Nỗ lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm tạo dấu mốc đặc biệt trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quyết tâm tạo đột phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức bật mới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội với 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm tạo dấu mốc đặc biệt trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quyết tâm tạo đột phá, tăng tốc trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sức bật mới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2023, nền kinh tế của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nằm ngoài dự báo; tình hình thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh vẫn đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19,... nhưng dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kịp thời của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan trên tất cả các lĩnh vực, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu kiểm tra Dự án Cảng cá Thuận An.

Trong năm 2023, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 13/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, một số chỉ tiêu vượt cao như thu ngân sách đạt 11.350 tỷ đồng, vượt dự toán 14,35%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 31.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,27% (kế hoạch là 2,79%)… Khu vực dịch vụ tăng trưởng 8,64%. Tổng lượt khách du lịch đến Huế đạt 3,3 triệu lượt khách, tăng 56% so với năm 2022, trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 361% so với năm 2022. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.600 tỷ đồng, đạt mục tiêu năm 2023 đề ra. Đặc biệt, Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài được đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, tạo thuận lợi đón các chuyến bay quốc tế cũng như trong nước, mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành du lịch. Các dự án trọng điểm như tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2... được đẩy nhanh tiến độ.

Một trong những điểm sáng của tỉnh là đã giải ngân hoàn thành 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, nằm trong nhóm 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của toàn quốc. Công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Đến nay, đã cấp phép đầu tư cho 25 dự án mới với tổng số vốn đăng ký đạt trên 9.374 tỷ đồng (trong đó, có 8 dự án FDI với vốn đăng ký 134,8 triệu USD). Có gần 700 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký hơn 10.300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, dịch vụ đô thị thông minh được đẩy mạnh. Thừa Thiên Huế vinh dự nằm trong Top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2022. Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao được tổ chức thành công tại Huế. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, khoa học - công nghệ tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu cho biết, Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng với Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là những văn kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh, là cơ sở pháp lý mang tính định hướng cho sự phát triển của tỉnh. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành các chương trình hành động với mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp và lộ trình cụ thể để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, tỉnh tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025.

Ngày 30/12/2023, một tin vui đối với Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế khi Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1745/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế là tổ chức không gian phát triển theo hướng mô hình đô thị trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh; gắn với các hành lang Bắc - Nam và hành lang kinh tế Đông -Tây, hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng.

Theo Quy hoạch, mục tiêu phát triển tổng quát, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 83/NQ-CP của Chính phủ và các thông báo kết luận của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế. Trọng tâm là tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các đề án, quy hoạch quan trọng, nhất là Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế bảo đảm chất lượng, đúng kế hoạch.

Khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục chủ động rà soát, triển khai thực hiện quyết liệt nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy về xây dựng tỉnh trở thành các trung tâm y tế chuyên sâu; giáo dục - đào tạo; văn hóa - du lịch; khoa học - công nghệ và các nghị quyết về chuyển đổi số; giảm nghèo bền vững; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô.

Trong năm 2024, Thừa Thiên Huế phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 8,5-9,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 3.000 USD. Duy trì và nâng cao vị trí xếp hạng PCI nằm trong top 5 và thuộc vào “Nhóm tốt” của cả nước. Hoàn thành dự toán thu ngân sách trên địa bàn đạt 11.789 tỷ đồng, tăng 7,2% so với dự toán địa phương năm 2023; phấn đấu thực hiện thu ngân sách đạt 12.320 tỷ đồng. Phấn đấu đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ du lịch khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng…

“Năm 2024 là năm tăng tốc để đưa cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, ngay từ đầu năm, các sở, ngành, địa phương cần tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc của các dự án, giải phóng năng lực sản xuất, tăng khả năng tiếp cận dự án. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng. Tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tập trung ở các vấn đề nhạy cảm.

Ngoài ra, cần chú trọng giữ gìn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Huế, con người Huế, đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị, lan tỏa mạnh mẽ và đi vào chiều sâu phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; kiềm chế các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là ma túy; triển khai thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung, nỗ lực để đưa huyện A Lưới bảo đảm các điều kiện thoát khỏi huyện nghèo quốc gia…”, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho hay.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/no-luc-xay-dung-thua-thien-hue-tro-thanh-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-i721306/