Nỗ lực ổn định giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu

Từ tháng 7/2023, việc tăng lương cơ sở cộng với giá xăng liên tục tăng đã khiến cho giá cả nhiều mặt hàng hóa thiết yếu 'leo thang'. Trước thực tế đó, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Từ tháng 7/2023, việc tăng lương cơ sở cộng với giá xăng liên tục tăng đã khiến cho giá cả nhiều mặt hàng hóa thiết yếu “leo thang”. Trước thực tế đó, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.

Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá bán tăng nhẹ

Qua tìm hiểu thị trường các mặt hàng thiết yếu cho thấy, hàng hóa tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích khá dồi dào. Nhiều đơn vị đang tích cực triển khai các chương trình khuyến mại hấp dẫn, nhất là đối với những mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao để kích cầu sức mua như: gạo, nước giặt, dầu gội đầu, sữa tắm, dầu ăn, nước mắm, sữa tươi, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, hoa quả… Qua đó, góp phần bình ổn giá và kiểm soát lạm phát. Đơn cử như hệ thống cửa hàng của siêu thị Vinmart+, trung bình 15-20 ngày, các cửa hàng đều “chạy” chương trình khuyến mại mới, trong đó, tập trung vào những mặt hàng hóa mỹ phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu với mức giảm giá mạnh lên tới 50% hay áp dụng hình thức “mua 1 tặng 1”… Chị Nguyễn Thị Trang, cửa hàng trưởng cửa hàng Vinmart+ tại xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý cho biết: Từ tầm tháng 7 trở lại đây, giá bán các mặt hàng hóa thiết yếu như gạo, dầu ăn, nước mắm… có sự tăng giá đáng kể. Tuy nhiên, để trợ giá cho người tiêu dùng và góp phần bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường, hệ thống các cửa hàng của Vinmart+ vẫn cơ bản giữ ổn định giá bán. Ngoài ra, Vinmart+ còn liên tục bổ sung nguồn hàng đầy đủ trong các thời điểm và triển khai các hình thức khuyến mại, giảm giá để tăng sức mua.

Khách hàng chọn mua gạo tại một cửa hàng trên Đường Lê Công Thanh, thành phố Phủ Lý. Ảnh: Hân Hân

Tại các chợ truyền thống, các loại hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm cũng được bày bán dồi dào với giá cả có xu hướng tăng nhẹ. Theo kết quả khảo sát các chợ Phường Lê Hồng Phong, chợ Quy Lưu, chợ Bầu (thành phố Phủ Lý), giá thịt lợn có xu hướng tăng. Theo đó, giá bán thịt nạc thăn, nạc mông, thịt ba chỉ, thịt nạc vai, sườn ở mức 145-155.000 đồng/kg, tăng 10-15.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 6 trở về trước. Cùng với đó, giá giò, chả lợn cũng tăng xấp xỉ 10.000 đồng/kg. So với trước, từ tháng 7, giá bán các loại gạo cũng tăng từ 10-20.000 đồng/yến (tùy loại). Các loại hoa quả như cam, dưa hấu, dưa lưới vàng, táo, nho… đều tăng từ 10-15%. Còn hàng công nghệ phẩm chế biến như dầu ăn, đường, nước mắm… cũng có giá bán tăng 10-15%. Chị Lại Thị Luận – một tiểu thương bán gạo, nhu yếu phẩm thiết yếu tại chợ Phường Lê Hồng Phong cho biết: Khoảng 2 tháng trở lại đây, giá nhập vào của hầu hết các mặt hàng thiết yếu đều tăng, nhất là gạo, nước mắm, dầu ăn… Bên cạnh đó, giá gạo tăng cao trong những tháng gần đây cũng khiến các sản phẩm chế biến từ gạo như bún, phở khô… đồng loạt tăng giá. Thế nhưng, mức giá bán ra tôi vẫn cố gắng giữ ổn định nhất, mức tăng giá bán chưa áp dụng tương xứng với giá nhập vào. Sở dĩ tôi phải giảm lãi để “giữ chân” khách hàng là bởi đối tượng khách hàng của tôi chủ yếu là khách quen và là công nhân lao động có mức thu nhập trung bình, thấp.

Nỗ lực bình ổn giá

Cuối tháng 8/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 348/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về định hướng công tác quản lý, điều hành giá những tháng cuối năm 2023. Thông báo chỉ rõ, để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát trong bối cảnh dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần, biện pháp chung là các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý; chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, không để đứt gãy nguồn cung, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết cuối năm, mùa du lịch khi nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao. UBND các tỉnh, thành phố chủ động thực hiện quản lý nhà nước đối với các mặt hàng theo thẩm quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Bộ Công thương cũng đã ban hành Chỉ thị gửi các đơn vị, yêu cầu ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo.

Tại Hà Nam, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng đã tích cực theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, đặc biệt là những hàng hóa thực hiện bình ổn giá như xăng dầu, vật tư xây dựng, cước phí vận tải, nguyên liệu đầu vào của nông nghiệp, giá một số thiết bị vật tư, y tế, giáo dục… Theo đánh giá của các ngành chức năng, giá cả các mặt hàng hầu hết đều có xu hướng biến động tăng do ảnh hưởng của việc tăng lương cơ sở và giá xăng, dầu. Thông qua việc kiểm tra, kiểm soát kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhận thức của các tiểu thương, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên. Từ đầu năm đến nay, hầu hết các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh thực hiện nhập hàng về đến đâu tiêu thụ đến đó, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến. Qua trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh được biết, trước tình trạng giá cả hàng hóa thiết yếu có xu hướng gia tăng trong thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp tuyên truyền, ký cam kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh về việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, thực hiện nghiêm việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Trong 9 tháng năm 2023, qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 636 vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó số vụ vi phạm về lĩnh vực giá chiếm tỷ lệ khoảng 60% tổng số vụ vi phạm với các hành vi vi phạm chủ yếu là: không thực hiện niêm yết giá bán, niêm yết giá không đúng thời gian theo quy định.

Để tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá hàng hóa, Sở Công thương Hà Nam cũng đang theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả hàng hóa, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông hàng hóa, dịch vụ, góp phần kiềm chế lạm phát. Sở khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, cung ứng đủ nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong những tháng cuối năm, bảo đảm không để xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn hàng, tăng giá đột biến, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Đặc biệt, đối với mặt hàng hóa thiết yếu là xăng dầu, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công thương, Sở Công thương Hà Nam đã và đang tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh; trong đó chú trọng kiểm tra việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ…

Nguyễn Oanh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/no-luc-on-dinh-gia-ca-hang-hoa-tieu-dung-thiet-yeu-105200.html