Niger bên bờ vực chiến tranh

Màn 'đối đáp' cứng rắn giữa một số quốc gia trong khu vực và chính quyền quân sự ở Niger đang đẩy tình hình quốc gia Tây Phi này vào trạng thái 'căng như dây đàn'. Trước bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh nguy cơ leo thang thành chiến tranh.

Nguy cơ làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng

Tại cuộc họp bất thường hôm 10/8 ở Thủ đô Abuja của Nigeria, Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Omar Alieu Touray tuyên bố đã đặt lực lượng dự phòng của khối này trong trạng thái sẵn sàng can thiệp để khôi phục trật tự hiến pháp tại Niger. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo ECOWAS cũng đã đạt được sự đồng thuận để bắt đầu một chiến dịch quân sự ở Niger “càng sớm càng tốt”. Quyết định này của ECOWAS đã ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trong khu vực.

Cuộc đảo chính ở Niger làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn.

Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara tuyên bố, nước này sẽ cử một lực lượng từ 850 - 1.100 binh sĩ tham gia chiến dịch quân sự tại Niger. Các quốc gia khác, trong đó có Nigeria và Benin, cũng sẽ tham gia. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, ECOWAS sẽ không can thiệp quân sự nếu Quân đội Niger chịu rút lui và trả tự do cho Tổng thống Mohamed Bazoum. Liên minh châu Phi (AU) cũng khẳng định sự ủng hộ đối với các quyết định của ECOWAS trong vấn đề Niger, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình hình của Tổng thống Mohamed Bazoum và kêu gọi cộng đồng quốc tế có biện pháp hỗ trợ.

Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng của Tổng thống Mohamed Bazoum và gia đình sau khi có thông tin ông và gia đình đã bị giam lỏng trong Dinh thự Tổng thống mà không có thực phẩm bổ sung, không có điện hay nước sử dụng trong nhiều ngày. Người phát ngôn LHQ cho biết, Tổng Thư ký Antonio Guterres kêu gọi lập tức trả tự do vô điều kiện và phục chức cho Tổng thống Mohamed Bazoum.

Trong khi đó, Nga cho rằng, giải pháp quân sự cho cuộc khủng hoảng Niger có thể dẫn đến cuộc xung đột kéo dài ở nước này và khiến khu vực sa mạc Sahara ở châu Phi bị mất ổn định nghiêm trọng cũng như sẽ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn. Vùng Sahel thuộc Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất thế giới và phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố kéo dài. Do đó, khu vực này có nguy cơ rơi vào bất ổn hơn nữa nếu khủng hoảng tại Niger trầm trọng hơn.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Sự can thiệp từ bên ngoài không thể làm thay đổi tình hình Niger tốt hơn lên. Chúng tôi vẫn đang giám sát chặt chẽ tình hình tại khu vực. Chúng tôi quan ngại về căng thẳng leo thang. Chúng tôi ủng hộ Niger quay trở lại trật tự hiến pháp thông thường càng sớm càng tốt mà không có thiệt hại cũng như đe dọa cuộc sống của người dân”.

Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông báo trong đó nêu rõ: “ECOWAS đang thực hiện các bước đi nhằm khôi phục trật tự Hiến pháp ở Niger thông qua đối thoại chính trị và ngoại giao với chính quyền mới của Niger. Nga ủng hộ các nỗ lực hòa giải của ECOWAS nhằm tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay”. Nhiều nước phương Tây như Đức, Pháp, Mỹ dù ủng hộ quyết định của ECOWAS song kêu gọi ưu tiên giải pháp ngoại giao để ổn định tình hình tại quốc gia châu Phi này.

Về phần mình, phản ứng trước những động thái của các nước trong khu vực, chính quyền quân sự của Niger đã bày tỏ thái độ hết sức cứng rắn. Cho đến nay, giới lãnh đạo đảo chính ở Niger vẫn chưa sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán do cộng đồng quốc tế thúc đẩy. Để đẩy nhanh quá trình ổn định tình hình, chính quyền quân sự Niger đã công bố “danh sách 21 bộ trưởng” và thúc đẩy chương trình nghị sự của nội các do quân đội đứng đầu ngay trước cuộc họp của ECOWAS. Hôm 11/8, hàng nghìn người ủng hộ chính quyền quân sự của Niger đã tập trung gần một căn cứ quân sự của Pháp ở ngoại ô Thủ đô Niamey, hô vang những khẩu hiệu phản đối Pháp và ECOWAS; đồng thời, bày tỏ sự ủng hộ đối với Tướng Abdourahamane Tiani - người đứng đầu chính quyền quân sự.

Làn sóng nổi dậy quân sự

Bản đồ Tây Phi bắt đầu thay đổi hoàn toàn vào năm 2021. Giống như những quân domino, các chế độ thân Pháp bắt đầu đối mặt với những cuộc nổi dậy quân sự. Khởi nguồn từ Mali. Lên nắm quyền sau cuộc đảo chính tháng 5/2021, Đại tá Assimi Goita ngay lập tức yêu cầu Quân đội Pháp rời khỏi đất nước.

Tiếp theo đó, vào tháng 6/2021, tháng 9/2021 và tháng 1/2023, lần lượt các nước Trung Phi, Guinea và Burkina Faso cũng có động thái tương tự. Và gần đây nhất là trường hợp Niger. Sau cuộc nổi dậy, Tướng Abdourahamane Tchiani, hiện đang đảm nhận chức tổng thống, cũng trục xuất các lực lượng Pháp và cấm xuất khẩu uranium sang Pháp.

Đáp trả động thái này, Mỹ và Anh đã cắt mọi khoản viện trợ cho Niger và các đồng minh của nước này. Trong khi đó, ECOWAS, một liên minh bao gồm nhiều thuộc địa cũ của Pháp, hôm 30/7 đã đưa ra tối hậu thư cho Niger, cho ông Abdourahamane Tchiani một tuần để từ bỏ quyền lực, nếu không một cuộc can thiệp quân sự sẽ bắt đầu với sự hậu thuẫn của Pháp. Nigeria, một đồng minh quan trọng của Pháp trong khu vực và là lãnh đạo của ECOWAS, đã được chọn làm bệ phóng cho một cuộc can thiệp quân sự tiềm tàng.

Tuy nhiên, Thượng viện nước này đã bác bỏ yêu cầu của Tổng thống Bola Tinabu về cho phép hành động quân sự chống lại nước láng giềng. Tổng thống của Burkina Faso và Mali thì nhấn mạnh rằng, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger sẽ đồng nghĩa với một lời tuyên chiến chống lại họ. Ngoài ra, các quốc gia châu Phi còn có một con át chủ bài, đó là tình bạn lâu năm của họ với Nga.

Tình hữu nghị giữa các dân tộc châu Phi và Nga đã bắt nguồn từ thế kỷ XVIII. Liên Xô đã trở thành người bạn đối với nhiều quốc gia trẻ ở châu Phi đang tìm cách giành độc lập khỏi các ông chủ thực dân của họ, vì vũ khí và đạn dược do Liên Xô sản xuất đã được chuyển giao cho nhiều lực lượng cách mạng và chống thực dân trong khu vực, như MPLA ở Angola, ANC ở Nam Phi, PAIGC và nhà lãnh đạo Amilcar Cabral ở Guinea-Bissau, và nhiều tổ chức khác.

Ký ức về tình đoàn kết này vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của nhiều người châu Phi, già cũng như trẻ. Sự ủng hộ dành cho nước Nga đã lan khắp lục địa châu Phi, vượt ra ngoài cả các thuộc địa cũ của Pháp. Lúc này, một cảm giác thực sự về sự thay đổi dường như đang lan rộng khắp châu Phi, khi châu lục này đang tìm cách thoát khỏi cái bóng của chế độ thực dân kiểu cũ và hướng tới một thế giới đa cực mới.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/niger-ben-bo-vuc-chien-tranh-i703570/