Nỗ lực thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

Năm học 2022-2023 là năm thứ 3 ngành Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Bằng sự nỗ lực trong triển khai dạy học, đa dạng trong tổ chức các hoạt động giáo dục, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản trị nhà trường, sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học… Qua đó giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản; học sinh làm chủ kiến thức phổ thông; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời.

Học sinh Trường THPT Yên Mô A đọc sách tại thư viện.

Ngày 26/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình GDPT 2018. Để thực hiện Chương trình, từ năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chủ động thực hiện rà soát, sắp xếp đội ngũ nhằm khắc phục tình trạng không cân đối giáo viên ở một số trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học, đáp ứng điều kiện thực hiện; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Thầy giáo Đỗ Văn Đảm, Hiệu trưởng Trường THCS Mai Sơn (Yên Mô) cho biết: Năm học 2022-2023, Trường THCS Mai Sơn có 213 học sinh/7 lớp. Thực hiện Chương trình GDPT 2018, bên cạnh chú trọng chọn, cử giáo viên có năng lực, kinh nghiệm giảng dạy tham gia tập huấn các modul trong Chương trình; đa dạng hóa các hình thức dạy học; nhà trường còn đặc biệt quan tâm tham mưu với địa phương, ngành Giáo dục huyện Yên Mô về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện đại để đáp ứng Chương trình.

Năm học 2022-2023, nhà trường được đầu tư khoảng 15 tỷ đồng xây mới 9 phòng học và phòng bộ môn; đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng sửa chữa 12 phòng học. Qua đó đáp ứng tốt nhất các điều kiện dạy học. Nhiều năm qua, Trường THCS Mai Sơn là điểm sáng về chất lượng giáo dục toàn diện bậc THCS của huyện Yên Mô. Để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh.

Cô giáo Vũ Thị Bích, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) cho biết: Ban Giám hiệu Trường THPT Đinh Tiên Hoàng xác định cuộc thi nghiên cứu KHKT có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển tư duy sáng tạo, ứng dụng thực tế của học sinh và giúp các em có điều kiện tiếp cận với kiến thức thực tế, gắn liền kiến thức thực tế với kiến thức học trên lớp, góp phần giúp học sinh hoàn thành kỹ năng và năng lực tốt hơn. Nhà trường luôn đồng hành cùng học sinh trong nghiên cứu KHKT.

Trong những năm qua, nhà trường luôn đứng trong tốp đầu các trường THPT có kết quả dự thi KHKT cấp tỉnh cao nhất, có sản phẩm tham gia dự thi và đạt giải cấp quốc gia. Năm học 2022-2023, nhà trường có 4 dự án xuất sắc đã đạt giải cao tại Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học (đạt 3 giải nhì và 1 giải ba), toàn trường xếp thứ 3 toàn tỉnh. Thực hiện việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh ở các cấp học, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên nghiên cứu và triển khai thực hiện Thông tư số 27 ngày 4/9/2020 và Thông tư số 22 ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực đánh giá học sinh cho các cơ sở giáo dục, tổ chức rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm và khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện đổi mới đánh giá học sinh, đặc biệt quan tâm đánh giá thường xuyên các môn học và hoạt động giáo dục, thiết kế đề kiểm tra định kỳ... Chỉ đạo các trường thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.

Đồng chí Dương Thị Kim Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư) cho biết: Năm học 2022-2023, Trường có 535 học sinh/15 lớp. Sau gần 3 năm triển khai đánh giá học sinh theo Thông tư mới, học sinh Tiểu học được đánh giá định kỳ bằng điểm số kết hợp với nhận xét. Giáo viên được linh hoạt trong đánh giá thường xuyên nhưng chủ yếu thông qua lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chỗ chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có các biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời. Đề kiểm tra định kỳ phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng được thiết kế theo 3 mức, gồm nhận biết, kết nối, vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới (giảm 1 mức so với trước).

Bên cạnh đó, Thông tư số 27 quy định hình thức "Thư khen" nhằm động viên kịp thời những học sinh có thành tích, cố gắng trong quá trình học tập, rèn luyện phẩm chất, năng lực hoặc có những việc làm tốt. Điều này giúp các em có thêm động lực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức để không ngừng tiến bộ.

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình GDPT 2018, chất lượng giáo dục được nâng lên, phát huy được năng lực, phẩm chất học sinh. Học sinh biết tự học và giải quyết các vấn đề đơn giản, tích cực, chủ động, sáng tạo, mạnh dạn, tự tin trong học tập và giao tiếp, tăng cường khả năng vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống. Giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu giảng dạy Chương trình GDPT 2018. Các thiết bị dạy học trang bị cho các trường học được sử dụng hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Đối với cấp Tiểu học, toàn tỉnh có 153 phòng học bộ môn tin học với 2.598 máy vi tính, tỷ lệ đáp ứng theo quy định đạt 59,3%; tỷ lệ bàn ghế học sinh đạt chuẩn đáp ứng theo quy định đạt 83%. Cấp THCS, tỷ lệ đáp ứng theo quy định đạt 54,5%; tỷ lệ bàn ghế học sinh đạt chuẩn đáp ứng theo quy định đạt 81%. Cấp THPT, tỷ lệ đáp ứng theo quy định đạt 74,3%; tỷ lệ bàn ghế học sinh đạt chuẩn đáp ứng theo quy định đạt 74,2%. Thiết bị dạy học tối thiểu các lớp thực hiện Chương trình GDPT cơ bản đáp ứng được yêu cầu tối thiểu theo quy định.

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/no-luc-thuc-hien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018/d20230309083315802.htm