Niềm tin giữa đại dịch

COVID-19 giờ đây được nhắc đến hàng ngày, hàng giờ ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Biến thể của SARS-CoV-2 đang ngày trở nên nguy hiểm, tác động tiêu cực đến cuộc sống của mỗi người và được dự báo sẽ còn kéo dài với những hệ lụy ngay cả khi hết dịch.

Chị Vi Thị Kiều Ly tranh thủ thời gian hướng dẫn con học online.
(baophutho.vn) - COVID-19 giờ đây được nhắc đến hàng ngày, hàng giờ ở khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Biến thể của SARS-CoV-2 đang ngày trở nên nguy hiểm, tác động tiêu cực đến cuộc sống của mỗi người và được dự báo sẽ còn kéo dài với những hệ lụy ngay cả khi hết dịch. Trước tình hình đó, tự thay đổi, điều chỉnh thói quen, tác phong sinh hoạt, làm việc để thích ứng, “sống chung” với COVID-19 đang được mỗi gia đình và toàn xã hội xác định là chiến lược cần thiết, lâu dài, bền bỉ và quyết liệt...

“Mỗi người nâng cao ý thức, chúng ta sẽ chiến thắng”
Dịch bệnh COVID-19 hiện nay đã quá gần với chúng ta với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và cuộc sống của gia đình tôi cũng không tránh khỏi sự xáo trộn đó - Chị Vi Thị Kiều Ly ở phường Tân Dân (thành phố Việt Trì) chia sẻ, chồng chị đang là giảng viên Học viện Biên phòng (Hà Nội), thực hiện nhiệm vụ được giao, anh đã đi tăng cường biên giới chốt chặn các điểm “nóng” tiếp giáp với nước láng giềng nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 từ các đường mòn lối mở thâm nhập vào Việt Nam. Các chuỗi ngày sau đó là áp dụng “cấm trại”, thực hiện những nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất của đơn vị, luôn căng mình chống dịch, không có thời gian về thăm gia đình, hàng ngày, tranh thủ những phút rảnh rỗi, anh gọi điện về động viên, nhắc nhở ba mẹ con ở nhà chú ý phòng chống dịch bệnh, cố gắng thu xếp cuộc sống và chăm sóc các con. Chồng công tác xa, một mình chăm sóc hai con, một cháu vừa thi vào THPT, một cháu lên lớp 8, bản thân chị Ly cũng làm công chức Nhà nước nên giờ giấc rất chặt chẽ. Trước đây, chưa có dịch bệnh, các cháu có thể tự mua đồ ăn sáng, nhưng giờ thì chị phải cố gắng dậy sớm nấu bữa sáng và chuẩn bị cả bữa trưa. Khó khăn nữa là những năm trước, thời điểm hè gia đình cũng cho các cháu đến trường học thêm, ngoài giờ học cháu lớn đến phòng tập gym, cháu nhỏ đạp xe công viên, nhưng hiện nay để đề phòng dịch bệnh nên các cháu chỉ ở nhà, điều đó khiến chị không khỏi lo lắng con mình sẽ mải mê với điện thoại và máy vi tính… Để đối phó cũng như thích ứng với dịch bệnh, chị Ly cũng đã đề ra cho mình những biện pháp khắc phục, vượt khó mà theo chị điều đầu tiên đó là tinh thần lạc quan. Chị chia sẻ: Dịch bệnh COVID-19 giờ đây thực sự là mối lo ngại cho toàn xã hội. Mỗi ngày thức dậy đã có thể nghe thông tin về các ca nhiễm COVID-19 cũng như các F liên quan ngay trên địa bàn tỉnh, huyện, xã, khu dân cư trong tỉnh. Trong tình hình như hiện nay, tôi và gia đình không hoang mang, lo lắng, mà vẫn lạc quan chuẩn bị tâm thế cho “trận chiến mới”, thường xuyên theo dõi nắm bắt thông tin chủ động khắc phục và sắp xếp cuộc sống gia đình. Giữa đại dịch của thế giới, chỉ cần mỗi người nâng cao ý thức chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch thì chúng ta sẽ chiến thắng”.

Chị Nguyễn Thị Thương.

“Sống chậm để chống dịch”
Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, công việc kinh doanh và cuộc sống gia đình của chị Nguyễn Thị Thương - Chủ Spa Queen số 424 đường Châu Phong, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì đã bị ảnh hưởng, xáo trộn. Nghề Spa mang lại thu nhập chính cho gia đình chị, với các dịch vụ thẩm mỹ, phun xăm, trị mụn, nám, tàn nhang, nail…, Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có nguy cơ lây lan ra cộng đồng, Spa của chị đã phải đóng cửa, chấp hành nghiêm văn bản của thành phố Việt Trì về việc tạm dừng các hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh không thiết yếu. Chị cho biết: Đối với một cơ sở dịch vụ, đóng cửa là điều vô cùng khó khăn. Mặc dù vậy, tôi vẫn tự tin, lạc quan tìm phương án khắc phục. Do Spa của tôi đã gây dựng được nhiều khách hàng thân quen, trong đó cũng có nhiều khách hàng điều trị, làm đẹp theo liệu trình, vì vậy tôi sẵn sàng đến phục vụ tại nhà của khách hàng, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, tránh tập trung đông người tại Spa. Ngoài ra, tôi cũng tận dụng thế mạnh của facebook để livestream giới thiệu mỹ phẩm làm đẹp có thương hiệu, uy tín, để khách có thể mua online chăm sóc sắc đẹp mùa dịch tại nhà mà không cần đến Spa. Tất nhiên, phương án đến tận nhà phục vụ khách không đơn giản bởi sẽ phải mang theo những đồ dùng, máy móc rất cách rách, phức tạp trong khi lượng khách cũng không nhiều, khiến doanh thu bị sụt giảm so với trước khi có dịch. Khó khăn, áp lực tiền thuê cửa hàng, chi phí nhân viên, điện, nước là vậy, nhưng tôi vẫn cố gắng khắc phục để vừa đáp ứng nhu cầu của khách, vừa đảm bảo duy trì kinh tế cho gia đình. Chị Thương cũng chia sẻ thêm, không chỉ công việc dịch vụ làm đẹp của chị bị ảnh hưởng mà cả cuộc sống gia đình, chăm sóc hai đứa con trai nhỏ mùa dịch cũng là vấn đề chị phải lo lắng. Con không đến trường khi đang ở tuổi nghịch ngợm, khám phá; rồi việc nội trợ chị cũng phải đảm nhiệm. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước đang diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu ngừng lại, nên sẽ còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội, vì thế gia đình tôi đã chuẩn bị tâm lý thích ứng với COVID-19, không hoang mang, mất bình tĩnh, “sống chậm” hơn, nắm bắt tình hình dịch bệnh mỗi ngày. Vừa đảm bảo chống dịch vừa lo củng cố thu nhập cho gia đình là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến trong lúc khó khăn do dịch bệnh như hiện tại.

Chị Lỗ Hải Hà.
“Doanh thu giảm, niềm tin tăng”
Catfee House ở Khu đô thị Trầm Sào lâu nay đã trở thành địa chỉ quen thuộc chuyên đồ ăn nhanh đối với khách hàng chủ yếu là giới trẻ và công chức trên địa bàn thành phố do chủ quán Lỗ Hải Hà làm chủ. Khởi nghiệp khi còn trẻ tuổi, chị Hà đã dồn tâm huyết hiện thực hóa ước mơ làm “cô chủ nhỏ”. Với vị trí trung tâm, quy mô cửa hàng vừa đủ rộng và không gian trang trí ấm áp, đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng và sau nhiều năm gây dựng uy tín bằng chất lượng các món ăn, đồ uống, cửa hàng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Tuy nhiên, khó khăn gặp phải lại do yếu tố khách quan từ dịch bệnh COVID-19. Chị Hà chia sẻ: Từ khi đợt dịch này bùng phát, cửa hàng đã thực hiện nghiêm các văn bản của UBND thành phố Việt Trì liên quan đến việc giãn cách không tập trung đông người và hiện nay là không được phục vụ khách hàng tại cửa hàng mà chỉ bán mang về. Mặc dù trước nay, cùng với lượng khách đến sử dụng dịch vụ tại cửa hàng cũng rất đông, trung bình khoảng 40-50 lượt khách mỗi ngày thì lượng khách đặt đồ của cửa hàng mang đi cũng khá nhiều. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến cửa hàng gặp những khó khăn do nguồn hàng nhập về đôi khi bị gián đoạn, cước phí vận chuyển tăng hơn. Hiện tại, doanh thu của cửa hàng cũng giảm khoảng 30% so với trước kia không có dịch bệnh, nhưng chi phí cho cửa hàng thì không giảm như tiền thuê nhân viên, tiền điện, tiền nước... Chủ động tìm cách khắc phục khó khăn, chị Hà lạc quan: Chúng tôi đã từng trải qua những đợt dịch trước, cũng từng thực hiện giãn cách, từ đó cũng đã xác định những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài. Với tình hình dịch bệnh như hiện nay chưa biết đến khi nào kết thúc nên buộc chúng tôi có những giải pháp thích nghi. Để giảm bớt chi phí nhân lực, bố mẹ tôi đã nghỉ hưu nên cũng ra cửa hàng phụ giúp; thực hiện tiết kiệm, hạn chế tối đa chi phí phát sinh và ngay cả những đơn hàng gọi ship chúng tôi cũng tính toán các tuyến đường thuận tiện cho nhân viên giao hàng nhiều đơn cùng một lúc. Do uy tín cửa hàng chúng tôi đã gây dựng được sau 5 năm hoạt động, vì thế việc bán hàng qua online cũng rất thuận lợi, nên chúng tôi đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, đồ ăn của cửa hàng cập nhật thực đơn theo từng ngày để khách hàng tiện đặt hàng mang đi. Mặc dù khó khăn do dịch bệnh COVID-19, tôi cho rằng đến thời điểm hiện tại, không chỉ riêng cá nhân tôi mà nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ khác cũng buộc phải thích ứng, và với tôi “Doanh thu có thể giảm nhưng niềm tin sẽ luôn tăng”!

Huyền Nga

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202108/niem-tin-giua-dai-dich-178798