Nỗ lực giảm nghèo

Thời gian qua, Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, được tỉnh triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo hàng năm của tỉnh liên tục giảm, đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng với những cách làm hay, mang lại hiệu quả, giúp hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Các dự án, chương trình giảm nghèo hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn đã góp phần làm chuyển biến nhanh về kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện, nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững.

Cán bộ xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp hỗ trợ phù hợp, giúp các hộ sớm thoát nghèo.

Nâng cao nhận thức

Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Tân Sơn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là có sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư nên đã tăng cường huy động, lồng ghép được các nguồn lực để thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Qua rà soát sơ bộ năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn 14,67%, hộ cận nghèo 7,51%, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số còn 16,75%.

Anh Phùng Văn Đàn ở khu Bương, xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn cho biết: “Năm 2019, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để chăn nuôi bò và làm nông nghiệp. Trong thời gian vay vốn, cán bộ xã thường xuyên đến trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, nhờ đó cuộc sống gia đình tôi dần ổn định, thu nhập ngày càng tăng, đến nay đã trả hết nợ, đàn bò tăng lên 12 con và phát triển tốt. Đến cuối năm 2023, gia đình tôi sẽ ra khỏi diện hộ nghèo”.

Những năm qua, các huyện, thành, thị luôn xác định giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nên đã tập tập trung mọi nguồn lực để giảm tỉ lệ hộ nghèo, hạn chế tái nghèo, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo giảm nghèo bền vững thực chất, không chạy theo thành tích. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn được phân bổ theo đúng mục tiêu của Chương trình, lồng ghép với các nguồn vốn khác để thực hiện giảm nghèo hiệu quả.

Trên cơ sở được phân bổ vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các địa phương đã tập trung thực hiện các dự án da dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững...

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các sở, ngành, đơn vị liên quan và các huyện, thành, thị đã tập trung truyền thông giảm nghèo về thông tin. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có trạm BTS; sóng di động phủ tới 100% xã, phường, thị trấn; mạng viễn thông di động đã phủ sóng 3G, 4G. 100% xã, phường, thị trấn có internet băng rộng cáp quang, mạng lưới giao dịch bưu chính được mở rộng tới cơ sở, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ.

Theo kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo; đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao chất lượng cuộc sống, trong đó tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,5%/năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo, truyền nghề đạt 72%.

Mô hình chăn nuôi bò ở xã Tân Sơn, huyện Tân Sơn mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo theo hướng bền vững.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để thực hiện Chương trình đạt hiệu quả, tháng 2/2022, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các ngành, cơ quan chuyên môn tập trung phối hợp với các huyện, thành, thị triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác giảm nghèo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững vào các địa phương có tỉ lệ hộ nghèo cao; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, trẻ em, phụ nữ, người lao động thuộc hộ nghèo.

Bên cạnh quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách về giảm nghèo bền vững theo quy định của Trung ương, căn cứ tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn, tỉnh đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác giảm nghèo.

Xác định hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh, bền vững, các cấp, các ngành, địa phương đã hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất cho khoảng 90% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện miền núi, xã ĐBKK có nhu cầu. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội đã tích cực vào cuộc, giải ngân các chương trình cho vay tín dụng ưu đãi như cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động... tạo động lực, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất, có việc làm, dần tăng thu nhập, ổn định đời sống.

Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù về giảm nghèo đã tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng theo quy định, sát thực, phù hợp và hiệu quả, khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên của các hộ nghèo, tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đồng chí Hoàng Xuân Đoài - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã và đang tạo điều kiện để người dân các vùng khó khăn tiếp cận với các dịch vụ cơ bản, giúp các địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Chương trình đã huy động được sự tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng và các tổ chức, tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với đơn vị liên quan, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, nâng cao đời sống người dân”.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện thành công Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.

Ngọc Lam

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/no-luc-giam-ngheo/202853.htm