Nỗ lực khắc phục hậu quả lũ

Với phương châm lũ rút đến đâu thì lau dọn đến đó, các địa phương bị lũ 'ngâm' trong mấy ngày qua như được giải thoát khỏi cảnh 'giam cầm' lại phải ra sức khắc phục hậu quả. Người dân vùng lũ lại gồng mình lau dọn bùn đất phù sa, dọn dẹp với cơ man nào là rác do lũ mang về.

Với phương châm lũ rút đến đâu thì lau dọn đến đó, các địa phương bị lũ “ngâm” trong mấy ngày qua như được giải thoát khỏi cảnh “giam cầm” lại phải ra sức khắc phục hậu quả. Người dân vùng lũ lại gồng mình lau dọn bùn đất phù sa, dọn dẹp với cơ man nào là rác do lũ mang về.

CAH Hương Khê (Hà Tĩnh) dọn dẹp vệ sinh tại trường MN Hà Linh.

CAH Hương Khê (Hà Tĩnh) dọn dẹp vệ sinh tại trường MN Hà Linh.

Tích cực hỗ trợ nhân dân

Tại Hà Tĩnh - Sau một đêm không còn mưa, từ sáng 6- 9, nước lũ bắt đầu rút ở các xã Hương Đô, Lộc Yên, Hà Linh, Hương Giang (H.Hương Khê). Nước lũ rút để lại cảnh hoang tàn, xơ xác ở nhiều thôn, làng. Các ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh khẩn trương tổ chức các đoàn cứu trợ đưa nhu yếu phẩm cung cấp cho người dân, tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND H.Hương Khê Lê Quốc Huấn cho biết, hiện nước lũ đang rút, trước mắt, huyện đã huy động lực lượng tại chỗ, các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, lực lượng thanh niên tình nguyện để hỗ trợ nhân dân vùng lũ dựng lại nhà tạm, sửa chữa nhà bị hỏng, nhất là đối với các trường học, trạm xá, công sở để từng bước trở lại ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho học sinh đến trường sớm nhất.

Ngay sau khi lũ rút, CAH Hương Khê đã huy động gần toàn bộ CBCS trong đơn vị đến các xã bị ngập lụt để hỗ trợ, dọn dẹp, lau chùi phòng học, nạo vét bùn đất chuẩn bị cho công tác khai giảng năm học sắp mới. Với phương châm nước rút đến đâu lau dọn đến đó, hàng trăm giáo viên, phụ huynh ai cũng khẩn trương mong dọn nhanh để đưa học sinh trở lại trường. Sân trường Trường tiểu học Hương Đô (xã Hương Đô) sáng 6 -9 nhộn nhịp cảnh các CBCS CAH Hương Khê tới dọn dẹp trường lớp. Lớp bùn vừa được các chiến sỹ CA cào đến đâu, các cô giáo lại dội nước để trả lại khuôn viên xanh sạch như trước khi lũ đến. “Do chủ động theo dõi diễn biến thời tiết nên toàn bộ bàn ghế học sinh, đồ dùng giảng dạy của giáo viên đều được chuyển lên tầng hai nên không bị thiệt hại nhiều. Ai cũng muốn trường lớp sạch sẽ để học sinh quay trở lại trường sớm nhất”- Thầy Lê Mạnh Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Hương Đô chia sẻ.

Nằm sát sông Ngàn Sâu, mấy ngày qua Trường mầm non Hà Linh (xã Hà Linh) ngập chìm trong biển nước. Nước lũ rút chậm nên đường vào trường vẫn ngập ngang đầu gối. Toàn bộ đồ chơi của học sinh ở sân trường bị nước lũ nhấn chìm. Khi nước lũ lên, nhiều giáo viên liều mình băng qua dòng nước xiết để đưa đồ dùng học tập lên cao. Đêm 4- 9, các cô không ngủ được phần vì thương học sinh lỡ hẹn với lễ khai giảng phần vì lo nước lũ tiếp tục dâng cao sẽ làm hỏng đồ dùng học tập. Lũ rút ở dãy nhà cấp 4 các nhóm tuổi để lộ lớp bùn non. Các cô giáo xắn quần, dùng xô chậu, chổi quét dọn phòng học. Cô giáo Phan Thị Dần tâm sự: “Nước lũ rút, ở nhà có cha con lau dọn, còn tôi và các cô sáng nay đều ra trường chờ nước xuống sẽ lau dọn để kịp đón các con trở lại trường”.

Ở vùng lũ Hương Sơn, một số trường học cũng đã tranh thủ thời gian khi mưa vừa ráo, nước vừa rút để lau chùi, dọn dẹp. Thầy Phan Đình Thống- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Phúc (xã Sơn Phúc) cho biết: “Hiện tại nhiều tuyến đường đang bị chia cắt nên chúng tôi chưa thể huy động được phụ huynh. Trước mắt, cán bộ giáo viên, nhà trường chủ động dọn dẹp với phương châm nước rút đến đâu dọn đến đấy. Tuy nhiên, khối lượng công việc quá lớn, giáo viên nhà trường lại ít nên sáng mai sẽ có thêm 20 CBCS CAH Hương Sơn sẽ cùng hỗ trợ với chúng tôi. Tất cả cố gắng phấn đấu để thứ 2 có thể đón học sinh trở lại trường”.

Tại TT-Huế - Ngày 6-9, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo Sở GD & ĐT tỉnh đến thăm các trường học ở vùng lũ và vùng núi H.Phong Điền: Tiểu học Trạch Phổ, THCS Phong Hòa (xã Phong Hòa), THCS Phong Bình, THPT Trần Văn Kỷ (xã Phong Bình), Mầm non Phong Sơn II, Tiểu học Đông Nam Sơn (Phong Sơn). Do chịu ảnh hưởng của mưa lũ nên các trường này chưa thể khai giảng trong ngày 5-9. Đến thăm từng trường, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ tận tình thăm hỏi, động viên các thầy cô, học sinh; đánh giá cao công tác dọn dẹp, khắc phục sau mưa lũ để sớm giảng dạy trở lại của các trường. Đồng thời nhấn mạnh, cần có phương án tổ chức lễ khai giảng phù hợp, dự kiến vào ngày 9-9 sắp tới. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đặc biệt quan tâm và đi kiểm tra các phòng thư viện, phòng vệ sinh của từng trường.

 CA tỉnh Quảng Bình dọn dẹp vệ sinh giúp các trường học trên địa bàn.

CA tỉnh Quảng Bình dọn dẹp vệ sinh giúp các trường học trên địa bàn.

Nhiều nơi còn ngập sâu

Tại Quảng Bình - Từ sáng 6- 9, tại nhiều địa phương như: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Bình trời đã không còn mưa hoặc mưa nhỏ. Nước lũ nhiều khu vực như Phong Nha đang rút chậm. Một số vùng ven sông Gianh qua H.Tuyên Hóa, TX.Ba Đồn... vẫn còn ngập. Tại “rốn lũ” Tân Hóa mặc dù chỉ mưa nhỏ và nước lũ đã rút được khoảng 1m nhưng mức lũ vẫn còn rất cao; nhiều nơi trên dưới 3m. Nước vẫn chạm mái nhà người dân. Như vậy đã 4 ngày trôi qua, người Tân Hóa chống chọi với lũ dữ.

Trong khi đó, mưa lũ cũng đã khiến nhiều tuyến giao thông ở Quảng Bình hư hỏng nặng. Đặc biệt trên tuyến QL12A, tuyến đường độc đạo đi cửa khẩu Quốc tế Cha Lo xuất hiện hai điểm sạt lở, sụt lún, nứt gãy kéo dài rất nguy hiểm có thể sạt lở toàn bộ nền đường.

Theo ông Đinh Quý Nhân - Giám đốc Sở GD&ĐT thì, toàn tỉnh có 239 trường với hơn 90.000 học sinh chưa tổ chức khai giảng được do ảnh hưởng của mưa lũ; nhiều học sinh ở vùng trũng, vùng bãi ngang, ven biển không thể đến trường. Theo báo cáo nhanh chưa đầy đủ của các đơn vị trực thuộc, các Phòng GD&ĐT thì, nhiều trường học trên địa bàn các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, thị xã Ba Đồn bị ngập lụt. Trong đó có gần 200 phòng học, 10 phòng nội trú của giáo viên bị ngập sâu, dột ướt, hư hại; dãy nhà nội trú của học sinh Trường tiểu học và THCS Lâm Hóa bị sạt lở; tường rào, nhà vệ sinh của một số trường học bị sập; trang thiết bị dạy học bị hư hỏng do ngập nước... Con số thiệt hại theo thống kê sơ bộ ban đầu của ngành GD-ĐT Quảng Bình ước tính khoảng 2,7 tỷ đồng.

Sau khi nước rút, lực lượng của Hội Chữ thập đỏ đã về xã Tân Hóa giúp bà con xử lý nguồn nước, môi trường. Trước đó, ngày 5- 9, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng đã chia nhiều đoàn đi kiểm tra tình hình mưa lũ, động viên và trao quà hỗ trợ cho bà con nhân dân. Công an tỉnh Quảng Bình đã chia nhiều đoàn công tác trực tiếp về các địa bàn ngập lũ để động viên người dân và hỗ trợ một số nhu yếu phẩm cho bà con. Nước lũ bắt đầu dâng ngập từ ngày 3- 9 nên việc đi lại bị chia cắt; đời sống bà con gặp nhiều trở ngại. Trong cơn hoạn nạn, sự xuất hiện của các đoàn công tác đưa nước lọc, thực phẩm về tận nơi đã khiến bà con an tâm phần nào và ấm lòng hơn giữa trời mưa nước lớn.

Theo một lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình thì ngoài việc đi thăm hỏi cứu trợ cho bà con thì nhiệm vụ chính của lực lượng vẫn là duy trì trực ban mưa lũ 24/24 nhằm có những ứng phó kịp thời, sẵn sàng phương tiện để cơ động, hỗ trợ nhân dân lúc cần kíp. Và luôn chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong khi mưa lũ đang diễn ra.

Ông Lê Minh Ngân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay mưa đã bắt đầu giảm, các vùng lũ nước đã rút. Tuy nhiên, một số vùng ngập sâu như: Tân Hóa, huyện Minh Hóa và một số xã ở huyện Tuyên Hóa nước vẫn còn ngập sâu. Đối với việc khắc phục về thiên tai thì phải theo thời tiết chờ nước rút, còn ngay trước khi lụt bão địa phương đã huy động tất cả các lực lượng, nhất là theo phương châm “4 tại chỗ” và chuẩn bị các trang thiết bị, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, nước uống đóng chai, chuẩn bị các phương tiện để đi lại, ứng phó nhanh nhất. “Trong mấy ngày qua tỉnh đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh huy động các ca nô lên di dời bà con ra khỏi vùng lũ. Còn quá trình theo dõi thường xuyên kể cả lũ đã rút, đề cao cảnh giác để kịp thời cứu hộ cho nhân dân. Lũ đã rút thì kịp thời sửa chữa hư hại, khắc phục sản xuất. Đặc biệt là đảm bảo đời sống sức khỏe cho nhân dân, từ bảo vệ môi trường, sinh hoạt cho đến các phương tiện lưu thông, chuẩn bị cho các em học sinh đến trường năm học mới”- Phó Chủ tịch tỉnh cho biết thêm.

Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị trực tiếp thăm hỏi, động viên thuyền viên gặp nạn.

Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị trực tiếp thăm hỏi, động viên thuyền viên gặp nạn.

Dời lễ khai giảng đến ngày 9-9

Tại Quảng Trị - Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho biết vào trưa ngày 6- 9, tàu cứu nạn CN 09 của BĐBP Quảng Trị đã cập cảng Hải đội 2 (tại địa bàn xã Triệu An, H.Triệu Phong), đưa 4 ngư dân gồm Trần Văn Cường (16 tuổi), Ngô Xuân Xô (19 tuổi), Lê Văn Chiến (18 tuổi, trú xã Xuân Sơn, H.Quỳnh Lưu) và Phan Huy Hoàng (26 tuổi, trú xã Quỳnh Thọ, H.Quỳnh Lưu) vào bờ an toàn. Sau đó, các thuyền viên này đã được đưa đến Trạm xá quân y của Bộ chỉ huy BĐBP Quảng Trị để được chăm sóc sức khỏe. Đây là những thuyền viên trên tàu cá NA- 93010 bị sóng lớn đánh chìm vào sáng 5- 9 khi vừa rời nơi neo trú bão tại Cửa Gianh (Quảng Bình) được khoảng 20 hải lý.

Ngày 6- 9, Quảng Trị không còn mưa, nước trên các sông đang rút nên công tác khắc phục sau bão lũ càng trở nên khẩn trương. Mặc dù đã thức trắng mấy đêm sát cánh cùng nhân dân vùng thiên tai nhưng lực lượng Biên phòng, CA trên địa bàn vẫn nỗ lực hết sức để chung sức dọn dẹp sau lũ, nhất là tại các điểm trường nhằm chuẩn bị tốt cho lễ khai giảng tổ chức vào sáng 9- 9 tới tại toàn bộ trường học H.Cam Lộ, H.Đakrông và TP Đông Hà và nhiều trường còn lại ở những địa bàn bị ảnh hưởng do bão lũ.

 Chiến sĩ CA Quảng Trị lấm lem, ăn vội bữa trưa để tiếp tục giúp dân khắc phục lũ.

Chiến sĩ CA Quảng Trị lấm lem, ăn vội bữa trưa để tiếp tục giúp dân khắc phục lũ.

Lực lượng CAH Hướng Hóa, CAH Đakrông, CAH Cam Lộ cho hay, tiếp tục huy động CBCS về giúp dân, hỗ trợ trường học dọn dẹp để những con đường dẫn vào trường, sân trường, phòng học ngập trong lũ sớm sạch sẽ, khô ráo. Trong khi đó, CBCS nhiều Đồn biên phòng đóng chân ở phía nam H.Hướng Hóa, H.Đakrông vẫn chưa có phút nghỉ ngơi ở những nơi bị ngập lũ nặng nề như Tân Long, Thanh, Thuận, Pa Nang...

Cũng trong ngày, hàng ngàn thùng mì ăn liền, chai nước uống của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị đã kịp đến với người dân tại vùng biên, dọc sông Sê Pôn. Và nhiều đoàn, tổ chức cứu trợ tiếp tục hướng về vùng bị thiên tai.

Nhóm P.V

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_212210_no-luc-khac-phuc-hau-qua-lu.aspx