Nơi ấy, miền đất ba sông

Tôi từng đến Yên Dũng nổi tiếng 'đất thơm, người lành' nhưng đây là dịp đầu tiên được thả hồn mình bay bổng trên dòng sông Thương trữ tình. Sông Thương thấp thoáng trong ca dao nước Việt như những thảng thốt, da diết nhớ nhung khôn nguôi từ bao đời nay.

Ai đã đọc cho tôi nghe câu sáu tám huê tình này nhỉ: "Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Đèn khêu đôi ngọn em trông bên nào". Câu ru của mẹ? Lời giảng của thầy? Hay thủ thỉ giọng em thuở ban đầu gặp gỡ? Sông Thương hôm nay lấp loáng trong nắng sớm mùa đông, mặt nước bàng bạc màu mây sáng, không có bên trong, bên đục.

Chùa Vĩnh Nghiêm nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Văn Tuấn.

Cô gái ngồi cạnh tôi trên chuyến ca nô của Đội Cảnh sát giao thông đường thủy dành cho các nhà văn từ Thủ đô về là hướng dẫn viên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Thông tin huyện Yên Dũng. Ca nô chạy tốc độ cao, xé nước băng băng, cô gái nhìn tôi thỏ thẻ: “Em không biết bơi, nên cũng hơi thót tim anh ạ”. Nói đoạn, cô gái cười, nụ cười xinh của con gái Kinh Bắc lừng danh quan họ.

Vâng, tôi không nén nổi sự sóng sánh xôn xao khi lần đầu tiên được biết thế nào là Lục Đầu Giang. Sông Thương. Sông Cầu. Sông Lục Nam. Sông Đuống. Sông Kinh Thầy. Sông Thái Bình. Sáu con sông gặp nhau tạo thành một quãng sông mang tên Lục Đầu. Lục Đầu Giang gợi nhắc với chúng tôi về chiến thắng Vạn Kiếp lẫy lừng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII.

Á Nam Trần Tuấn Khải đã từng có bài thơ ngợi ca chiến công lịch sử này: "Hơn bảy trăm năm trải mấy triều/ Khí thiêng phảng phất núi non cao". Non sông mình ở đâu cũng địa linh nhân kiệt, ở đâu cũng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của dân tộc ngoan cường. Như Yên Dũng này vậy, miền đất được bồi đắp nên bởi phù sa cổ của ba dòng chảy có tên gọi sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam.

Sông Cầu nước chảy lơ thơ còn có tên là Nguyệt Đức, được mang mỹ danh “dòng sông quan họ”. Sông Thương nước chảy đôi dòng còn được định danh là Nhật Đức, là một phụ lưu của sông Thái Bình chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương. Sông Lục Nam, người xưa từng gọi là Minh Đức, một phụ lưu của sông Thương chảy qua hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang.

Yên Dũng bây giờ là huyện nhưng trong tương lai rất gần sẽ sáp nhập vào TP Bắc Giang. Tôi nghĩ, có thể rồi đây cái tên Yên Dũng không còn trên bản đồ hành chính tỉnh Bắc Giang nhưng tinh thần Yên Dũng vẫn mãi mãi tỏa sáng. Yên Dũng vẫn mãi là miền đất phì nhiêu, linh thiêng được gói bọc bồi đắp bởi ba sông. Trong lòng

TP Bắc Giang, Yên Dũng vẫn là đất thơm, người lành, sẽ hướng về phía trước bằng những dự định tốt đẹp.

Ca nô đi chậm lại và tạm dừng nơi ngã ba Phượng Nhãn có đền thờ vua Trần Minh Tông; tiếp đó là chùa Vĩnh Nghiêm chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Trước khi ngược xuôi một khúc sông Thương, chúng tôi lên thắp hương và vãn cảnh tại Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, một điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua khi đến với Bắc Giang nói chung và Yên Dũng nói riêng.

Thiền viện được khởi công xây dựng từ cuối năm 2011 trên lưng chừng Non Vua, đây là một trong những đỉnh cao nhất thuộc dãy núi Nham Biền mang một huyền tích đẹp. Điều rất lý thú trên đỉnh Non Vua có Giếng Trời, người ta gọi đó là Thiên huyệt, nước trong sạch mát mẻ bốn mùa.

Dưới chân núi có khe Hang Dầu được biết tới là nơi quy tụ Nguyệt Nham của chín ngọn núi Phượng. Sau khi vào chính điện dâng hương, chúng tôi được Sư thầy Thích Huệ Hùng tiếp chuyện thân mật. Sư thầy cho chúng tôi biết, mỗi năm Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng đón khoảng 30 nghìn du khách đến thăm. Thiền viện cũng mở nhiều khóa tu cho các độ tuổi. Khi ra về, mỗi chúng tôi được tặng một cuốn sách quý “Bước đầu học Phật” của Hòa thượng Thích Thanh Từ.

Có Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng nằm giữa sông núi linh thiêng, cất giữ nhiều trầm tích lịch sử văn hóa quý báu, Yên Dũng chắc chắn sẽ trở thành địa chỉ du lịch tâm linh thu hút du khách muôn phương.

Miền đất của ba con sông đẹp từng để lại cho tôi những ấn tượng khó quên. Tôi đã không ngần ngại gọi đây là nơi “đất thơm, người lành”. Đất thơm nên hạt lúa, hạt gạo cũng cho người bát cơm ngon dẻo. Đâu chỉ bởi phù sa màu mỡ từ muôn thuở xa xưa thăm thẳm bồi đắp nên phì nhiêu những cánh đồng nơi đây. Còn phải do tâm tính, trí tuệ con người nữa chứ.

Người là hoa của đất. Người Yên Dũng là hoa của đất Yên Dũng. Người lành mới làm nên chuyện tốt. Người lành mới biết dựng xây cuộc sống ấm no, tử tế trên mảnh đất ông cha mình để lại. Người lành mới biết quý bạn bè, biết lắng nghe bạn bè nói, lắng nghe bạn bè hát, lắng nghe bạn bè đọc thơ. Trong một chén rượu thơm cũng có cái gì níu náu, chân tình rất Yên Dũng.

Yên Dũng đã có những bứt phá khởi sắc rõ rệt trong mấy năm qua. Bí thư Huyện ủy Thạch Văn Chung cho chúng tôi biết những thành quả mà huyện đã đạt được sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025. Huyện đã hoàn thành phê duyệt quy hoạch các phân khu như khu vực dãy núi Nham Biền; Khu công nghiệp Yên Lư; Khu công nghiệp Đồng Phúc; đồ án quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu dân cư…; quy hoạch vị trí 4 cảng tổng hợp loại III, một cảng chuyên dùng, hai cảng hành khách. Quy hoạch đồng bộ hạ tầng giao thông đô thị tạo dựng không gian phát triển bền vững. Sản xuất công nghiệp đang là thế mạnh của miền đất ba sông này.

Các khu, cụm công nghiệp mới đang hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Huyện cũng quan tâm sản xuất tiểu thủ công nghiệp, duy trì và phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như gốm làng Ngòi, đồ gỗ dân dụng, đồ gỗ mỹ nghệ; khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung như ở các xã Tiến Dũng, Cảnh Thụy, thị trấn Nham Biền, thị trấn Tân An.

Coi nông nghiệp là trụ đỡ của an sinh xã hội, Yên Dũng đi vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, huyện đã có 10 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích hơn 160 ha. Đến cuối năm ngoái, Yên Dũng có 13 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao trở lên…

Không thể không nói đến thành tựu quan trọng này: Vào tháng 10/2021, huyện Yên Dũng đã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Lãng Sơn, Xuân Phú, Tiến Dũng, Tư Mại và Cảnh Thụy. Tiềm năng để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Yên Dũng rất lớn. Có lẽ vì vậy mà huyện đã có Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm; xây dựng mới chùa Thiên Lai, đền Thanh Nhàn, đền vua Lý Thái Tông; cắm mốc quy hoạch và tu bổ Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt những điểm khởi nghĩa Yên Thế chùa Kem (Sùng Nham tự)…

Yên Dũng bây giờ là huyện nhưng trong tương lai rất gần sẽ sáp nhập vào TP Bắc Giang. Tôi nghĩ, có thể rồi đây cái tên Yên Dũng không còn trên bản đồ hành chính tỉnh Bắc Giang nhưng tinh thần Yên Dũng vẫn mãi mãi tỏa sáng. Yên Dũng vẫn mãi là miền đất phì nhiêu, linh thiêng được gói bọc bồi đắp bởi ba sông.

Trong lòng TP Bắc Giang, Yên Dũng vẫn là đất thơm, người lành, sẽ hướng về phía trước bằng những dự định tốt đẹp. Bản lĩnh, văn hiến vùng đất này vốn có nền tảng từ xa xưa, được tích lũy trong sông núi, con người Yên Dũng nói riêng và Bắc Giang nói chung chắc chắn sẽ là nguồn năng lượng không nhỏ tiếp sức cho hành trình tiến bước tới tương lai.

Đất Rồng Phượng đã vỗ cánh rồi thì không lý gì không bay cao, bay xa trong bầu trời đất Việt bao la và cả bên ngoài Tổ quốc mình trong một thế giới hội nhập sâu rộng. Bắc Giang chẳng có biển nhưng không thể không có chân trời khát vọng mênh mông, và mặc nhiên hành trình đi ra “biển lớn” đã, đang được xác quyết và thực hiện bởi nghị lực, trí tuệ, tâm hồn của con người nơi đây.

Tôi tin điều đó trong niềm yêu dấu vùng đất này. Bắc Giang sẽ ra khơi xa, như một con tàu nạp đầy năng lượng sạch, rẽ sóng trùng dương. Trên con tàu đó không thể vắng bóng những thủy thủ cừ khôi sinh ra từ miền đất ba sông - Yên Dũng.

Bút ký của Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/noi-ay-mien-dat-ba-song.bbg