'Nở rộ' xu hướng bán xe ô tô trực tuyến tại Hàn Quốc

Trước sự thành công của nhà sản xuất ô tô điện Tesla, các nhà sản xuất ô tô trên thế giới đang tăng cường áp dụng các nền tảng bán ô tô trực tuyến để phục hồi doanh số bán hàng tại Hàn Quốc.

Một phòng trưng bày sản phẩm của hãng xe Polestar. Nguồn ảnh: sla-group.com

Một phòng trưng bày sản phẩm của hãng xe Polestar. Nguồn ảnh: sla-group.com

Trước sự thành công của nhà sản xuất ô tô điện Tesla, các nhà sản xuất ô tô trên thế giới đang tăng cường áp dụng các nền tảng bán ô tô trực tuyến để phục hồi doanh số bán hàng tại Hàn Quốc trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài.

Năm 2017, Tesla bắt đầu bán xe của hãng thông qua một nền tảng trực tuyến ở Hàn Quốc. Thời điểm đó, nhiều nghi ngờ được đặt ra về tính hiệu quả của việc bán ô tô trực tuyến mà không cần đến đại lý. Tuy nhiên, cách thức mua xe mới lại nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ những khách hàng trẻ quen với giao dịch thương mại điện tử.

Doanh số bán xe của Tesla đã tăng hơn 50% lên 17.828 chiếc vào năm 2021 từ 11.826 chiếc một năm trước đó trước khi giảm 18% xuống 14.571 chiếc vào năm 2022.

Anh Mark Woo (43 tuổi), một người có ảnh hưởng trên YouTube chuyên đánh giá xe điện trên kênh Mark World TV cá nhân, là một trong những người đầu tiên mua các mẫu xe Tesla. Anh Mark Woo đã mua mẫu Model 3 Long Range vào tháng 2/2020 và vào tháng Mười cùng năm anh đã tham gia Buổi trình diễn bàn giao Model 3 sau khi nhượng lại mẫu xe đầu tiên cho bạn mình.

Mẫu xe Model 3 của Tesla được bán với giá từ 60 triệu won đến 70 triệu won (45.000 - 53.000 USD) tại Hàn Quốc, tùy thuộc vào các tính năng và tùy chọn. Theo anh Mark Woo, thời điểm đó, anh buộc phải mua trực tuyến vì mẫu Model 3 chỉ có bán trên trang web của Tesla. Tuy nhiên, việc mua trực tuyến dễ dàng hơn nhiều so với suy nghĩ vì xe điện có ít lựa chọn hơn nhiều so với các mẫu động cơ đốt trong.

Các nhà sản xuất ô tô điện thường cung cấp một sản phẩm tiêu chuẩn với các kích cỡ pin khác nhau và không có nhiều danh sách tùy chọn để tiết kiệm hơn chi phí và tối đa lợi nhuận.

Khi được hỏi liệu có cân nhắc mua các xe tiếp theo trực tuyến hay không, anh Mark Woo khẳng định sẽ tiếp tục bởi lẽ theo anh này mua ô tô trực tuyến tương đối minh bạch và sẽ không làm giảm lòng tin của khách hàng.

Các mẫu xe Model S, Model X và Model Y của Tesla cũng đã được bán tại Hàn Quốc trên hệ thống trực tuyến song hãng này không vận hành nhóm quan hệ công chúng tại Hàn Quốc. Đây là thương hiệu xe điện nhập khẩu duy nhất chưa đăng ký là thành viên của Hiệp hội các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô Hàn Quốc. Tuy nhiên, Tesla vẫn được các nhà sản xuất ô tô khác, những hãng đang muốn bán ô tô trực tuyến, lấy làm hình mẫu.

Không chỉ các thương hiệu nhập khẩu như BMW, Mercedes-Benz và Polestar, mà các thương hiệu nội địa như Hyundai, Renault Korea Motors và GM Korea cũng đã buộc phải chuyển đổi để bắt theo mô hình bán xe trực tuyến.

Tháng 2/2023, GM Korea, chi nhánh Hàn Quốc của General Motors, đã bắt đầu bán mẫu xe bán tải Sierra Denali hàng đầu của thương hiệu GMC thông qua một nền tảng trực tuyến.

Trước đó, tháng 1/2022, thương hiệu xe điện hiệu suất cao của Thụy Điển là Polestar đã tiến vào thị trường Hàn Quốc với mẫu crossover Polestar 2. Doanh số của mẫu xe này đạt 2.794 chiếc vào năm ngoái, cao nhất trong số các mẫu xe điện nhập khẩu, trừ xe Tesla. Polestar có bốn phòng trưng bày mang tên Polestar Space Seoul tại đây và có kế hoạch đưa mẫu SUV hàng đầu Polestar 3 vào quý III/2023.

Người phát ngôn của Polestar cho biết: “Thay vì trải nghiệm mua xe truyền thống mà khách hàng thường tìm thấy tại các đại lý, các chuyên gia tại mỗi Polestar Space sẽ hỗ trợ khách hàng giải đáp mọi thắc mắc hoặc phối hợp lái thử tại chỗ hoặc tại nhà”.

Hyundai Motor, nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Hàn Quốc, không thể khoanh tay ngồi nhìn. Hãng này đã bắt đầu bán mẫu SUV nhỏ chạy bằng xăng hiệu Casper thông qua nền tảng kỹ thuật số từ cuối tháng 9/2021. Cho đến tháng 2/2023, hơn 65.000 chiếc Casper đã được bán. Hyundai cũng đồng thời triển khai bán các mẫu xe điện chạy bằng pin nhiên liệu hydro IONIQ 5, Kona Electric và Nexo thông qua một nền tảng trực tuyến tại Nhật Bản.

Một quan chức trong ngành cho biết, thương mại điện tử là xu hướng của thời đại bùng nổ kỹ thuật số. Giới tiêu dùng trẻ không ngần ngại khi tiến hành mua bán trực tuyến với tất cả các sản phẩm. Vì thế, đã đến lúc cần đẩy mạnh tiện ích mua sắm trực tuyến nếu các hãng xe muốn gia tăng doanh số./.

Khánh Vân (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/no-ro-xu-huong-ban-xe-o-to-truc-tuyen-tai-han-quoc/283805.html