Nỗ lực ngăn chặn 'thảm họa hạt nhân' tại Ukraine

Cuộc xung đột tại Ukraine đã kéo dài gần 6 tháng và hiện vẫn chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Trong những ngày qua, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm ở phía Nam Ukraine đang là tâm điểm chú ý khi các bên liên tục đổ lỗi cho nhau leo thang chiến sự tại đây.

Cả Liên Hợp Quốc, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đã yêu cầu vào cuộc trước lo ngại các hoạt động quân sự gia tăng có thể dẫn đến một thảm họa hạt nhân.

NỖ LỰC NGĂN CHẶN “THẢM HỌA HẠT NHÂN”

Ông RAFAEL GROSSI, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA): “Mọi thứ chỉ còn được tính bằng giờ, tình hình đã rất nghiêm trọng, IAEA cần phải được cho phép tới Zaporizhzhia càng sớm càng tốt để thực hiện nhiệm vụ của mình.”

Ông VASSILY NEBENZIA, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ để giải quyết mọi vấn đề về khâu tổ chức. Chúng tôi tin rằng các đại diện của IAEA đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia càng sớm càng tốt và hợp lý nhất là trước cuối tháng 8.”

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã phải tổ chức một phiên họp khẩn cấp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, trước những cáo buộc lẫn nhau của Nga và Ukraine về các vụ tấn công nhằm vào nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu này. Đề xuất về việc triển khai một khu phi quân sự gần nhà máy này đã được đưa ra.

Mới nhất hôm qua, Cơ quan năng lượng hạt nhân Energoatom của Ukraine cáo buộc Nga pháo kích nhà máy điện hạt nhân làm hỏng trạm bơm nước thải và cảm biến bức xạ. Trong khi đó, chính quyền khu vực Zaporizhzhia do Nga thành lập đã cáo buộc quân đội Ukraine bắn 10 quả đạn pháo vào nhà máy điện hạt nhân này.

Trước tình hình căng thẳng hiện nay, các nhà lãnh đạo kêu gọi Nga và Ukraine ngay lập tức cho phép các chuyên gia hạt nhân đánh giá thiệt hại và đánh giá an toàn và an ninh tại nhà máy điện hạt nhân, nhằm tránh xảy ra thảm họa hạt nhân đối với loài người, đặc biệt là với những người dân đang sống trong vùng chiến sự giao tranh.

LIỆU CÓ NGUY CƠ THẢM HỌA THẬT SỰ XẢY RA?

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nằm trong quyền kiểm soát của Nga kể từ tháng 3, sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, nhà máy vẫn do các kỹ thuật viên Ukraine vận hành.

Trên thực tế, dù những cáo buộc và lo ngại đang hiển hiện, các chuyên gia vẫn lên tiếng cho rằng, tình hình hiện nay tại Zaporizhzhia không thật sự phát đi cảnh báo về một thảm họa trên toàn châu Âu. Theo ông Leon Cizelj, Chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Châu Âu, rủi ro do pháo kích được hạn chế do các lò phản ứng được bảo vệ bởi lớp bê tông dày tới 10 mét. Ông James Acton, đồng giám đốc chương trình chính sách hạt nhân tại tổ chức Carnegie Endowment for International Peace, đồng ý rằng pháo kích không phải là rủi ro thực sự, mà có thể chỉ là nguy cơ đối với tính dễ bị tổn thương của hệ thống làm mát tại nhà máy.

Vậy tại sao Nga và Ukraine lại cáo buộc lẫn nhau và nhấn mạnh nguy cơ thảm họa?

Bình luận về động thái này, các chuyên gia Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho rằng: ý tưởng về một vụ tai nạn hạt nhân nghe rất đáng sợ - nó sẽ thu hút sự chú ý của thế giới.

Đối với Nga, đó là một cách để “nâng cao quan điểm nhằm làm tăng mối quan tâm, để làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiếp tục chiến dịch quân sự”. Đây cũng có thể là một chiến lược nhằm “đánh vào nỗi lo của phương Tây về một thảm họa hạt nhân, làm suy giảm ý chí của phương Tây trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine”.

Còn với Ukraine, mục đích có thể là tạo “sự cảm thông của công chúng” xung quanh việc nhà máy điện của họ bị Nga kiểm soát.

Nhìn chung, nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân ở đây là không nhiều. Và cuối cùng, bên nào được lợi hơn trong “cuộc khẩu chiến” và đổ lỗi này thì thời gian sẽ trả lời.

Thực hiện : Hồng Nhung

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/no-luc-ngan-chan-tham-hoa-hat-nhan-tai-ukraine