Nỗ lực không ngừng để phát triển

Hiện nay, ngoài nhóm doanh nghiệp (DN) chủ lực của tỉnh, còn có DN tiềm năng; DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang khởi nghiệp. Để có cơ hội phát triển và vươn xa, ngoài sự hỗ trợ của ngành chức năng, rất nhiều đơn vị đã và đang nỗ lực đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm bắt kênh kết nối tiêu thụ.

Doanh nghiệp khởi nghiệp đang tích cực chuyển mình

Doanh nghiệp khởi nghiệp đang tích cực chuyển mình

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân, hàng hóa hiện nay rất đa dạng và phong phú. Chỉ tính trong nội địa đã có sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường và trong tiêu dùng sản phẩm, tiêu thụ hàng hóa. Ngoài ra, luồng hàng từ nước ngoài đổ vào tập trung theo thị hiếu của người tiêu dùng cũng đáng kể.

Điều này cho thấy sự cạnh tranh giữa DN khá gay go và quyết liệt. Bao bì mẫu mã rất quan trọng, kế đến là khẩu vị và tập quán của người tiêu dùng, cuối cùng là giá cả quyết định. Hàng hóa được ngành công thương tạm chia 3 kênh phân phối, gồm: Xuất khẩu; thông qua DN, tập đoàn để đưa vào hệ thống phân phối quốc gia; kết nối các tỉnh thông qua đại lý.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nông Phát Đạt (huyện Chợ Mới) là một trong số DN khởi nghiệp được đánh giá năng động, chuyên sản xuất sản phẩm chế biến sau gạo. Bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng (Giám đốc công ty) cho biết, đơn vị hoạt động theo phương thức cung cấp vật tư cho nông dân, thu mua lúa và sản xuất đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó, trà gạo lứt, thanh gạo lứt, bánh gạo lứt, cơm cháy gạo lứt… được thị trường đón nhận tích cực.

Công ty chủ động giới thiệu đến các DN trong và ngoài tỉnh bằng nhiều hình thức, đảm bảo khi đối tác cần mua nguyên liệu sẽ cung cấp theo đơn hàng, không giới hạn số lượng. Gần đây nhất, qua Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa tỉnh An Giang và Đắk Lắk, công ty ký ghi nhớ với 1 đơn vị chuyên cung cấp hạt macca để đưa thêm nguyên liệu này vào sản phẩm bánh thuyền ngũ cốc. Nhờ vậy, DN hợp tác cùng nhau hỗ trợ đầu ra tốt hơn.

Bắt đầu nghiên cứu thành công công nghệ sau thu hoạch từ năm 2003 và thành lập DN năm 2007, đến nay, “vua lò sấy” Dương Xuân Quả cung cấp máy sấy đến hàng chục tỉnh, thành phố trong cả nước. Lợi thế trong hoạt động của Công ty TNHH MTV công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả ở chỗ, giá thành rẻ, chi phí sản xuất được tiết giảm, ít hao điện và chất đốt.

Không dừng lại ở đó, năm 2017, ông Dương Xuân Quả nghiên cứu ra dòng máy sấy hạt sử dụng cho hộ gia đình. Dây chuyền sấy, gồm: Bồn rửa loại bỏ nhựa và hạt kém chất lượng, làm sạch vi khuẩn, máy phân loại kích cỡ, hệ thống sấy đặc biệt.

“Máy của chúng tôi khác biệt ở chỗ, bảo đảm hạt macca không bị nứt, rút ngắn thời gian sấy, ít hao điện, sản phẩm giòn, thơm như ý. Trong lĩnh vực sấy, tôi còn nghiên cứu dầu macca dưỡng da, vỏ làm bột tẩy tế bào chết, bã được tách dầu trở thành tinh bột giàu dinh dưỡng. Tôi mong muốn hợp tác được với DN xuất khẩu, để đưa sản phẩm của công ty ra thị trường nước ngoài” - ông Dương Xuân Quả chia sẻ.

Bên cạnh đó, từ đà khởi nghiệp ban đầu, nhiều DN còn định hướng phát triển theo hướng đa dạng dịch vụ, sản phẩm. Điển hình, Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thái Minh Nguyên được biết đến với sản phẩm trà kim ngân hoa, có 2 dòng sản phẩm dạng túi lọc và 100% nụ hoa. Đại diện công ty cho biết, quy trình sản xuất trà kim ngân hoa theo tiêu chuẩn của bác sĩ đông y, đem lại nguồn dược liệu chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng. Công nhân hái hoa từ buổi sáng, nụ hoa sau khi rửa sẽ đem vào sấy lạnh.

Trên vùng nguyên liệu ở huyện Chợ Mới, trong tương lai, công ty sẽ phát triển thành nơi điều trị bệnh và nghỉ dưỡng. Vườn thuốc trồng dược liệu và rau sạch, có phòng khám đông y, người dân được sử dụng kết hợp sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh, sản phẩm dược liệu theo hướng chăm sóc sức khỏe lành mạnh.

Chọn lập nghiệp và phát triển trà xạ đen - sản phẩm không phải mới lạ trên thị trường, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Thảo An Khang chú trọng vào sự khác biệt và sáng tạo.

Theo chị Quách Yến Phượng (Giám đốc công ty), xạ đen trồng phổ biến ở nhiều tỉnh. Riêng tại An Giang, xạ đen trồng thuần tự nhiên trên đỉnh núi Cấm. Đặc điểm ở đây là “núi giữa đồng bằng”, đất khoáng sản, điều kiện nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá cao, nhờ đó xạ đen có vị và dược tính đặc biệt hơn.

Qua tham dự các đợt xúc tiến đầu tư của tỉnh, sự kiện quảng bá sản phẩm, chị Phượng gặp khá nhiều DN sản xuất thực phẩm. Công ty kết hợp với 1 DN sản xuất cà-phê để cung cấp gói quà ra thị trường. Chị Phượng còn có ý tưởng khai thác thêm sản phẩm tương đồng trong nhóm, bằng cách kết hợp giữa các DN, kỳ vọng kết nối nhiều nguồn để sản phẩm đến tay khách hàng dưới dạng combo, gói quà…

Thời gian qua, DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới tiềm năng. Các chương trình kết nối, xúc tiến của tỉnh đã giúp DN nhỏ, DN mới thành lập có cơ hội đưa hàng hóa vào thị trường thuận lợi hơn. Phát huy khả năng tự lực, DN cũng tích cực lắng nghe phản hồi từ nhiều phía để cải thiện sản phẩm, nâng cao năng lực sản xuất, hướng đến đảm bảo liên tục trong chuỗi phân phối.

-MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/no-luc-khong-ngung-de-phat-trien-a362884.html