Nỗ lực nối lại tiến trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, ông Sung Kim hôm 19/6 đã tới Hàn Quốc để hội đàm với những người đồng cấp nước chủ nhà và Nhật Bản nhằm xây dựng một chiến lược chung giữa Washington, Seoul và Tokyo để nối lại tiến trình đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Chuyến đi này của ông Sung Kim được đánh giá là tín hiệu cho thấy Mỹ đã sẵn sàng tái can dự với Triều Tiên.

Đây là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của ông Sung Kim trên cương vị Đặc phái viên hạt nhân của Mỹ sau khi được bổ nhiệm vào tháng trước. Tháp tùng ông là Phó Đặc phái viên Jung Pak và đại diện của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. Phát biểu ngay khi đặt chân đến sân bay quốc tế Incheon, ông Sung Kim cho biết, ông rất mong muốn có "cuộc gặp hiệu quả" với những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản.

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ông Sung Kim. Ảnh: Korea Herald

Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ông Sung Kim. Ảnh: Korea Herald

Đề cập tới chuyến thăm này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Đặc phái viên hạt nhân Mỹ dự kiến sẽ gặp song phương với người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk và tham gia cuộc họp ba bên với Đặc phái viên hạt nhân của Nhật Bản Takehiro Funakoshi vào ngày 21/6.

Các cuộc đàm phán sắp tới diễn ra trong bối cảnh có những quan ngại cho rằng các nỗ lực đối thoại với Bình Nhưỡng có thể mất đi giá trị nếu Seoul và Washington triển khai đợt tập trận quân sự chung mùa Hè thường niên và chiến dịch bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng cho biết trong thời gian ở Seoul, ông Sung Kim sẽ có kế hoạch gặp gỡ nhiều quan chức cấp cao khác của Hàn Quốc và các thành viên của giới học thuật và xã hội dân sự để thảo luận về kết quả của quá trình đánh giá chính sách về Triều Tiên gần đây của Mỹ.

Chuyến thăm diễn ra chỉ vài ngày sau thông điệp đầu tiên của Triều Tiên gửi đến chính quyền mới ở Mỹ kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua về việc Bình Nhưỡng nên sẵn sàng cho cả kịch bản đối thoại và đối đầu với Mỹ, đặc biệt cần "chuẩn bị đầy đủ" cho kịch bản đối đầu, đồng thời nhấn mạnh "kiểm soát ổn định" tình hình Bán đảo Triều Tiên.

Trước đó vào cuối tháng 4, Mỹ tuyên bố đã hoàn tất quá trình đánh giá chính sách kéo dài nhiều tháng và cho biết sẽ theo đuổi cách tiếp cận "hiệu chỉnh, thực tế" nhằm hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Moon Jae-in diễn ra vào ngày 21/5, hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh vai trò cốt lõi của ngoại giao và đối thoại trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Ngay trước thềm cuộc gặp này, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ khẳng định chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng sẽ kế thừa "Thỏa thuận Singapore" và các thỏa thuận khác được ký giữa các chính quyền tiền nhiệm với Triều Tiên. Ông Kurt Campbell - người điều phối chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Nhà Trắng - khẳng định rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden "đã tiến hành phân tích kỹ lưỡng" tất cả những gì mà các chính quyền tiền nhiệm đã thử nghiệm trước đây.

Quan chức phụ trách điều phối chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ nhấn mạnh rằng chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Triều Tiên "không hề mang tính thù địch mà hướng đến việc tìm ra các giải pháp". Đồng quan điểm này, phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter khẳng định mục tiêu của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.

Theo giới chuyên gia, những tồn đọng từ thời chính quyền ông Donald Trump giờ trở thành những vấn đề về mặt ngoại giao đối với đương kim Tổng thống Joe Biden. Với kỳ vọng người đứng đầu Nhà Trắng sẽ không từ bỏ mục tiêu "phi hạt nhân hóa hoàn toàn", nỗ lực thu hẹp mối đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời đưa ra được một chính sách đối ngoại hiệu quả hơn, họ đặt câu hỏi: Tổng thống Joe Biden sẽ giải "bài toán" Triều Tiên như thế nào?

Ông Eric Brewer, từng là chuyên gia về chính sách Triều Tiên tại Hội đồng An ninh Quốc gia thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, chia sẻ: "Chiến lược của chính quyền Tổng thống Joe Biden về Triều Tiên có thể sẽ mở ra một cách tiếp cận nhằm kiềm chế những năng lực của Bình Nhưỡng. Ngay cả khi mục tiêu phi hạt nhân hóa vẫn là một thành tố của chiến lược này, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ vẫn để ngỏ những giải pháp mang tính tạm thời hơn nhằm giảm thiểu mối đe dọa".

Theo một quan chức Mỹ thời chính quyền ông Donald Trump, chính quyền ông Joe Biden cũng có kế hoạch tìm cách củng cố mối quan hệ ba bên Mỹ - Nhật - Hàn. Việc bộ ba có thể xúc tiến các cuộc đối thoại với Triều Tiên hay không còn phụ thuộc vào thái độ của Bình Nhưỡng. Trở lại với ông Eric Brewer, chuyên gia này cho rằng, mặc dù phi hạt nhân hóa vẫn là một mục tiêu dài hạn, song Mỹ có thể nỗ lực thuyết phục Bình Nhưỡng chấp nhận những hạn chế về hoạt động chế tạo và thử nghiệm vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc gỡ bỏ các đòn trừng phạt quốc tế.

Khổng Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/quoc-te/no-luc-noi-lai-tien-trinh-dam-phan-hat-nhan-voi-trieu-tien-646624/