Nợ công Việt Nam tương đương 37% GDP

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đến cuối năm 2023 quy mô nợ công/GDP ước khoảng 37%, nợ Chính phủ/GDP ước khoảng 34%

Nợ công/GDP ước khoảng 37%

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thu ngân sách nhà nước thực hiện đạt 1.754,1 nghìn tỷ đồng, tăng 133,4 nghìn tỷ đồng (tăng 8,2% so dự toán). Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194 nghìn tỷ đồng.

Chi ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 2.109,9 nghìn tỷ đồng, bằng 101,6% dự toán, tăng gần 74 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết đến cuối năm 2023 quy mô nợ công/GDP ước khoảng 37%, nợ Chính phủ/GDP ước khoảng 34% và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/Thu NSNN khoảng 19%, trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Ước vay, trả nợ Chính phủ bảo lãnh năm 2023 trong hạn mức được duyệt, tổng dư nợ bảo lãnh đến ngày 31/12/2023 ước khoảng 279.719 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,7% GDP, giảm 18.243 tỷ đồng so với năm 2022.

Về đầu tư xây dựng, đầu tư công; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, lũy kế thanh toán từ đầu năm 2023 đến ngày 31/01/2024 là 661,7 nghìn tỷ đồng, đạt 80,75% kế hoạch, đạt 92,99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả đã có lãi

Về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết năm 2023 đã thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp với giá trị 11,7 tỷ đồng, thu về 24 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng thu về 206,3 tỷ đồng.

Công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả có tiến triển tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng; có 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý cụ thể; sau khi có phương án xử lý, một số dự án, doanh nghiệp có lãi, giảm lỗ lũy kế, đã đóng góp cho NSNN, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động.

"Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước còn chậm, việc xử lý thoái vốn của các danh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc", ông Phớc nhấn mạnh.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) Nguyễn Phú Cường từng thông tin về 3 doanh nghiệp yếu kém thuộc 1 dự án của ngành công thương là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình và DAP Lào Cai đã hoạt động sản xuất ổn định trở lại.

Ông Nguyễn Phú Cường cho biết, năm 2022, tổng lợi nhuận của 3 đơn vị: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai đạt được 2.700 tỷ, năm 2023 đạt 1.300 tỷ và riêng 2 tháng đầu năm 2024, các đơn vị cũng hoạt động ổn định và có lãi, công suất huy động sản xuất là hơn 90% công suất thiết kế.

Trong 3 năm liền, riêng 2 đơn vị sản xuất ure mỗi năm sản xuất ra xấp xỉ 1 triệu tấn ure cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Đạm Hà Bắc đã quay trở lại dương vốn chủ sở hữu 600 tỷ đồng.

Tính đến ngày 29/2/2024, tổng cộng 3 đơn vị: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai đã trả nợ cả gốc và lãi cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam được 12.138 tỷ trên tổng nợ vay ban đầu là 10.600 tỷ.

Anh Hùng

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/no-cong-viet-nam-tuong-duong-37-gdp-d111058.html