Nỗ lực cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai

Thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã tăng cường các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính về đất đai tại Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh TP. Thái Nguyên.

Trong 10 chỉ số thành phần của PCI, chỉ số về tiếp cận đất đai là chỉ số quan trọng để cạnh tranh và thu hút đầu tư, phản ánh hai khía cạnh mà doanh nghiệp quan tâm, đó là việc tiếp cận đất đai có dễ dàng hay không và sự bảo đảm về tính ổn định trong quá trình sử dụng đất. Nỗ lực nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai và các chỉ số thành phần khác thể hiện rất rõ quyết tâm của Thái Nguyên từng bước trở thành trung tâm thu hút vốn FDI số 1 của miền Bắc.

Theo số liệu PCI đã công bố trong những năm gần đây của tỉnh cho thấy, chỉ số tiếp cận đất đai tỉnh Thái Nguyên liên tục tăng điểm (năm 2019 là 6,07 điểm; năm 2020 là 6,68 điểm; năm 2021 và 2022 đều đạt 7,27 điểm), xếp thứ 2 của cả nước. Để đạt được kết quả này là nỗ lực cố gắng rất lớn của cả tỉnh nói chung, ngành TNMT nói riêng. Nhiều năm liền, ngành TNMT không ngừng nâng cao kết quả, chất lượng công việc, xem việc cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai là nội dung quan trọng trong nhiệm vụ cải cách hành chính.

Theo đó, Sở TNMT đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, địa phương trong tỉnh rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân từ 30 ngày xuống còn 24 ngày. Theo đại diện Sở TNMT, hàng năm, Sở tiếp nhận, giải quyết hàng nghìn hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp.

Do khối lượng công việc lớn nên để giải quyết được nội dung này, Sở TNMT luôn chú trọng công khai, minh bạch các thủ tục hành chính ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trên Website của đơn vị, kịp thời triển khai các văn bản pháp lý để người dân, doanh nghiệp nắm rõ, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tránh việc phải đi lại nhiều. Đồng thời, quán triệt đến tất cả các cán bộ về đạo đức, thái độ ứng xử, nhất là những người trực tiếp tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Xác định lĩnh vực đất đai thường phát sinh những vấn đề phức tạp, dễ xảy ra tranh chấp nên đòi hỏi các cán bộ làm nhiệm vụ trong lĩnh vực này phải có trình độ chuyên môn, năng lực, không chỉ giải quyết công việc nhanh chóng mà còn phải chính xác. Vì vậy, hàng năm, Sở TNMT cũng bố trí, cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Các nhà đầu tư tìm hiểu quy hoạch về đất đai tại các dự án trên địa bàn huyện Đồng Hỷ qua hệ thống dữ liệu dùng chung. Ảnh: T.L

Theo đại diện lãnh đạo Sở TNMT, mặc dù chỉ số PCI của tỉnh những năm gần đây đều đứng trong top khá toàn quốc, song vẫn chưa đạt so với mục tiêu của tỉnh đề ra. Do đó, tỉnh đang tiếp tục có những giải pháp để cải thiện tốt hơn chỉ số tiếp cận đất đai nói riêng và các chỉ số thành phần còn lại nói chung.

Trong đó, Sở TNMT đã và đang tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng phối hợp thực hiện để giải quyết các vấn đề liên quan để doanh nghiệp không phải đi lại nhiều nơi. Còn đối với các đơn vị trực thộc Sở, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, cũng đang xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp cụ thể để cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần có liên quan, gắn trách nhiệm với các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc và coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác trong năm.

Ngoài ra, Sở TNMT cũng đang tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; giải quyết các thủ tục giao đất, thuê đất đảm bảo thời gian theo quy định, góp phần đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sớm có hiệu quả. Riêng trong năm 2023, Sở đã thực hiện rà soát các dự án chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hàng chục tổ chức, đơn vị doanh nghiệp.

Đồng thời, các thủ tục hành chính được thực hiện liên thông, kết nối điện tử, gắn với các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ phận một cửa; nghiên cứu, công khai các quy trình, thủ tục về tiếp cận đất đai tới doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân để đầu tư, sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật về đất đai hỗ trợ doanh nghiệp...

Với những giải pháp thiết thực, cụ thể, tin rằng chỉ số tiếp cận đất đai sẽ tiếp tục "ghi điểm" trong thời gian tới, trở thành một trong những "đòn bẩy" thúc đẩy cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh, đưa kinh tế phát triển.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/202311/no-luc-cai-thien-chi-so-tiep-can-dat-dai-7e31771/