Niềm vui đầu xuân ở làng Mường nơi ngã ba Đông Dương

Những ngày đầu xuân, người dân vùng đất Tây Nguyên, trong đó có ngôi làng Bắc Phong khá nổi tiếng nằm gần cửa khẩu quốc tế Bờ Y rộn ràng niềm vui khi cà phê được mùa, được giá. Theo ông Xa Văn Khoa, Bí thư Chi bộ thôn Bắc Phong, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum chia sẻ, 143 hộ dân ở thôn Bắc Phong có thu nhập từ 300-500 triệu đồng/năm 2023, có nhiều hộ gia đình hiện nay sở hữu tới 10ha trồng cây cà phê.

Hạt cà phê được rải phơi khắp thôn Bắc Phong. Ảnh: Văn Chương

Hạt cà phê được rải phơi khắp thôn Bắc Phong. Ảnh: Văn Chương

Xuân... cà phê

Thôn Bắc Phong nằm trên trục đường từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y qua xã Pờ Y, lên trung tâm huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Tiếng nói râm ran trong ngôi làng này khiến người lạc vào đây ngỡ như mình đang ở trong ngôi làng của người Mường ở vùng Tây Bắc. Ông Xa Văn Khoa chỉ vào nhóm phụ nữ ngồi trong chiếc chòi nhỏ để chạy ra chạy vào đảo hạt cà phê phơi đầy sân và nói: “Người làng ngồi với nhau vẫn nói tiếng Mường như thời còn ở vùng lòng hồ sông Đà”.

Nhìn những hạt cà phê bóng bẩy rải đầy mặt đất, nhìn những khuôn mặt rám nắng, ửng hồng của các cô, các chị, tôi nhận ra, họ đều đang rất vui vì tin cà phê lên giá từ trước Tết Nguyên đán, đến nay đã làm cả thủ phủ cà phê Tây Nguyên chuyển động. Có người nói, “cà phê chỉ lên giá tức thời, một thời gian ngắn là 50.000-60.000 đồng/kg, sau đó lại rơi về giá cũ là 35.000-40.000 đồng/kg”.

Nông dân nghi ngờ là đúng, vì giá hàng nông sản ở Việt Nam nhiều năm nay cứ như sóng biển, trồi lên rồi lại trụt xuống và người người nhao theo, có lắm khi hụt hơi. Nhưng theo dõi thông tin trên báo chí đã khiến bà con tỏ ý mừng rỡ và cho biết, “chuyến này cà phê lên giá, rồi neo lại đó nhiều năm”. Thủ phủ cà phê của Việt Nam trong những năm qua đã bị cây sầu riêng lấn át diện tích nên dự báo, sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2023 chỉ còn 1,6 triệu tấn, giảm chừng 400.000 tấn.

Thông tin về cà phê sẽ còn lên giá đã khiến những người đàn ông ở ngôi làng Mường này chăm chỉ lên nương rẫy. Ông Khoa chỉ vào ngôi nhà cấp bốn, trước nhà có một cỗ xe công nông bánh lớn và cho biết: “Hộ này là vợ chồng Xa Văn Luân, rẫy cà phê gần khu cửa khẩu, rộng tới 10ha. Còn ngôi nhà tôn kia là của hộ gia đình cán bộ Biên phòng, hiện có 2ha cà phê”.

Do trồng cà phê xen canh với một số cây ăn quả trong vườn, cộng với việc chăn nuôi, đào ao nuôi cá, vì vậy, có khi bà con ở làng chỉ kịp về nhà ăn cơm trưa, sau đó tiếp tục vào rẫy và ở lại luôn qua đêm. Đi đâu bà con cũng khấp khởi mừng vui và hỏi nhau, “năm nay thu về được mấy trăm triệu đồng”.

Nhớ sông Đà

Cơ duyên để tôi tìm đến thôn Bắc Phong vì trong chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ nhất tổ chức tại vùng đất ngã ba Đông Dương, tiết mục múa của các cô gái dân tộc Mường rất ấn tượng. Các cô mặc trang phục dân tộc, bước khoan thai theo vũ điệu múa quạt và cho biết, “chúng em tập bài này để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Hàng năm, BĐBP tổ chức các chương trình lễ hội thì đội văn nghệ đều đến góp vui”. Sau mỗi buổi diễn văn nghệ, bà con lại kể cho anh em BĐBP về kỷ niệm bên sông Đà, về những ngôi nhà sàn. Thôn Bắc Phong hiện nay vẫn còn 2 ngôi nhà sàn được bà con dựng lên để nhìn vào đó mà nhớ đến ngôi làng dưới lòng hồ sông Đà.

Ông Xa Văn Khoa cho biết, từ năm 1994, chương trình di dân ra khỏi vùng trũng thuộc lòng hồ sông Đà ở tỉnh Hòa Bình bắt đầu được triển khai. Tổng cộng 76 hộ người Mường vào định cư ở vùng đất còn bạt ngàn rừng hoang. Khi vào vùng đất mới, một số người vẫn đau đáu nỗi lòng, hàng ngày nhắc “nhớ quê”. Ông Khoa và bà con động viên nhau, cố gắng làm ăn, định cư, vì ở vùng Tây Nguyên có khí hậu thuận lợi hơn đồng bằng Bắc Bộ, đất rộng hơn, thị trường tiêu thụ hàng nông sản cũng khá dễ dàng. Vậy rồi vẫn có một số người quay trở về bên sông Đà, trong đó có con gái của ông Khoa.

Tiết mục múa quạt của chị em phụ nữ dân tộc Mường. Ảnh: Văn Chương

Tiết mục múa quạt của chị em phụ nữ dân tộc Mường. Ảnh: Văn Chương

Tại trục đường chính gần thôn Bắc Phong, vài người gói ghém hành lý để chuẩn bị kịp chuyến xe chuyên chở khách đi từ ngã ba Đông Dương về xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Quãng đường về quê gần 1.400km, xa thăm thẳm. Nhưng hơn 30 năm qua, việc đi về giữa hai vùng đất bên dòng sông Đà và ngã ba Đông Dương đã trở thành nhịp sống của bà con dân tộc Mường.

Bà con nông dân ở thôn Bắc Phong cho tôi biết, mỗi mùa, một gia đình thu hái được 30-40-50 tấn cà phê, đó là chưa kể tới cao su, chăn nuôi. Câu chuyện của bà con có phảng phất nụ cười, vì vào Tây Nguyên lập nghiệp, ai cũng thành công, có tài sản trị giá hàng tỷ đồng, đó là điều mà thời còn sống quê cũ không ai dám mơ ước.

Thôn 10 tiêu chí

Đi qua những ngôi nhà của người Mường, thỉnh thoảng lại nghe vọng ra tiếng nói, tiếng tập hát của một vài phụ nữ lớn tuổi. Bà Xa Thị Nguyệt, Bùi Thị Thêu, Đinh Thị Biên... là những người thường xuyên dạy con cháu nhớ lưu giữ các bài hát, điệu múa của người Mường. Sau khi tập tiết mục múa quạt, chị em phụ nữ còn tập thêm nhiều tiết mục khác, nếu nội dung nào quên thì vào Youtube để tìm hiểu, sau đó cùng nhau ráp lại thành một chương trình nghệ thuật của người Mường trên đất Tây Nguyên.

Từ cửa khẩu quốc tế Bờ Y, giáp ranh với vùng đất khô cằn Phoukeua của Lào đi ngược về phía xã Pờ Y, càng đi vào sâu nội địa thì càng hiện ra khung cảnh bạt ngàn cà phê, cao su được trồng ngay hàng, thẳng lối như những bức tranh vẽ. Hơn 30 năm từ vùng đất bên sông Đà vào vùng biên viễn xa xôi, người dân tộc Mường góp phần rất lớn vào sự phát triển của xã Pờ Y, đồng thời còn nhân lên “niềm tự hào nông dân Việt”.

Theo báo cáo của Chi bộ thôn Bắc Phong, toàn thôn có 576ha đất trồng cây nông nghiệp, trong đó, cà phê 342ha, lúa nước gần 47ha, cao su 162ha, lúa nước gần 47ha và nhiều loại cây trồng khác. Toàn thôn chỉ còn 6 hộ nghèo, chiếm 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Ngày 21/6/2023, UBND huyện Ngọc Hồi đã có quyết định công nhận thôn Bắc Phong là nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 10/10 tiêu chí).

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/niem-vui-dau-xuan-o-lang-muong-noi-nga-ba-dong-duong-post472913.html