Nội chiến Myanmar trước ngã ba đường

Gần hai năm rưỡi trôi qua kể từ khi quân đội Myanmar (Tatmadaw) tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ dân sự dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, đất nước Myanmar chìm trong những cuộc giao tranh đẫm máu giữa Tatmadaw và Lực lượng phòng vệ nhân dân (PDF). Kết quả là đến nay, nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn đã nằm trong tay PDF…

1. Ngày 27/10/2023, 3 nhóm vũ trang chống chính phủ Myanmar lớn nhất nước là Quân đội Arakan (AA), Quân đội Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội Giải phóng quốc gia Ta'ang (TNLA) đã mở cuộc tấn công chớp nhoáng nhắm vào một số những căn cứ của Tatmadaw ở bang Shan, phía Đông Myanmar trong một chiến dịch được gọi là 1027. Trước đó, ba nhóm vũ trang nêu trên đã hợp lại để trở thành “Liên minh Ba anh em”, nằm dưới quyền chỉ huy thống nhất của Lực lượng phòng vệ nhân dân (PDF). Cuộc tấn công chỉ kéo dài nửa giờ với kết quả là gần 1.200 lính Tatmadaw buông súng đầu hàng. Ngoài việc kiểm soát những con đường huyết mạch trong vùng này, Liên minh Ba anh em còn chiếm được một lượng vũ khí đáng kể gồm súng cối, súng đại liên hạng nặng, có khả năng giúp họ phòng thủ trước những cuộc tấn công bằng trực thăng và máy bay chiến đấu màTatmadaw vẫn thường dùng để chống lại họ. Bên cạnh đó, Liên minh Ba anh em còn cho nổ tung các cây cầu, ngăn Tatmadaw gửi quân tiếp viện.

Một người lính PDF với trang bị hiện đại.

Một người lính PDF với trang bị hiện đại.

Thừa thắng xông lên, nhóm AA trong liên minh đánh tiếp vào bang Rakhin ở phía Tây, nơi người dân tộc thiểu số Rohingya sinh sống khiến lính Tatmadaw một lần nữa lại phải bỏ chạy, tạo ra cái mà các nhà quan sát địa chính trị gọi là “hiệu ứng domino”, châm ngòi cho các cuộc đụng độ vũ trang ở các bang khác.

Khi tin tức về các cuộc tấn công lan rộng khắp Myanmar, chính quyền quân sự Myanmar cố gắng giải thích về những gì đã xảy ra.Người phát ngôn quân đội Zaw Min Tun tuyên bố: “Người dân không nên tin vào những lời đồn”, đồng thời ông còn nói thêm rằng “tình hình an ninh sẽ được khôi phục”. Bên cạnh đó, chính quyền còn trấn an dân chúng bằng cách cho biết họ sẽ tổ chức các cuộc bầu cử tự do nhưng cấm sự tham gia của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (là tổ chức chính trị do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo). Vẫn theo các nhà quan sát thì trên thực tế, khả năng diễn ra một cuộc bỏ phiếu gần như là con số 0 bởi lẽ ngay cả khi quân đội tiến hành một cuộc bầu cử minh bạch, họ cũng không thể bảo vệ an toàn cho các điểm bỏ phiếu, chưa kể phần thua chắc chắn nằm về phía họ!

Trước khi diễn ra Chiến dịch 1027 của Liên minh Ba anh em, những tháng gần đây đã xuất hiện nhiều báo cáo chi tiết của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc về những điểm yếu của Tatmadaw.Họ ngày càng sử dụng các cuộc tấn công tàn bạo bằng không quân nhằm vào dân thường ở những nơi mà họ có thể sẽ thua trong cuộc chiến trên bộ nhưng chiến thuật này không giúp Tatmadaw giành lại bất kỳ vùng lãnh thổ nào mà chỉ khiến người dân chống lại họ. Ngay cả khi Tatmadaw tiến hành các hoạt động trên bộ, lực lượng của họ đã nhiều lần thiệt hại nghiêm trọng bởi những cuộc phản công của các tay súng PDF. Tatmadaw cũng không thể tuyển thêm tân binh bởi lẽ phần lớn thanh niên Myanmar không thiết tha gì với việc gia nhập lực lượng vũ trang để phải đối mặt với những người cùng quê hương xứ sở trong bối cảnh một loạt các nhà lãnh đạo quân sự và quan chức bị PDF ám sát ở nhiều nơi.Hệ quả của những yếu tố ấy đã khiến tinh thần binh lính Tatmadaw xuống thấp, tình trạng đào ngũ diễn ra thường xuyên.

Dù sở hữu những chiến cụ tối tân nhưng Tatmadaw vẫn liên tục thất bại.

Dù sở hữu những chiến cụ tối tân nhưng Tatmadaw vẫn liên tục thất bại.

Sự thay đổi quyền kiểm soát tại những khu vực quan trọng về mặt chiến lược và kinh tế của Myanmar không chỉ là việc đảo ngược đáng kinh ngạc trong lĩnh vực quân sự, mà còn là một thất bại nặng nề về tài chính.Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), chính quyền quân sự Myanmar đang có nguy cơ mất quyền làm chủ các cửa khẩu biên giới, nơi xuất, nhập hơn 40% lượng hàng hóa của cả quốc gia và những khoản tiền thuế liên quan. Một dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy tình hình đang trở nên nguy hiểm qua việc Hội đồng quân sự Myanmar đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, trong đó Tổng thống Myint Swe cảnh báo rằng “đất nước đang có nguy cơ tan rã”.

2. Sau cuộc đảo chính quân sự diễn ra hồi tháng 2/2021 và sau thất bại từ những cuộc biểu tình ôn hòa của người dân trước sự đàn áp của Tatmadaw, đã dẫn đến sự ra đời của Lực lượng Phòng vệ nhân dân PDF, kết hợp với sự tham gia của các nhóm vũ trang dân tộc Karenni, Kachin, Chin và Karen, cùng nhau chiến đấu chống lại Tatamadaw dưới sự bảo trợ của Chính phủ Thống nhất quốc gia (NUG) mà thành phần lãnh đạo gồm các quan chức dân cử bị lật đổ bởi cuộc đảo chính.Tuy nhiên trong suốt 2 năm 2021, 2022, cuộc chiến diễn ra trong thế giằng co vì người Shan vẫn đứng ngoài cuộc xung đột. Diễn biến kịch tính ngày 27/10/2023 xảy ra nhờ vào quyết định của lực lượng dân quân bang Shan tham gia chiến dịch này.

Nằm ở phía Bắc Myanmar, bang Shan là đơn vị hành chính lớn nhất nước với diện tích gần 166.000km2. Phía Bắc bang Shan giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, phía Đông giáp hai tỉnh Louang Namtha và Bokeo của Lào. Phía Nam giáp Chiang Rai, Chiang Mai và Mae Hong Son của Thái Lan, với cư dân người Shan chiếm đa số đồng thời cũng là nơi có các tổ chức vũ trang chống chính phủ quân sự Myanmar mạnh nhất nước. Và mặc dù chính phủ quân sự đã ký thỏa thuận ngừng bắn với một số nhóm nhưng các khu vực phía đông sông Salween, nơi có quân đội bang Shan vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền trung ương. Theo dữ liệu từ Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), bang Shan cũng là nơi sản xuất thuốc phiện nhiều nhất Myanmar. Năm 2020, sản lượng thuốc phiện của nơi này chiếm 82% (331 tấn) trong tổng sản lượng của cả nước (405 tấn).

Khi nhận lời tham gia cùng PDF trong Chiến dịch 1027, quân đội bang Shan được cho là có hơn 18.000 tay súng, vũ trang bằng những loại vũ khí hiện đại mua từ tiền bán thuốc phiện. Bên cạnh đó, quân đội bang Shan còn được sự hỗ trợ ngấm ngầm từ một quốc gia láng giềng bởi quốc gia này có ảnh hưởng rất lớn với những nhà lãnh đạo người Shan. Một tin tình báo cho rằng quốc gia nêu trên đã biết trước về Chiến dịch 1027 nhưng họ đã không hề có ý định ngăn chặn bởi theo họ, dù Chiến dịch 1027 có tạo thành bước ngoặt, dẫn đến thất bại của chính quyền quân sự Myanmar hay không thì vị thế của Tatmadaw cũng đã suy yếu nghiêm trọng.

Sau những chiến thắng ở bang Shan, quân đội Shan đã đưa ra một giải thích về sự liên minh giữa họ với PDF, rằng họ “tận lực tiêu diệt chế độ độc tài quân sự áp bức”. Tuyên bố ấy dường như đã tiếp thêm sinh lực cho các lực lượng chống chính phủ ở các vùng khác của đất nước. Lực lượng dân quân Karenni cho biết họ đã nắm quyền kiểm soát một số tiền đồn quân sự, trong khi PDF tuyên bố họ đã treo cờ tại tòa nhà chính quyền của thị trấn Kawlin ở phía Bắc, cách Mandalay khoảng 370km. Quân đội Liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) thông báo rằng hàng chục cuộc đào ngũ quy mô lớn của lính Tatmadaw đã diễn ra ở những vùng do MNDAA kiểm soát. Trong một phân tích gần đây, ông Ye Myo Hein, chuyên gia về Myanmar kết luận rằng lực lượng vũ trang Tatmadaw lúc xảy ra đảo chính ước tính lên tới 400.000 người, thuộc loại lớn nhất Đông Nam Á nhưng hiện đã giảm xuống chỉ còn khoảng 150.000 người nhưng số thật sự cầm súng chiến đấu chỉ chừng 70.000 người, hậu quả của những thương vong sau những cuộc chạm súng với PDF và nạn đào ngũ.

Vẫn theo ông Ye Myo Hein, để tránh làm “mất lòng” các nhà lãnh đạo cấp trên, nhiều chỉ huy Tatmadaw đã báo cáo sai lệch về quân số. Nó phổ biến đến nỗi Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và cấp phó của ông là tướng Soe Win cũng không biết số lượng quân nhân thực sự là bao nhiêu! Ngay cả một vài sư đoàn bộ binh được coi là lực lượng thiện chiến nhất của Tatmadaw cũng suy yếu một cách nghiêm trọng. Ông Ye Myo Hein nói: “Trong một buổi duyệt binh, lính Tatmadaw tham gia chỉ khoảng 3.000 người, chia thành từng đội, mỗi đội 100 người diễu hành qua khán đài. Khi đội Biệt động quân đi xong, họ vòng ra phía sau, thay quần áo pháo binh rồi lại xếp hàng đi tiếp. Khi buổi duyệt binh kết thúc, bộ phận tuyên truyền của Tatmadaw tuyên bố đã có 60.000 sĩ quan, binh sĩ tham gia!”.

Những gì còn lại sau cuộc giao tranh giữa Tatmadaw và PDF ở bang Rakhin.

Những gì còn lại sau cuộc giao tranh giữa Tatmadaw và PDF ở bang Rakhin.

3. Cho đến nay, cuộc nội chiến ở Myanmar đang đứng trước ngã ba đường. Một là chính phủ quân sự tuyên bố giải tán, nhường đường cho một cuộc bầu cử tự do, hai là chính phủ quân sự thỏa hiệp với phe nổi dậy, chấp nhận chia sẻ quyền lực nhưng vẫn giữ được một số chức vụ chủ chốt và ba là bị đánh bại hoàn toàn. Theo một ước tính gần đây của Viện Nghiên cứu chiến tranh Mỹ (ISW), mỗi ngày trung bình có khoảng 15 binh sĩ Tatmadaw thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, vượt xa con số tổn thất của lực lượng PDF. Các đơn vị PDF cũng đã phát triển những chiến thuật hiệu quả, chẳng hạn “đánh rồi chạy”, hoặc tiến hành những vu ám sát nhắm vào các quan chức chính quyền đồng thời tận dụng các trang mạng xã hội để kêu gọi lính Tatmadaw đào ngũ như đã diễn ra ở thị trấn Laukkai thuộc vùng Kokang, cả 1 tiểu đoàn Tatmadaw đồng loạt ra hàng.

Về phía PDF, những nhà lãnh đạo của tổ chức này tin rằng họ đang đứng trước “ngưỡng cửa của sự chiến thắng”, thí dụ như ở bang Arakan, miền tây Myanmar. Các tay súng thuộc Quân đội Arakan (AA) đã giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ bang, chính quyền quân sự Myanmar chỉ còn giữ được khoảng 1/5 số làng mạc, thị trấn trong bang. Ở miền Trung, lực lượng PDF hiện đang giao tranh với lính Tatmadaw chỉ cách thủ đô Naypyidaw vài chục km đồng thời đẩy mạnh các cuộc tấn công nhắm vào Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar trong bối cảnh không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chính quyền quân sự sẽ giành lại được những vùng đất mà họ đã để mất.

Trên bình diện quốc tế, sự quay lưng với chính quyền quân sự Myanmar của nhiều quốc gia cùng với các lệnh trừng phạt được giới quan sát địa chính trị cho rằng nó là “những cái đinh cuối cùng đóng vào quan tài”, nhất là khi Quốc hội Mỹ gần đây đã thông qua Đạo luật Myanmar, đồng ý cung cấp hỗ trợ phi sát thương cho các lực lượng kháng chiến ở Myanmar, cũng như “sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Chính phủ thống nhất quốc gia Myanmar (NUG)”. Ngay cả nước láng giềng Thái Lan dưới thời Thủ tướng Prayuth Chanocha đã cố gắng hợp pháp hóa chính phủ quân sự Myanmar thì giờ đây, sau cuộc bầu cử vừa diễn ra, khi đảng Tiến lên giành được nhiều ghế nhất, thì người đứng đầu đảng này tuyên bố “sẽ hỗ trợ việc khôi phục nền dân chủ ở Myanmar”…

Tuy nhiên, chiến thắng dành cho Chính phủ thống nhất quốc gia Myanmar (NUG) vẫn còn là một chặng đường dài. Các chỉ huy cao cấp của Tatmadaw biết rằng họ sẽ phải đối mặt tòa án tội ác chiến tranh nếu họ thua trận nên thời điểm này, Tatmadaw dường như có ít sự lựa chọn.

Vũ Cao (Theo Inside Politics)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/noi-chien-myanmar-truoc-nga-ba-duong-i714996/