Nỗ lực thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

Trong những năm qua, việc thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính (MCBGT) khi sinh trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả quan trọng. Thông qua đó, nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng trong thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi được nâng cao, góp phần tạo nền tảng xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển bền vững.

Niềm vui trẻ thơ -Ảnh: N.T

Niềm vui trẻ thơ -Ảnh: N.T

Quan niệm mong muốn có con trai để “nối dõi tông đường” và luôn xem con trai là nguồn lao động chính trong mỗi gia đình nên nhiều gia đình tìm mọi cách để sinh con trai, khiến cho dân số có sự chênh lệch rõ rệt giữa tỉ lệ nam và nữ.

Để dần xóa bỏ tư tưởng, tâm lý này, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đưa mục tiêu khống chế tỉ số giới tính khi sinh vào chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh để chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện.

Xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát MCBGT khi sinh. Công tác truyền thông được triển khai kịp thời, đa dạng với nhiều hình thức, nội dung phong phú, tác động tích cực đến nhận thức của các ban, ngành, đoàn thể các cấp và người dân trong việc khống chế tốc độ gia tăng tỉ số này.

Riêng năm 2023, ngành y tế - dân số tỉnh tích cực phối hợp với Báo Quảng Trị, Đài PT-TH tỉnh, trung tâm văn hóa, thông tin - thể dục, thể thao các huyện, thị xã, thành phố xây dựng nhiều tin, bài, phóng sự và tiểu mục tuyên truyền Đề án Kiểm soát MCBGT khi sinh; đăng tải trên trang facebook của dân số các cấp; phối hợp với các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức 39 buổi ngoại khóa để giáo dục về giới, bình đẳng giới và thông tin về MCBGT khi sinh.

Đồng thời, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể và UBND các xã phường, thị trấn tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin về kiểm soát MCBGT khi sinh tại địa phương; tổ chức 55 hội nghị chuyên đề cung cấp các thông tin về thực trạng, nguyên nhân, hệ lụy của MCBGT khi sinh cho hơn 2.800 thanh niên sắp kết hôn sống tại cộng đồng.

Đặc biệt, một số địa phương chủ động tổ chức các hoạt động nhân sự kiện điển hình như: Trung tâm Y tế Hải Lăng tổ chức hoạt động giao lưu với chủ đề “Là con gái thật tuyệt” giữa các CLB tiền hôn nhân của huyện; Trung tâm Y tế huyện Đakrông tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các CLB tiền hôn nhân trên địa bàn huyện nhân hưởng ứng Ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10...

Ngành y tế - dân số tỉnh đã chủ động lồng ghép phổ biến quán triệt các quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGT khi sinh vào nội dung tập huấn nghiệp vụ dân số cho đội ngũ viên chức dân số cấp huyện, xã.

Tổ chức 12 hội nghị vận động đưa các nội dung kiểm soát MCBGT khi sinh vào hương ước, quy ước của thôn, bản, khu phố cho gần 600 người là đại diện cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và những người có uy tín trong cộng đồng.

Tổ chức 292 buổi nói chuyện chuyên đề phổ biến các quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGT khi sinh cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên chuẩn bị kết hôn, mới kết hôn. Phối hợp với Hội Y - Dược và KHHGĐ tỉnh tổ chức các hội nghị phổ biến quy định của pháp luật về kiểm soát MCBGT khi sinh cho thanh niên tại 4 xã thuộc địa bàn huyện Triệu Phong.

Đặc biệt, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Trị đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát về việc chấp hành các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn thai nhi tại 3 cơ sở y tế có thực hiện dịch vụ siêu âm trên địa bàn.

Chị Đào Thị Vu Lan, viên chức dân số Phường 3, thị xã Quảng Trị chia sẻ: “Để tuyên truyền chính sách dân số hiệu quả, đội ngũ cộng tác viên dân số cần nắm rõ từng hộ, tập trung vào những hộ sinh con một bề là gái để thường xuyên tuyên truyền. Đồng thời, vận động các gia đình tham gia sinh hoạt các hoạt động, CLB tại địa phương. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ khi đến khám tại trạm y tế đều được tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai, không nên lựa chọn giới tính thai nhi...”.

Với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự nỗ lực của cán bộ trong toàn hệ thống dân số từ tỉnh đến cơ sở, đề án đạt được những kết quả đáng khích lệ: tỉ số giới tính năm 2023 được khống chế ở mức 110,43 trẻ nam/100 trẻ nữ, giảm 0,77 điểm % so với năm 2022 (kế hoạch khống chế tỉ số giới tính khi sinh không vượt quá 111,4 trẻ nam/100 trẻ nữ).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai đề án vẫn còn những khó khăn, thách thức mới như một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trọng nam hơn nữ nên đã tạo sức ép trong việc lựa chọn giới tính thai nhi. Nhiều người đã lạm dụng sự phát triển của y học hiện đại để siêu âm lựa chọn giới tính thai nhi theo ý muốn chủ quan.

Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến MCBGT khi sinh... Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh, bác sĩ Nguyễn Hương Chương cho biết: “Để giảm thiểu tình trạng MCBGT khi sinh, thời gian tới, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu MCBGT khi sinh. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với việc giảm thiểu tình trạng MCBGT khi sinh tại cộng đồng, trong đó chú trọng việc tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới, nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát tình trạng MCBGT khi sinh và phát huy hiệu quả quản lý, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Đề án kiểm soát MCBGT khi sinh nhằm khống chế hiệu quả tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, đưa tỉ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an sinh xã hội”.

Ngọc Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/no-luc-thuc-hien-de-an-kiem-soat-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-185572.htm