Nỗ lực ngăn làn sóng di cư

Di cư là bài toán khó đeo đẳng, gây chia rẽ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) suốt nhiều năm qua. Trước sức ép ngày càng tăng từ làn sóng người di cư trái phép, các nhà lãnh đạo EU mới đây đã nhất trí áp dụng quy định nghiêm ngặt hơn, trong đó có thể trục xuất các trường hợp xin tị nạn bị từ chối.

Những người di cư được cứu sống trong một vụ chìm thuyền ở Italia.

Những vụ người di cư trái phép chết trong các thùng xe tải hay trong các vụ đắm thuyền trên biển xảy ra mỗi ngày ở khu vực châu Âu, gióng lên hồi chuông cảnh báo về một cuộc khủng hoảng di cư quy mô lớn. Theo các chuyên gia, một số quốc gia thành viên EU đang phải đối mặt làn sóng người nhập cư và đơn xin tị nạn tương đương con số thống kê trong cuộc khủng hoảng di cư hồi năm 2015-2016.

Năm 2022, số đơn đăng ký xin tị nạn vào EU tăng vọt, với 966.000 đơn, tăng 50% so với năm 2021 và cũng là mức cao nhất được ghi nhận kể từ năm 2016. Người Syria và Afghanistan chiếm phần lớn trong số những người xin tị nạn vào EU. Đáng chú ý là, trong số các đơn xin tị nạn vào EU trong năm 2022, số trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm cũng ở mức cao nhất kể từ năm 2015.

Thực trạng nêu trên đã đặt nhiều quốc gia châu Âu trước sức ép phải ngăn chặn làn sóng di cư, vốn đe dọa nghiêm trọng tình hình an ninh và an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Mặc dù EU đã dành khoảng 6 tỷ euro để bảo vệ biên giới của khối trong giai đoạn 2021-2027, song một số quốc gia, trong đó có Áo, kêu gọi EU tiếp tục tài trợ để tăng cường hàng rào dọc biên giới nhằm hạn chế dòng người xin tị nạn.

Tuy nhiên, cho đến nay, Ủy ban châu Âu (EC) vẫn tỏ ra miễn cưỡng vì cho rằng ý tưởng xây dựng tường và hàng rào dây thép gai không phải là một giải pháp phù hợp.

Các nhà lãnh đạo EU mới đây đã đạt được thỏa thuận, theo đó một quốc gia trong khối có thể sử dụng phán quyết của tòa án ở một quốc gia thành viên khác để trục xuất người di cư trái phép trở về chính nước xuất xứ. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn khả năng người di cư đến một quốc gia khác để xin tị nạn sau khi bị quốc gia đầu tiên từ chối tiếp nhận. Lãnh đạo các nước EU cũng tiếp tục kêu gọi EC huy động ngay lập tức các quỹ để tăng cường biên giới ngoại khối bằng cách củng cố hạ tầng, bổ sung phương tiện giám sát trên không...

Italia, một trong những điểm đến hàng đầu của người di cư trái phép tới châu Âu, vừa có bước đi cứng rắn. Theo đó, Thượng viện Italia chính thức thông qua luật dựa trên sắc lệnh hạn chế hoạt động tìm kiếm cứu nạn người di cư của các tổ chức phi chính phủ. Sắc lệnh nêu trên, do Chính phủ của Thủ tướng Giorgia Meloni (G.Mê-lô-ni) ban hành, yêu cầu các tàu từ thiện di chuyển và cập cảng không chậm trễ sau khi giải cứu được người di cư, thay vì lênh đênh trên biển để tìm kiếm thêm các thuyền chở người di cư gặp nạn khác.

Tuy nhiên, việc triển khai luật mới vấp phải sự quan ngại từ Liên hợp quốc và nhiều tổ chức nhân đạo. Sự cứng rắn của Italia là điều dễ hiểu bởi từ đầu năm 2023 tới nay, đã có 12.667 người di cư trái phép bằng đường biển đến quốc gia này, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Thứ trưởng Nội vụ Italia Nicola Molteni (N.Môn-tê-ni) nhấn mạnh, việc không kiểm soát được vấn đề nhập cư bất hợp pháp sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy như lao động bất hợp pháp, tội phạm...

Mâu thuẫn về vấn đề di cư đã trở nên gay gắt ở châu Âu kể từ giai đoạn 2015-2016, thời điểm phải tiếp nhận tới hơn 1 triệu người tị nạn, trong đó hầu hết là người Syria. Cho đến nay, vấn đề này vẫn gây tranh cãi và mỗi bên liên quan đều đang cố gắng bảo lưu quan điểm của mình. Dù những biện pháp siết chặt kiểm soát dòng người di cư đã được đưa ra, song EU vẫn cần thúc đẩy các cuộc thảo luận mang tính xây dựng hơn để tìm ra biện pháp hài hòa với các bên.

NAM LONG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/no-luc-ngan-lan-song-di-cu-post741454.html