Nỗ lực giảm bớt lao động trẻ em

Chương trình “Đom đóm thắp sáng tương lai” hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ngăn ngừa trẻ bỏ học để lao động sớm (ảnh chụp vào tháng 5/2021). Ảnh: KIM CHI

UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025. Nội dung chính là thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, giảm bớt lao động trẻ em (LĐTE); giúp trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH, toàn tỉnh có 216.536 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,1% tổng dân số. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em (14 nhóm) là 5.520 em, chiếm 2,4% tổng số trẻ em. Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 5.382 em, chiếm 2,38% tổng số trẻ em. Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh có 248 trẻ em có nguy cơ lao động trái với quy định của pháp luật.

Trẻ em lao động sớm có chiều hướng giảm

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, hay trẻ lao động sớm là vấn đề xã hội tồn tại dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ dẫn đến ảnh hưởng về thể chất và tinh thần, sức khỏe, tâm lý. Các em sẽ không có thời gian học tập, vui chơi, giải trí, tiếp cận thông tin và thực hiện các quyền cơ bản mà trẻ em được hưởng.

Các ngành nghề phổ biến trẻ em tham gia lao động như: bán vé số, phụ hồ, phụ quán ăn, làm việc trên đường phố; làm các nghề thủ công như mộc, đan đát, dệt thổ cẩm... “Những năm qua, các sở, ban ngành, hội đoàn thể liên quan đã áp dụng nhiều biện pháp bao gồm cả hỗ trợ tài chính, ngăn chặn hiện tượng trẻ lao động sớm nên tình trạng này đã có chiều hướng giảm”, bà Hiền cho biết.

Theo ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), qua khảo sát trong giai đoạn 2016-2020, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trẻ em tham gia lao động trái quy định của pháp luật là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, gia đình di cư từ nông thôn ra thành thị để kiếm sống. Nhận thức của gia đình và trẻ em về hậu quả của việc trẻ em tham gia lao động sớm còn nhiều hạn chế, đặc biệt là lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…

“Trước thực trạng trên, tỉnh đã tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành việc sử dụng LĐTE tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được thực hiện thường xuyên. Vì vậy đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện trường hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng LĐTE trái quy định pháp luật”, ông Hậu cho biết.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm

Để giảm bớt tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo kế hoạch này, tỉnh sẽ tập trung truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE. Nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, đặc biệt là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE. Tăng cường phòng ngừa, phát hiện và hỗ trợ, can thiệp LĐTE và trẻ em có nguy cơ trở thành LĐTE ở các địa phương, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động. Hỗ trợ LĐTE, trẻ em có nguy cơ trở thành LĐTE và gia đình tiếp cận chính sách, dịch vụ giảm nghèo, an sinh xã hội, giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. Xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng LĐTE.

Bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết: Với trách nhiệm của ngành, Sở LĐ-TB-XH sẽ phối hợp cùng các ngành, tổ chức đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường thực hiện tốt Luật Trẻ em; lồng ghép việc thực hiện nội dung của chương trình trong hoạt động của hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đồng thời triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo; cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức; giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, ngành và địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng LĐTE trái quy định của pháp luật; tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục về phòng ngừa, giảm bớt LĐTE; vận động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện tốt chương trình này.

Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh phấn đấu 80% trẻ em có nguy cơ LĐTE và trẻ em bị mua bán vì mục đích bóc lột sức lao động khi có thông báo được hỗ trợ, can thiệp kịp thời, được quản lý, theo dõi. 80% trẻ em có nguy cơ LĐTE được tiếp cận giáo dục phổ thông và đào tạo nghề phù hợp. 60% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, trẻ em và 80% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề được cung cấp thông tin, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE. 70% công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện và 50% cán bộ, công chức cấp xã, người làm công tác trẻ em thôn, buôn, khu phố, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề LĐTE được tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý, phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp giảm thiểu LĐTE. Duy trì và phấn đấu không có trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh; giảm tối đa tỉ lệ LĐTE làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong số LĐTE.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/262595/no-luc-giam-bot-lao-dong-tre-em.html