Niềm vui quê hương đổi mới

Trong những ngày tỉnh Cà Mau và cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), Ðảng bộ và Nhân dân huyện Ðầm Dơi có thêm niềm vui, động lực mới khi kinh tế - xã hội địa phương phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Thời gian qua, huyện xác định con tôm là ngành hàng chủ lực nên đã đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, lưới điện quốc gia, tạo nền tảng và động lực cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản không ngừng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ðến nay, toàn huyện có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh hơn 1.500 ha, với hơn 1.900 hộ nuôi, năng suất đạt từ 30-40 tấn/ha/vụ; tôm thâm canh hơn 261 ha, với 448 hộ nuôi. Ngoài con tôm, nông dân Ðầm Dơi còn phát huy trên 300 sáng kiến ứng dụng mô hình sản xuất đa canh kết hợp như tôm - sò huyết, tôm - cua xen canh, cho hiệu quả kinh tế cao.

Huyện phấn đấu trong năm 2024 này, mức thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm, hoàn thành thu ngân sách Nhà nước 100 tỷ đồng.

Ðến thời điểm này, huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), đạt 60% so với tổng số xã và 1 xã đạt NTM nâng cao, đạt trên 6,6%.

Diện mạo khởi sắc xứ Ðầm. (Trong ảnh: Cây cầu từ Chợ Nông sản thực phẩm Ðầm Dơi bắc qua Bệnh viện Ða khoa Ðầm Dơi).

Cùng với đó là trường học, bệnh viện, trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Ðời sống người dân đang từng bước đổi thay, ngày càng ấm no, hạnh phúc. Những công trình văn hóa lịch sử như: Ðền thờ Bác Hồ, Nghĩa trang Liệt sĩ, Nhà truyền thống, Tượng đài Nữ anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Dương Thị Cẩm Vân, Nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ông Biện Công Thành, ấp Tân Thành, xã Tân Duyệt, bày tỏ: “Quê hương Ðầm Dơi đổi thay rõ rệt. Trước đây điều kiện kinh tế, đi lại rất khó khăn, nay huyện như khoác chiếc áo mới”.

Ông Quách Hồng Khanh, ấp Lung Trường, xã Quách Phẩm, chia sẻ: “Xã được công nhận đạt chuẩn NTM. So với trước đây, đời sống người dân ngày càng cải thiện”.

Ðối với công tác xây dựng lộ nông thôn, hiện toàn huyện có 9/15 xã hoàn thành tiêu chí giao thông. Huyện phấn đấu đến cuối năm có thêm xã Trần Phán đạt tiêu chí giao thông. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã khởi công được 6 công trình lộ nông thôn, tổng chiều dài hơn 3,2 km, tổng vốn đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng.

Tuyến lộ Đông Tây hoàn thành, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi hơn.

Ông Ngô Văn Hồng, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, phấn khởi: “Khu vực này vừa được đầu tư xây dựng tuyến lộ, bà con ở đây rất phấn khởi, việc đi lại, giao thương dễ dàng”.

Công tác chăm lo hộ nghèo, khó khăn, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành quan tâm.

Bà Nguyễn Cẩm Tú, ấp Ngã Bát, xã Trần Phán, cho biết: “Tôi là người dân tộc thiểu số, trước đây thuộc diện hộ nghèo. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ, tiếp thêm động lực cho gia đình phấn đấu vươn lên, từ đó đến nay thoát được nghèo, ổn định cuộc sống”.

Thành quả đạt được là đáng tự hào, tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển thì kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện còn khó khăn, nhất là hệ thống giao thông chưa đáp ứng cho sản xuất và vận chuyển hàng hóa; giá cả đầu ra con tôm thiếu ổn định; môi trường nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, sản xuất từng lúc gặp khó khăn; thiếu việc làm cho người lao động; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện còn hơn 2%./.

Thành Quốc

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/niem-vui-que-huong-doi-moi-a32242.html