phạm nhân gặp thân nhân, tiếp xúc Lãnh sự được đảm bảo đúng quy định.

Các phạm nhân ngoại quốc tại Trại giam Thủ Đức được sinh hoạt, chăm sóc y tế theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo đầy đủ về quyền con người.

Các phạm nhân ngoại quốc tại Trại giam Thủ Đức được sinh hoạt, chăm sóc y tế theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo đầy đủ về quyền con người.

Các phạm nhân người nước ngoài được bố trí tập trung ở 2 khu tại Phân trại số 1. Đó là những dãy nhà với không gian thoáng mát, phòng giam sạch sẽ với nhiều cửa sổ, thậm chí còn được trang bị cả ti vi. Nơi ngủ của các phạm nhân được đảm bảo về diện tích và vệ sinh với đầy đủ các đồ dùng cá nhân thiết yếu.

John Nguyễn, một nam phạm nhân quốc tịch Hoa Kỳ cho biết, anh đã ở trại được 19 năm. Anh chia sẻ, việc môi trường cải tạo ở trại giam rất thân thiện. Cán bộ quan tâm giúp đỡ phạm nhân rất nhiệt tình. Trong thời gian tại trại, người chấp hành án được ăn uống điều độ, theo đúng quy định; ngày lễ, Tết thì được ăn thêm đồ ăn. Ngoài ra, những người có tiền lưu ký thì được phép mua bán thêm. Trong thời gian ảnh hưởng của dịch COVID -19, những người không có điều kiện, gia đình chưa kịp gửi tiền lên thì được trại hỗ trợ. Gia đình đến thăm thấy tình hình thế nên yên tâm, khuyên phạm nhân tập trung cải tạo cho tốt để trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Gấp cuốn sách đang đọc dở, Nicholas Stars, nam phạm nhân 42 tuổi, người Nigeria, cho hay, bản thân đã thụ án tại đây được 5 năm. Anh vui vẻ chia sẻ bằng tiếng Việt “Thời gian ở đây, tôi được ăn uống tốt, sinh hoạt thoải mái. Cán bộ trại tử tế, tôn trọng. Lãnh sự thì 4 tháng đến thăm 1 lần, còn gia đình 1-2 năm qua thăm một lần. Tôi còn 10 năm nữa, nhưng sẽ cố gắng xong sớm hơn”.

Không chỉ được đảm bảo đầy đủ các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, giam giữ, đảm bảo các tiêu chuẩn về nơi ăn nghỉ, quần áo, đồ dùng thiết yếu, chế độ chăm sóc y tế, gặp gỡ thân nhân… các phạm nhân nước ngoài tại Trại giam Thủ Đức được hướng nghiệp, dạy nghề, dạy văn hóa, tham gia sinh hoạt văn nghệ và thể thao… chuẩn bị cho tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Các phạm nhân nước ngoài được chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Các phạm nhân nước ngoài được chăm sóc sức khỏe định kỳ.

Việc tham gia lao động sản xuất được tổ chức phù hợp với độ tuổi, thể chất, điều kiện của phạm nhân giúp họ hiểu hơn giá trị của lao động, trân trọng thành quả lao động của bản thân và của người khác. Lao động không chỉ giúp họ tu tâm, hướng thiện, mà còn xây dựng niềm tin vào cuộc sống sau khi mãn hạn.

Nữ phạm nhân Li Chun Ying, người Trung Quốc tâm sự, ban đầu khi vào đây rất hoang mang, nhưng sau nhờ sự giải thích, khuyên bảo của cán bộ nên tâm lý dần ổn định, yên tâm cải tạo. Các phạm nhân nữ được đối xử tốt, đồ ăn uống, sinh hoạt, đồ dùng phụ nữ, nhu yếu phẩm được cấp đầy đủ. Phạm nhân còn được đi học tiếng Việt, tham gia chơi thể thao, hát karaoke và khi ốm được cán bộ y tế chăm sóc. “Tôi nhiều lần đạt giải nhất bóng bàn toàn trại. Không biết nói tiếng Việt nhiều, nhưng tôi thực sự rất cảm ơn Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ và cảm nhận được tình cảm của cán bộ như trong một gia đình”, Li Chun Ying xúc động cho biết.

Khi tiếng Việt trở thành tiếng mẹ đẻ thứ hai

Xác định công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có vai trò quan trọng đặc biệt nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống của phạm nhân, giúp họ hiểu rõ tội lỗi, không tái phạm, Ban Giám thị Trại giam Thủ Đức đã luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục công dân, dạy tiếng Việt cho phạm nhân là người nước ngoài.

Giờ học tiếng Việt của những phạm nhân ngoại quốc tại Trại giam Thủ Đức.

Giờ học tiếng Việt của những phạm nhân ngoại quốc tại Trại giam Thủ Đức.

Học tiếng Việt không chỉ giúp các phạm nhân nước ngoài có một ngôn ngữ chung trong sinh hoạt, mà còn giúp họ hiểu rõ hơn nội quy, quy định của trại, các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam, để an tâm cải tạo, chấp hành nội quy cơ sở giam giữ và được hưởng chính sách nhân đạo của Việt Nam như giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đặc xá trước thời hạn. Qua những bài học tiếng Việt, các phạm nhân người nước ngoài có thêm cơ hội tìm hiểu, làm quen với con người và nền văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Lớp trưởng lớp tiếng Việt của các phạm nhân nước ngoài tại Trại giam Thủ Đức, anh Peng Kang Yu, người Đài Loan, Trung Quốc, cho biết, phạm nhân của trại đến từ rất nhiều nơi như Campuchia, Nigeria, Thái Lan, Hoa Kỳ… nên học tiếng Việt giúp họ gần gũi và hiểu nhau hơn. Cố gắng học tiếng Việt cũng là để đọc được nhiều sách của thư viện, giúp con người sửa đổi tâm tính, cải tạo tốt hơn.

Có “thâm niên” hơn 19 năm sống tại Trại giam Thủ Đức và sử dụng thành thạo tiếng Việt, Mohd Hafiz Gomez Bin Abdullah, quốc tịch Malaysia, cho biết, vốn là kẻ “cứng đầu”, hồi mới vào trại phạm nhân cũng ngang bướng, phá phách, nhưng sau nhờ sự giúp đỡ, chia sẻ ân cần của cán bộ trại, người đàn ông này đã hiểu ra và quyết tâm thay đổi bản thân để làm lại cuộc đời, sớm trở về với gia đình. Học tiếng Việt giúp anh hiểu và yêu thích văn hóa Việt, con người Việt. Gomez đặc biệt ấn tượng với sự đoàn kết, nhân hậu, chia sẻ khó khăn của người Việt Nam và những đức tính ấy thể hiện rõ ngay cả trong cuộc sống ở trại, giữa các phạm nhân với nhau hay giữa cán bộ và phạm nhân.

“Tình cảm và sự giúp đỡ của các cán bộ đã giúp phạm nhân thêm động lực để cải tạo thành người tốt. Bản thân tôi đã được giảm án 7 lần, nay chỉ còn 10 tháng nữa là được tái hòa nhập cộng đồng. 10 tháng nữa sẽ nhanh lắm, bởi ngoài gia đình tôi ở Malaysia còn có một người con gái Việt Nam đang chờ đợi tôi”, Gomez tươi cười chia sẻ một cách lưu loát bằng tiếng Việt.

Trân trọng với những đối xử đầy tình người trong thời gian chấp hành bản án cũng là tâm lý chung của các phạm nhân nước ngoài tại Trại giam Thủ Đức. Trước ngày trở về quê hương Úc, Kevin Willia De Santos viết: “Tôi đã thi hành án tại Việt Nam được 4 năm 11 tháng. Trong thời gian ở đây, tôi được đối xử công bằng, thậm chí đôi khi tôi còn được đối xử tốt trên cả mong đợi. Những lần gia đình từ Úc đến thăm tôi đã được tạo điều kiện thuận lợi tối đa như được thăm thêm giờ. Tôi ghi nhận tất cả ở trong lòng, vì thế tôi luôn chấp hành tốt. Tôi xin được gửi lời cảm ơn Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ đã đối xử rất tử tế và tôn trọng tôi. Tôi luôn có cảm giác thoải mái và an toàn trong những ngày thi hành án ở đây. Tôi cũng cảm ơn Ban Giám thị đã tạo điều kiện cho tôi được tham gia lớp học tiếng Việt và cảm ơn các cán bộ giáo viên đã hướng dẫn tôi. Tôi được rời Việt Nam trong một trạng thái tinh thần, sức khỏe rất tốt”.

Không chỉ với Kevin Willia De Santos, cuốn sổ cảm tưởng về những ngày sống tại Trại giam Thủ Đức đã được rất nhiều phạm nhân nước ngoài ghi lại với những dòng chữ xúc động, thể hiện tấm lòng tri ân đối với sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ nơi đây - những người đã giúp họ thấu hiểu tính nhân đạo, bao dung của con người và pháp luật Việt Nam đối với những người từng lầm đường, lạc lối.

Thượng tá Phạm Thị Minh Hải cho rằng, giống như các trại giam khác, cơ sở Thủ Đức dù còn nhiều khó khăn nhưng đã và đang nỗ lực hết sức để giúp các phạm nhân, trong đó có người nước ngoài phạm tội, nhìn ra lỗi lầm, “tu tâm - hướng thiện”. Trại giam không phải làm nơi giam cầm, trừng phạt người phạm tội, mà là nơi giáo dục, cảm hóa, giúp họ tự tin, sửa chữa lỗi lầm và làm lại cuộc đời.

“Ở đây không có “tù nhân” mà chỉ có “phạm nhân” - những người đang chấp hành bản án do những sai lầm họ đã phạm phải. Chính vì vậy, công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân phải luôn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; các biện pháp phải mang tính nhân đạo, nhân văn, tôn trọng và đảm bảo quyền con người. Thực hiện được nhiệm vụ này, các trại giam sẽ trở thành trường học cuộc đời cho những người lầm lạc”, Thượng tá Phạm Thị Minh Hải khẳng định.

Xuân Khu

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/home/nhan_quyen/2020/14118/noi-cuu-mang-nhung-pham-nhan-ngoai-quoc.aspx