Nỗ lực đào tạo nghề cho học sinh vùng dân tộc thiểu số

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ là đơn vị đào tạo nghề cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú (DTNT) Phú Thọ đã không ngừng vượt khó, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo. Học viên là con em vùng đồng bào DTTS sau khi tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định.

Buổi thực hành của học sinh lớp trung cấp nghề trồng trọt và bảo vệ thực vật.

Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Phú Thọ được thành lập tháng 7/2009, là cơ sở dạy nghề chuyên biệt cho con em người DTTS trong tỉnh và các tỉnh miền núi lân cận. Những năm qua, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của các cấp, các ngành và sự phối hợp của chính quyền địa phương. Học sinh học tập, đào tạo nghề tại nhà trường được miễn, giảm học phí theo Nghị định số 81 và Quyết định số 53 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp học nghề trung cấp, cao đẳng nội trú.

Thầy giáo Nguyễn Minh Phương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm 2016, Trường đã ban hành Đề án củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. Từ đó đến nay, nhà trường bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Đề án đặt ra với chủ trương nhất quán, cách thức triển khai bài bản. Nhờ vậy, cơ sở vật chất đã được củng cố từng bước chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt, duy trì ổn định các nghề đào tạo là thế mạnh của trường, nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý đào tạo, mở rộng quan hệ hợp tác, liên kết đào tạo… đảm bảo duy trì quy mô đào tạo hàng năm 200 học sinh, trong đó 80% học sinh ra trường có việc làm”.

Buổi thực hành của học sinh lớp trung cấp nghề công nghệ ô tô.

Dưới tiết trời mưa dầm của mùa Xuân khiến cho khu vườn thực hành của lớp nghề trồng trọt và bảo vệ thực vật bị ẩm ướt. Nhưng điều đó không làm cho buổi học ngoài thực địa của cô và trò nhà trường bị gián đoạn. Từ kiến thức giảng dạy trên lớp, buổi thực hành theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” đã tạo sự hứng thú cho học sinh. Từ kỹ thuật lên luống, trải nilon, tạo bầu, ươm hạt giống đều được các em tiến hành đúng quy trình. Được biết trồng trọt là một trong sáu ngành nghề đào tạo thế mạnh hiện nay của trường. Bám sát mục tiêu, gắn đào tạo với giải quyết việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp, nhà trường đã khảo sát và tập trung đào tạo các nghề mũi nhọn mà thị trường đang cần như: Trung cấp nghề hàn, điện công nghiệp, công nghệ ô tô, trồng trọt và bảo vệ thực vật, may thời trang, thú y. Không chỉ đào tạo tại chỗ, nhà trường còn liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp và một số cơ sở sản xuất tạo điều kiện cho học sinh đi thực tập. Những năm gần đây, trường đã liên kết đào tạo với Cơ sở may Thống Lập và Công ty TNHH may mặc Hưng Thịnh đào tạo hai lớp sơ cấp nghề may công nghiệp cho 70 học viên; liên kết với Công ty TNHH Mạnh Cường, Công ty Quốc Việt, Gara ô tô Thành Vinh tổ chức cho hàng trăm học sinh năm cuối đến thực tế, thực tập. Từ đó, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tiếp cận, làm quen, thực hành, sản xuất ngay tại doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp có cơ hội tuyển dụng được đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu công việc, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh…

Nhà trường đầu tư hệ thống máy may hiện đại, tạo điều kiện tốt nhất cho người học.

Nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp cho học sinh, những năm qua, nhà trường đã tích cực phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm - giáo dục nghề nghiệp Phú Thọ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và một số doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho 100% học sinh sau tốt nghiệp. Qua các buổi tư vấn giới thiệu việc làm, hầu hết các em học sinh đã tìm được việc làm ngay, được làm việc đúng nghề với mức lương khởi điểm từ 5-8 triệu đồng/tháng. Nhiều học sinh còn tự tạo được việc làm cho mình, mở được doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh các nghề hàn, sửa chữa ô tô và máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, lắp đặt điện nước hoặc đi lao động có thời hạn theo hợp đồng ở các thị trường ngoài nước... Em Đinh Thị Linh Nhâm ở xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn đang theo học lớp May công nghiệp chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp THCS, em tham gia học nghề và học văn hóa tại trường. Trong quá trình học, ngoài các buổi học trên lớp, em và các bạn còn được đến một số công ty may để thực hành. Điều đó giúp chúng em hình dung công việc sau này của mình và cố gắng phấn đấu rèn luyện tay nghề để sau khi tốt nghiệp tìm kiếm được công việc với thu nhập ổn định”.

Chặng đường từ khi thành lập đến nay, Trường Trung cấp nghề DTNT Phú Thọ đã đào tạo và cấp văn bằng chứng chỉ cho hơn 8.000 người. Qua đó, nhà trường đã góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho con em đồng bào vùng DTTS; đồng thời khẳng định được vị trí trong công tác giáo dục, đào tạo nghề trên quê hương Đất Tổ.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/no-luc-dao-tao-nghe-cho-hoc-sinh-vung-dan-toc-thieu-so/191972.htm