Nơi chắp cánh ước mơ cho học sinh dân tộc thiểu số

BHG - Hệ thống các trường THCS – THPT nội trú là cơ sở đào tạo hệ phổ thông đối với con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Do vậy, đối với mỗi học sinh dân tộc thì trường học là ngôi nhà thứ hai gắn bó trong suốt tuổi học trò. Nơi đây các em được thầy, cô giáo quan tâm chăm lo, dạy học để mỗi em đều có hành trang kiến thức, kỹ năng bước vào đời với những hoài bão, ước mơ.

Học sinh Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Đồng Văn trong giờ học tin học.

Những ngày vừa qua là kỷ niệm đáng nhớ của cô bé dân tộc Cờ Lao Min Thị Chanh, thôn Hai Phìn Sư, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì). Rời bản làng, rời gia đình và những thửa ruộng bậc thang, Chanh được bố mẹ cho nhập học lớp 10 Trường PTDT nội trú THPT tỉnh. Ngày đầu nhập trường mọi thứ còn bỡ ngỡ, nhưng Chanh được cô giáo và các anh chị tình nguyện viên hướng dẫn tận tình, làm các thủ tục nhận lớp, nhận phòng ở tại ngôi trường mới.

Đối với hai em học sinh Triệu Thu Thành, thôn Phai, xã Bạch Ngọc và Thẩm Thị Luyến, xã Thuận Hòa (Vị Xuyên) thì Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Vị Xuyên chính là ngôi nhà thứ hai, khi cả Thành và Luyến đều học tập tại ngôi trường này 6 năm. Năm học mới 2023 – 2024, cả hai em đều là đôi bạn thân cùng tiến học lớp 11 của trường. Em Thẩm Thị Luyến chia sẻ: Được học tập, rèn luyện tại ngôi trường với những điều kiện học tập đầy đủ giúp em khám phá, học tập và nuôi những hoài bão lập nghiệp cho tương lai.

Khu nội trú của học sinh Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Xín Mần.

Thầy giáo Phạm Bá Tuyên, Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Vị Xuyên cho biết: Là một trong những cơ sở đào tạo con em đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện, năm học mới 2023 – 2024, nhà trường có 411 học sinh từ lớp 6 đến lớp 11. Với 10 phòng học, 32 phòng ở, nhà lưu trú, thư viện, các công trình phụ trợ đảm bảo cho việc học tập và sinh hoạt thể dục - thể thao của các em.

Tại Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Đồng Văn, năm học 2023 – 2024 đón 484 học sinh con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn đến học tập. Nhà trường có đầy đủ cơ sở vật chất khang trang với 12 lớp học, 47 phòng ở, có nhà thể thao đa năng, thư viện, nhà ăn, khu căng tin, khu sinh hoạt tập thể… đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập và rèn luyện thể dục - thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của các em.

Còn tại Trường PTDT nội trú THCS và THPT huyện Xín Mần, năm học mới 2023 – 2024, nhà trường tiếp nhận 500 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12. Cô giáo Nguyễn Thị Ngân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiểu được tâm lý phải sống xa nhà của học sinh, cán bộ, giáo viên nhà trường luôn xác định công việc của mình không chỉ là người thầy, người cô dạy kiến thức mà còn là những người cha, người mẹ thứ hai quan tâm, chăm sóc và giáo dục các em những quy tắc đạo đức, văn hóa ứng xử, nội quy nhà trường; giáo dục kỹ năng sống với các nội dung thiết thực, phù hợp với tâm lý, sinh lý lứa tuổi. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thể thao, văn nghệ để các em có dịp giao lưu, chia sẻ với bạn bè về học tập, sinh hoạt, giúp các em dần thích nghi với môi trường nội trú.

Toàn tỉnh hiện có 820 cơ sở giáo dục, trong đó có 13 Trường PTDT nội trú, 180 Trường PTDT bán trú. Tỉnh đã ban hành Đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2023 - 2030 với mục tiêu cụ thể là: Huy động trẻ từ 0 - 2 tuổi ra lớp đạt 30% trở lên; 98% trở lên trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường, tỷ lệ duy trì sĩ số đạt 98% trở lên. Hàng năm có 95% học sinh trở lên được đánh giá đạt qua tổ chức khảo sát. 100% giáo viên có trình độ đạt chuẩn. Để thực hiện được mục tiêu này, từ nay đến năm 2030, tỉnh Hà Giang sẽ dành gần 750 tỷ đồng đầu tư cho công tác giáo dục. Đây chính là những nền tảng để chăm lo cho công tác giáo dục đào tạo, nhất là đối với công tác giáo dục cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: TRƯỜNG GIANG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202311/noi-chap-canh-uoc-mo-cho-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-cb20759/