Ninh Thuận ứng phó khô hạn khốc liệt nhiều ngày qua

Nắng nóng diễn ra gay gắt ở Ninh Thuận, lượng nước sụt giảm mạnh, nhiều địa phương trong tỉnh này đối diện với nguy cơ hạn hán.

Khô hạn

Nhiều xã tại các huyện Ninh Hải, Bác Ái, Ninh Sơn (Ninh Thuận) đang phải hứng chịu cảnh khô hạn khốc liệt nhiều ngày qua, cây trồng khô quắt, vật nuôi ốm yếu.

Dưới cái nắng như đổ lửa, ông Trần An Khương (thôn Mỹ Tường 2, xã Nhơn Hải, Ninh Hải) cho biết, một số con cừu, bò của gia đình đã chết đói. Lượng rơm khô tích trữ dần cạn kiệt, chỉ dám cho vật nuôi ăn kiểu cầm hơi. Cỏ, cây khô hết, thả bò, cừu ra ngoài cả ngày trời cũng không kiếm được thức ăn mà còn khiến vật nuôi mệt mỏi, kiệt sức thêm nên đành nhốt ở nhà.

Nhiều hộ dân ở Phước Tiến (Bác Ái) cũng lo lắng, nếu tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài có nguy cơ thiếu luôn cả nước sinh hoạt hàng ngày.

Khô hạn ngày càng lan rộng trên địa bàn Ninh Thuận.

Nhận định của UBND tỉnh Ninh Thuận, dòng chảy tại các sông, suối ở địa phương có thể xuống mức thấp nhất vào cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2024. Nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam.

Đến nay, lượng nước tại các hồ ở Ninh Thuận chỉ còn trên 40% tổng dung tích thiết kế, nhiều hồ có nguy cơ cạn kiệt như hồ Phước Nhơn, CK7, Suối Lớn, Bầu Ngứ, Tà Ranh, Bầu Zôn...

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, tác động xấu nhất của hạn hán gây ra là nguy cơ thiếu đói tại một số huyện ở Ninh Thuận vì nhiều diện tích nông nghiệp phải dừng sản xuất.

Một số vật nuôi của nhiều hộ dân ở Ninh Thuận đã chết vì đói.

Đồng thời, hạn hán cũng sẽ gây nên cảnh thiếu nước sinh hoạt hàng ngày của người dân. Hiện, đang có 1.484 hộ dân với 5.836 nhân khẩu ở Ninh Thuận có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cần phải chở nước đến phục vụ cho người dân. Cụ thể, xã Phước Tiến (Bác Ái) có 252 hộ dân, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) 85 hộ dân, xã Ma Nới (Ninh Sơn) 1.147 hộ dân.

Để không bị động, tỉnh Ninh Thuận đã lên kế hoạch ứng phó với hạn hán, trong đó chú trọng đến bảo đảm nguồn lương thực cho người dân.

Cụ thể như, liên tục rà soát các đối tượng thuộc diện phải hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu để có giải pháp cung cấp kịp thời, tuyệt đối không để hộ dân nào bị thiếu đói khi hạn hán xảy ra. Trường hợp vượt khả năng cân đối của tỉnh, sẽ kiến nghị trung ương hỗ trợ theo quy định.

Cùng với đó, khẩn trương đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân, không để các gia đình 'khát' nước sạch.

Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận được yêu cầu chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan liên tục thực hiện các giải pháp phòng, chống các loại bệnh thường xảy ra trên người, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi thời tiết khô hạn khốc liệt.

Kiểm tra, giám sát chặt chất lượng nước uống của người dân trong và sau hạn hán. Hướng dẫn các hộ gia đình vệ sinh, khử trùng môi trường, nguồn nước để phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau hạn.

Nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, để tạo thế chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán trước hết cần phải ưu tiên nguồn nước tại các hồ chứa để cung cấp nhu cầu sinh hoạt cho người dân, nước uống cho gia súc...

Đặc biệt là áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, tạm dừng gieo trồng ở khu vực không chủ động nước tưới…

Ninh Thuận đang kêu gọi người dân nhân rộng mô hình tưới nước tiết kiệm.

Theo ghi nhận thực tế, nhiều địa phương ở Ninh Thuận đã áp dụng thành thục công nghệ tưới nước tiết kiệm, tạo ra nhiều 'mảng xanh' giữa mênh mông khô hạn. Điển hình như tại thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước).

Nông dân Nạo Văn Xây (thôn Tuấn Tú, xã An Hải, Ninh Hải) chia sẻ, trước đây, bà con chủ yếu tưới theo kiểu truyền thống là bơm nước lên các mương tràn rồi cho nước tự chảy trên mặt đất để vào cánh đồng hoa màu nên lượng nước thất thoát lớn, dẫn đến tình trạng thiếu nước thường xuyên.

Nhưng sau khi học hỏi các mô hình tưới nước tiết kiệm, tôi và nhiều bà con đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm kiểu phun mưa, tưới nhỏ giọt cho hoa màu.

Nhiều ruộng hoa màu ở thôn Tuấn Tú (xã An Hải, Ninh Hải) xanh tươi nhờ áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm.

"Từ khi lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, bản thân tôi thấy hiệu quả rất cao. Lượng nước vừa đủ giữ ẩm cho cây trồng, nước không chảy tràn ra ngoài", ông Xây nói.

Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (thôn Tuấn Tú, xã An Hải) cũng chia sẻ, hiện đang có 40ha hoa màu của hợp tác xã áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm. Mô hình này hiệu quả, duy trì được nguồn rau xanh (măng tây) không chỉ đủ dùng mà còn bán cho các nơi khác.

Nắng nóng khiến người dân Ninh Thuận đối diện với nhiều khó khăn.

Đông Hưng-Thảo Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ninh-thuan-ung-pho-kho-han-khoc-liet-nhieu-ngay-qua-16924042316402767.htm