Nơi ấy - số 10 đường Nha Trang

Sáng ngày 1/7/2008, tôi xách chiếc cặp công tác, chào anh chị em cán bộ, phóng viên, người lao động của Tòa soạn Báo Thái Nguyên để đến nhận công tác ở một cơ quan mới - Đài PTTH Thái Nguyên, mà tâm trạng nao nao, khó tả.

“Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”

Trụ sở Tòa soạn Báo Thái Nguyên - số 10 đường Nha Trang. Ảnh: Lăng Khoa

Trụ sở Tòa soạn Báo Thái Nguyên - số 10 đường Nha Trang. Ảnh: Lăng Khoa

Phải rời xa một cơ quan mà mình đã đến, gắn bó, lao động và trưởng thành qua hơn 26 năm với bao kỷ niệm buồn vui, ai mà cầm lòng cho đặng. Thì ra, ai ở trong hoàn cảnh ấy mới thấu hiểu mấy câu thơ của Chế Lan Viên. Nhà thơ đã phát hiện một quy luật của tình cảm, của trái tim con người: Rằng, mỗi một nơi ta vừa đến, còn rất đỗi xa lạ thì mới chỉ là đất ở. Nhưng khi ta từ biệt nơi ấy ra đi, mảnh đất đã lưu giữ một phần đời với bao kỷ niệm ân tình, nhân nghĩa đầy vơi nên đã hóa tâm hồn, nâng bước ta đi là tình cảm thật...

Đoàn cán bộ Báo Cao Bằng thăm Báo Bắc Thái (tháng 12-1983) tại số 10 đường Nha Trang. Ảnh: Tư liệu

Đoàn cán bộ Báo Cao Bằng thăm Báo Bắc Thái (tháng 12-1983) tại số 10 đường Nha Trang. Ảnh: Tư liệu

Số 10 đường Nha Trang - Tòa soạn tờ báo của Đảng bộ tỉnh Bắc Thái, Thái Nguyên - nơi tôi và không ít đồng nghiệp đã trải qua một thời tuổi trẻ sôi nổi và cống hiến. Một thời chứng kiến những thăng trầm của xã hội, nghề nghiệp; đồng thời được sống, làm việc cùng và học tập những nhân cách cao dầy, đáng kính nể; cũng đã phải chứng kiến những hành xử nhỏ nhoi, vô ơn do phông văn hóa lúc ấy còn thấp… Cao hơn cả, số 10 đường Nha Trang chính là nơi trang trải ân nghĩa, là nơi chắp cánh cho không ít cuộc đời của nhiều thế hệ chúng tôi, mà ân nghĩa ấy không được phép lãng quên.

Ngày 1/7/1965, thực hiện Nghị quyết số 111 của Bộ Chính trị, tỉnh Bắc Kạn sáp nhập với Thái Nguyên thành tỉnh Bắc Thái. Sau khi sáp nhập tỉnh, tờ báo Bắc Thái cùng tờ Việt Nam Độc lập của Khu tự trị Việt Bắc là những kênh thông tin chính của khu, của tỉnh.

Ngày 27/12/1975, thực hiện quyết định của Quốc hội khóa 5, kỳ họp thứ 2, Khu tự trị Việt Bắc giải thể. Đường Nha Trang (TP. Thái Nguyên) được đặt tên sau quyết định kết nghĩa giữa các tỉnh miền Bắc và miền Nam (trong đó tỉnh Thái Nguyên kết nghĩa với tỉnh Khánh Hòa), thời điểm ấy có khu trụ sở các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh Bắc Thái. Số 10 đường Nha Trang gồm 4 dãy nhà kèo sắt, cột xi măng, được giao cho Tòa soạn Báo Bắc Thái quản lý. Vì nhẽ ấy, năm 1976 được coi là năm bắt đầu “an cư”, là một mốc quan trọng vì trước đó Tòa soạn ở tạm mấy nơi…

Hội nghị giao ban cơ quan Báo Bắc Thái năm 1984. Ảnh: Tư liệu

Hội nghị giao ban cơ quan Báo Bắc Thái năm 1984. Ảnh: Tư liệu

Đường Nha Trang dài chưa tới một cây số, kéo từ ngã ba đường Cách mạng Tháng Tám đến ngã ba đường Bến Tượng. Đầu ngã ba phía bên trái là dãy cửa hàng ăn uống quốc doanh, sản xuất kem, qua một khoảng đất là khu vực Ủy ban Hành chính tỉnh Bắc Thái; rồi tiếp đến một sân rộng trước cửa hội trường lớn do tổ chức Công đoàn quản lý (sau này Quỹ Đầu tư phát triển xây trụ sở trên sân này); rồi đến một ngôi nhà 3 tầng, nơi làm việc của Liên hiệp Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, sau đó đến địa chỉ số 10…

Còn phía bên kia đường là nơi làm việc của Thanh tra tỉnh, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em, cơ quan Thống kê rồi Thể thao; các cửa hàng may đo, sửa chữa xe đạp, Cửa hàng lương thực Quang Trung…

Về lịch sử của Báo Thái Nguyên, hơn 60 năm đã trôi qua với hàng trăm lát cắt, tôi băn khoăn nên đi từ góc nhìn nào? Báo chí cách mạng ra đời tới giờ đã ngót trăm năm, mà trong chiều dài ấy, báo chí Thái Nguyên cũng có nhiều điểm nhấn.

Ngày 25/8/1962, một ngày thật ý nghĩa: Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Lê Đức Chỉnh đã ký quyết định thành lập tờ báo của Đảng bộ tỉnh. Trước đó, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các tờ báo Nhân Dân, Cứu quốc, Quân đội Nhân dân, Lao động, Văn nghệ Cứu quốc… đóng trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền cũng như thúc đẩy hoạt động báo chí. Hòa bình lập lại, tờ tin Thái Nguyên, tờ tin Gang Thép cũng là sự tiếp nối.

Biên tập, trình bày báo tại Tòa soạn năm 1983. Ảnh: Tư liệu

Biên tập, trình bày báo tại Tòa soạn năm 1983. Ảnh: Tư liệu

Không riêng Thái Nguyên, những năm sáu mươi, bẩy mươi của thế kỷ trước, các cán bộ lãnh đạo, phóng viên được đào tạo về báo chí hầu như chưa có. Các đồng chí làm công tác tuyên truyền, có chút năng khiếu nghề này được điều về xây dựng tờ báo. Nhưng lớp cán bộ ấy lăn lộn với đời sống, với chiến đấu, học từ thực tiễn nên chất lượng các tác phẩm báo chí khá tốt.

Về một số thời khắc ghi dấu ấn với Báo Thái Nguyên: Đó là những năm 1965-1972, Tòa soạn liên tục phải sơ tán tránh máy bay Mỹ. Xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng (Đồng Hỷ) là nơi Tòa soạn đứng chân và nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành của nhân dân. Cho dù bom đạn nhưng báo vẫn ra đều đặn mỗi tuần.

Do địa bàn rộng, phương tiện đi lại khó khăn nên Tòa soạn có chế độ phóng viên thường trú theo dõi địa bàn, nhờ đó tin bài được cập nhật mang hơi thở cuộc sống, có chiều sâu, chất lượng cao. Cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, báo hình thành các tổ phóng viên, biên tập; Ban Biên tập có Tổng Biên tập, các Phó Tổng Biên tập và ủy viên Ban Biên tập… Các phòng thành lập vào cuối những năm 1980.

Từ năm 1993 về trước, mỗi tuần báo phát hành 1-2 kỳ khổ nhỏ (29x42cm). Từ cuối năm 1993, báo mở rộng khổ lên 42x59cm, tăng kỳ dần cho đến kín tuần và có thêm các ấn phẩm phụ.

Hội nghị cộng tác viên, thông tin viên và bạn đọc Báo Bắc Thái tháng 8-1988. Ảnh: Tư liệu

Hội nghị cộng tác viên, thông tin viên và bạn đọc Báo Bắc Thái tháng 8-1988. Ảnh: Tư liệu

Thời gian mà Báo Thái Nguyên đã trải qua so với chiều dài lịch sử 98 năm của Báo chí cách mạng Việt Nam là đáng kể. Những lớp người say sưa cống hiến lần lượt ghi danh vào cuốn sử truyền thống, trong đó có đồng chí Lê Chỉnh, Trưởng Ban Biên tập Báo từ ngày đầu.

Còn về làm việc tại địa chỉ số 10 đường Nha Trang là Tổng Biên tập Khiếu Minh Tòng; tiếp đến là Tổng Biên tập Phạm Hồng Dương, vốn là chuyên viên Vụ Báo chí (Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương) được luân chuyển về, một nhà báo có chuyên môn sâu, qua hơn 17 năm làm việc đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.

Các đồng chí: Lê Quang Dực, Phan Hữu Minh, Đỗ Thị Thìn, Nguyễn Ngọc Sơn là những Tổng Biên tập tiếp nối. Còn các đồng chí: Đức Thuận, Nguyễn Văn Giang, Đinh Văn Nhân, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Non Nước, Nguyễn Niên, Vũ Liêu, Liêu Chiến, Đào Ngọc Anh, Chu Thế Hà... là Phó Tổng Biên tập.

Các nhà báo và những cán bộ mở đầu sự nghiệp, hoặc được nơi này chắp cánh gồm: Hồng Hiển, Huy Hùng, Hoàng Linh, Lường Ước, Đặng Thanh Thụ, Văn Nguyên, Nguyễn Hòa Dung, Nguyễn Tính, Mai Tú. Quý Hùng, Phan Sơn, Hồng Chức, Nguyễn Công Đán, Trần Bích Hiền, Phạm Viết Thanh, Nguyễn Thị Tỵ, Vũ Thị Minh, Duy Hiệu, Phương Cường, Trần Lan Phương, Nguyễn Cao Thâm, Vi Thu Lan, Ngô Thanh Hằng, Minh Hằng, Nguyễn Thúy Hòa, Ngô Thu Hường… Cũng như các cán bộ trẻ đang công tác hiện nay có nhiều đóng góp tích cực.

Chúng ta thành kính nhớ về những đồng chí đã rời cõi tạm: Tổng Biên tập Khiếu Minh Tòng, Phạm Hồng Dương; các Phó Tổng Biên tập Vũ Đức Thuận, Hoàng Vĩnh Xuyên, Nguyễn Văn Giang, Đinh Văn Nhân; các cán bộ Nguyễn Đức Lâm, Nguyễn Thuyết, Phan Sơn, La Thanh Tịnh, Hoàng Loan, Huy Hùng, Dương Văn Tưởng, Nguyễn Tính, Mai Tú, Quý Hùng, Đặng Thanh Thụ, Văn Thành…

Vận chuyển máy in để chuẩn bị thành lập nhà in Báo Thái Nguyên năm 2000. Ảnh: Tư liệu

Vận chuyển máy in để chuẩn bị thành lập nhà in Báo Thái Nguyên năm 2000. Ảnh: Tư liệu

Tính đến tháng 8/2023, Báo Thái Nguyên đã đứng chân trên mảnh đất số 10 đường Nha Trang 48 năm. Hơn 30 năm trước, nhận thấy vị trí, vai trò quan trọng của tổ chức Hội Nhà báo và tờ báo Đảng bộ tỉnh, cuối năm 1992, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đặng Quốc Tiến đã phê duyệt chủ trương dự án xây dựng trụ sở làm việc của 2 cơ quan Hội Nhà báo tỉnh và Báo Thái Nguyên. Giám đốc Công ty Xây dựng số 1 Dương Thế Huấn trực tiếp chỉ đạo thi công công trình.

Ngày 2/9/1993, tòa nhà 3 tầng được khánh thành với 930 mét vuông sử dụng trong niềm vui không chỉ của anh em trong Tòa soạn mà cả với những công chúng báo chí mà ngay cả khi còn ở những căn nhà lụp xụp đã hàng ngày lui tới gửi tin, bài và đàm đạo chuyện báo chí, văn chương, thế sự, như các nhà văn Xuân Cang, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Anh Bình, Lý Biên Cương, Vi Hồng; các cộng tác viên Khánh Kiểm, Lương Bèn, Nguyễn Long, Trần Văn Loa, Vân Trung, Đức Hạnh, Văn Bổn, Hoàng Khắc Điện, Lê Hà, Ngô Khuyến Phong…

Các cán bộ, phóng viên, người lao động của Báo Thái Nguyên hôm nay. Ảnh: Lăng Khoa

Các cán bộ, phóng viên, người lao động của Báo Thái Nguyên hôm nay. Ảnh: Lăng Khoa

Rồi tòa nhà 3 tầng thứ hai được xây dựng năm 2001, thứ ba xây năm 2021. Và cũng trong khuôn viên ấy, tờ báo in luôn phát triển không ngừng, rồi Tòa soạn xây dựng nhà in, xuất bản báo điện tử. Báo Thái Nguyên đã và đang có khá đầy đủ các điều kiện cần và đủ của một tòa soạn hội tụ, bước vào kỷ nguyên 4.0 một cách tự tin.

Phóng viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: T.L

Phóng viên Báo Thái Nguyên tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: T.L

Đi lên hiện đại là xu thế tất yếu, là tín hiệu tốt thể hiện tư duy thời đại. Rồi đây, số 10 đường Nha Trang chỉ là một chẩm nhỏ trong lát cắt của lịch sử đô thị TP. Thái Nguyên. Nhưng không có những lát cắt như thế sẽ không thể có dòng chảy thông suốt của một bản thể. Mỗi người trong chúng tôi tự thức được nơi nuôi dưỡng cho chỗ đứng, cho nghề nghiệp của mình - một nghề cao quý. Và không bao giờ được phép quên và vô ơn với mảnh đất, con người nơi ấy - số 10 đường Nha Trang.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phong-su-ghi-chep/202308/noi-ay-so-10-duong-nha-trang-f800328/