Nỗ lực thả viện trợ của Mỹ xuống Gaza bị cựu giám đốc USAID chê là 'làm màu'

Các máy bay chở hàng của quân đội Mỹ đã bắt đầu thả thực phẩm xuống Gaza ngày 2/3 (giờ địa phương), trong khi đó, các nhóm nhân đạo chỉ trích Israel vì đã chặn việc tiếp cận khu vực bị bao vây này.

Mỹ thả hàng viện trợ xuống Gaza. Ảnh AP.

Theo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, quân đội nước này cùng với lực lượng không quân Jordan “đã tiến hành một đợt thả hỗ trợ nhân đạo kết hợp vào Gaza nhằm cung cấp cứu trợ cần thiết cho dân thường bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột đang diễn ra”.

Các máy bay vận tải quân sự C-130 “đã thả hơn 38.000 suất ăn dọc theo bờ biển Gaza, cho phép dân thường tiếp cận hàng viện trợ quan trọng”, khi khu vực này phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo sau gần 5 tháng chiến tranh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden một ngày trước đó đã thông báo về kế hoạch thả viện trợ của Mỹ sau vụ việc hơn 100 người Palestine thiệt mạng ở phía Bắc Gaza trong khi xếp hàng nhận viện trợ.

Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby ngày 1/3 khẳng định Mỹ sẽ thực hiện nhiều đợt thả viện trợ trong vài tuần tới với sự phối hợp của Jordan.

Ông Kirby cho biết việc thả viện trợ có lợi thế hơn so với xe tải vì máy bay có thể chuyển hàng viện trợ đến một khu vực cụ thể một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, về mặt khối lượng, phương thức này sẽ là “sự bổ sung chứ không phải sự thay thế cho việc vận tải đường bộ”.

Dù vậy, động thái của Mỹ bị chỉ trích là không hiệu quả và chỉ đơn giản là một hành động mang tính “quan hệ công chúng”.

Dave Harden, cựu giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Bờ Tây, nhấn mạnh: “Các đợt thả hàng viện trợ chỉ mang tính hình thức và được thiết kế theo cách nhằm xoa dịu người dân trong nước. Thực sự điều cần phải làm là mở thêm nhiều con đường và nhiều xe tải đi vào Gaza hơn mỗi ngày.”

“Tôi nghĩ hành động của Mỹ chưa đủ quyết liệt và điều đó thực sự làm tôi thất vọng”, ông Harden nói thêm, trong khi Mỹ đủ khả năng buộc Israel mở thêm lối đi cho hàng viện trợ.

Tổ chức từ thiện Hỗ trợ Y tế cho người Palestine (MAP) có trụ sở tại Anh cũng đồng tình với tuyên bố của ông Harden, cho rằng, Mỹ, Anh và các nước khác nên có động thái để “đảm bảo rằng Israel ngay lập tức mở tất cả các cửa khẩu vào Gaza để nhận viện trợ”.

Bộ Ngoại giao Palestine cũng chỉ trích Mỹ hành động như một “quốc gia yếu đuối, bên lề” không thể đảm bảo viện trợ cho người Palestine.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/no-luc-tha-vien-tro-cua-my-xuong-gaza-bi-cuu-giam-doc-usaid-che-la-lam-mau-i724175/