Niềm vui trên những công trình điện gió

Với 17 dự án điện gió, công suất trên 610 MW đưa vào vận hành trước ngày 1/11/2021, Quảng Trị trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng dự án điện gió (toàn quốc có 84 dự án) đáp ứng quy trình và được công nhận vận hành thương mại (COD) để hưởng giá ưu đãi cố định (giá FIT) theo quy định của Chính phủ.

Đứng đầu cả nước về dự án điện gió được công nhận COD

 Công trình điện gió mang lại sự mới mẻ, độc đáo cho các bản làng vùng cao Quảng Trị - Ảnh: M.L

Công trình điện gió mang lại sự mới mẻ, độc đáo cho các bản làng vùng cao Quảng Trị - Ảnh: M.L

Công ty Cổ phần Năng lượng Gelex Quảng Trị có 5 nhà máy điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa gồm: Gelex 1, Gelex 2 và Gelex 3 ở xã Hướng Linh và Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3 tại xã Hướng Phùng. Đáng phấn khởi là cả 5 nhà máy điện gió của công ty đã hoàn thành tiến độ lắp đặt 33/33 tuabin. Tất cả đều được công nhận COD trước ngày 1/11/2021. Tìm hiểu chúng tôi được biết, cả 5 nhà máy này đều sử dụng công nghệ Đức là tuabin công nghệ không hộp số (công suất 4,2 MW) với ưu điểm đường cong công suất lớn, có thể phát điện ở tốc độ gió thấp (2.0m/s). Đây là công nghệ được đánh giá tiên tiến nhất hiện nay. Với hệ thống trụ tuabin máy phát không hộp số tự động điều khiển cánh quạt hướng đón gió, tạo độ điều khiển nhanh nhạy, chính xác hơn; có thể điều khiển góc mở cánh để điều khiển công suất tuabin và tránh bão.

Có mặt tại Trung tâm điều khiển vận hành cụm nhà máy điện gió Gelex 1, Gelex 2, Gelex 3 (Trung tâm OCC) đóng tại xã Hướng Linh vào những ngày cuối năm 2021, chúng tôi được ông Phan Thanh Đạt, Trưởng Trung tâm OCC dẫn tham quan toàn bộ đơn vị. Theo ông Đạt, điểm đặc biệt của Trung tâm OCC là tích hợp vận hành, giám sát và quản lý cả 3 nhà máy điện gió vào một đơn vị điều hành, giúp doanh nghiệp tiết giảm tối đa chi phí đầu tư hạ tầng, lắp đặt thiết bị và cả nhân lực làm việc. Mô hình này cũng tạo sự linh hoạt trong điều độ điện từ các nhà máy lên hệ thống lưới điện miền Trung và lưới điện quốc gia, đồng thời xử lý kịp thời các sự cố. Với 21 tuabin, công suất 29,4 MW/nhà máy trong tháng đầu tiên hòa lưới điện quốc gia, 3 nhà máy của công ty đã phát tổng sản lượng 17,9 triệu kWh điện, đạt 85% công suất thiết kế. Chỉ trong tháng đầu tiên đưa vào hoạt động, công ty đã thu từ tiền bán điện của 3 nhà máy trên 30 tỉ đồng, đóng góp ngân sách địa phương trên 3 tỉ đồng.

Trong bối cảnh chồng chất khó khăn do dịch bệnh, thi công trong điều kiện thời tiết, địa hình không thuận lợi cùng tình trạng khan hiếm vật tư thiết bị, nhân lực và những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng… việc hoàn thành xây lắp 17 dự án điện gió với công suất trên 610 MW ở địa bàn huyện Hướng Hóa đúng tiến độ để kịp tiến hành các bước thử nghiệm kỹ thuật, đảm bảo vận hành thương mại, phát điện trước ngày 1/11/2021 trở nên đặc biệt ý nghĩa. Sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn từ cấp ủy, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Chỉ tính riêng năm 2021, các dự án điện gió đầu tư tại huyện Hướng Hóa đóng góp ngân sách gần 1.200 tỉ đồng, trong đó thuế nhập khẩu thiết bị trên 950 tỉ đồng, VAT phát sinh trong xây dựng cơ bản trên 200 tỉ đồng. Có trên 80 km đường công vụ phục vụ thi công được đầu tư kiên cố, thảm nhựa (trị giá đầu tư trên 800 tỉ đồng). Sau khi hoàn thành thi công sẽ bàn giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cứu nạn cứu hộ.

Hứa hẹn điểm đến du lịch hấp dẫn

Khi những dự án điện gió đi vào hoạt động cũng là lúc những con đường mà các chủ đầu tư công trình điện gió xây dựng để vận chuyển vật liệu, trang thiết bị trước đó bàn giao cho chính quyền địa phương. Hạ tầng giao thông này đặc biệt có ý nghĩa với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và nối những bản làng vùng cao với thế giới bên ngoài.

 Cánh đồng điện gió trở thành điểm du lịch trải nghiệm thu hút nhiều bạn trẻ - Ảnh: M.L

Cánh đồng điện gió trở thành điểm du lịch trải nghiệm thu hút nhiều bạn trẻ - Ảnh: M.L

Mới đây, một đôi bạn trẻ ở thành phố Đông Hà đã “khoe” bộ ảnh cưới độc đáo bên cánh đồng điện gió ở Hướng Hóa trên mạng xã hội khiến nhiều người trầm trồ. “Những cánh quạt điện gió cao vút, trắng xóa nổi bật giữa ánh nắng chan hòa và màu xanh cây cối khiến bộ ảnh của chúng tôi mang phong cách vừa hiện đại, vừa gần gũi thiên nhiên lại gắn liền với mạch phát triển của quê hương. Chỉ vài giờ sau khi chúng tôi đăng ảnh trên trang facebook cá nhân, đã có rất nhiều người liên lạc hỏi địa chỉ. Cũng không ít người bất ngờ khi biết hình ảnh những cánh quạt gió khổng lồ ấy lại nằm giữa núi rừng Quảng Trị. Chúng tôi rất vui vì đã tìm được địa điểm mới lạ để lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời mình”, bạn Hữu Hiếu - chủ nhân bộ ảnh cưới chia sẻ.

Nắm bắt được xu thế phát triển du lịch hiện nay, một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã đầu tư xây dựng một số mô hình farmstay, homestay để đón khách nội tỉnh đến nghỉ dưỡng cuối tuần. Những tour du lịch tự phát của các nhóm bạn trẻ theo kiểu du lịch bụi như cắm trại, trải nghiệm, check-in cánh đồng điện gió… cũng tạo nên không khí náo nhiệt cho vùng rừng núi vào những ngày cuối năm. Có thể nói, cùng với những tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa đặc trưng của núi rừng và các điểm đến sẵn có trên địa bàn huyện Hướng Hóa, những công trình điện gió làm phong phú thêm sản phẩm du lịch ở địa phương này; kỳ vọng tạo điểm nhấn độc đáo kích cầu ngành du lịch phía Tây Quảng Trị phát triển, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163868&title=niem-vui-tren-nhung-cong-trinh-dien-gio