Nợ hộ gia đình vẫn là nỗi lo của kinh tế Thái Lan

Nền kinh tế Thái Lan cần theo dõi nợ hộ gia đình, đặc biệt là tỷ lệ vỡ nợ ngày càng tăng đối với các khoản vay mua ô tô, trong khi nợ thẻ tín dụng tiếp tục tăng.

Kiểm tiền baht của Thái Lan tại ngân hàng Krung Thai ở Bangkok. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội đồng Phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan (NESDC) đã xác nhận rằng nền kinh tế nước này vẫn ổn định và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm 2023.

Theo Tổng thư ký NESDC Danucha Pichayanan, giải ngân ngân sách nhà nước sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ baht (khoảng 28,5 tỷ USD) trong quý IV năm nay, bao gồm các khoản đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước với các dự án đang chờ giải ngân với tổng trị giá khoảng 150 tỷ baht (4,3 tỷ USD). Phần còn lại bao gồm các hạng mục ngân sách thường xuyên và các quỹ bắt buộc yêu cầu giải ngân khoảng 900 tỷ baht (25,7 tỷ USD).

Trong quý đầu tiên của năm 2024, khoản phân bổ ngân sách khoảng 700 tỷ baht (20 tỷ USD) sẽ được giải ngân vào hệ thống kinh tế. Các khoản tiền này sẽ đến từ phân bổ ngân sách thường xuyên và ngân sách dành riêng của các cơ quan chính phủ, với tổng trị giá khoảng 650 tỷ baht, cũng như các quỹ từ các khoản đầu tư của doanh nghiệp nhà nước lên tới khoảng 50 tỷ baht.

Từ quý IV năm 2023 đến quý I năm 2024, từ 1.800-1.900 tỷ baht sẽ được bơm vào hệ thống kinh tế từ ngân sách thường xuyên, phân bổ ngân sách của các cơ quan chính phủ và đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước. Điều này sẽ giúp kích thích tiêu dùng và chi tiêu trong nước nhưng với điều kiện là phải đẩy nhanh việc chuẩn bị ngân sách và công bố việc thực thi Đạo luật chi tiêu ngân sách cho năm tài chính 2024 trong quý đầu tiên của năm sau.

Nền kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng tốt trong năm nay nhờ vào sự phục hồi của ngành du lịch và tiêu dùng trong nước. Số liệu hiện tại cho thấy khoảng 2 triệu khách du lịch đến Thái Lan mỗi tháng, sẽ tăng lên trong mùa cao điểm, với dự kiến có tới 28 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm đất nước này trong năm nay.

Trong những tháng gần đây, các nỗ lực đã tập trung vào việc thu hút khách du lịch có thu nhập cao đến Thái Lan, bên cạnh việc cung cấp thị thực cư trú dài hạn, mang lại lợi ích cho các lĩnh vực khác như bất động sản.

Tuy nhiên, nền kinh tế Thái Lan cần theo dõi nợ hộ gia đình, đặc biệt là tỷ lệ vỡ nợ ngày càng tăng đối với các khoản vay mua ô tô, trong khi nợ thẻ tín dụng tiếp tục tăng. Ngoài việc giải quyết những vấn đề này, điều cần thiết là thúc đẩy hiểu biết về tài chính để ngăn chặn chi tiêu quá mức và tích lũy nợ vượt qua khả năng trả nợ.

Các rủi ro chính đối với nền kinh tế Thái Lan đến từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là suy thoái kinh tế toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng 3,2% trong 5 năm tới, điều này sẽ tác động đến lĩnh vực xuất khẩu của Thái Lan. Có thể thấy điều này từ việc giá trị xuất khẩu của Thái Lan liên tục tăng trưởng âm kể từ tháng 10 năm ngoái.

Hơn nữa, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với lạm phát cao dai dẳng. Nếu lạm phát giảm chậm cũng sẽ tác động đến lãi suất. Một yếu tố quan trọng khác tác động đến nền kinh tế toàn cầu và Thái Lan là các xung đột địa chính trị vẫn chưa biến mất.

Trong khi đó, tiêu dùng trong nước đang dần phục hồi. Giá năng lượng ở Thái Lan bao gồm dầu, khí đốt và điện dự kiến sẽ theo xu hướng giảm của giá năng lượng toàn cầu./.

Huy Tiến (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/no-ho-gia-dinh-van-la-noi-lo-cua-kinh-te-thai-lan/297634.html