Những ý kiến tâm huyết

L.T.S: Hôm nay (25-9), tại Rạp Măng non - Nhà Thiếu nhi T.P Thái Nguyên diễn ra Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019-2024. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa quan trọng đối với thanh niên toàn tỉnh. Trước thềm Đại hội, phóng viên Báo Thái Nguyên ghi lại một số ý kiến của cán bộ, hội viên, thanh niên tiêu biểu.

Những ý kiến tâm huyết
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên
Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2019-2024

Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp

Anh Lê Văn Lâm, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đầu tư và Khởi nghiệp Thái Nguyên:

Câu lạc bộ (CLB) Đầu tư và Khởi nghiệp Thái Nguyên thành lập từ năm 2017, hiện có 45 thành viên là các doanh nghiệp trẻ, đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Khi bắt đầu khởi nghiệp, bản thân tôi cũng như các bạn trẻ trong CLB đều gặp khó khăn về vốn, thiếu kiến thức quản trị nhân lực, quản trị tài chính… Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, chúng tôi mong muốn Hội LHTN tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ thông qua những hoạt động như: Tổ chức các chương trình tọa đàm, khóa học về khởi nghiệp; kết nối, tạo điều kiện cho các thanh niên khởi nghiệp có dịp gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp lớn về cách thức khởi nghiệp; hỗ trợ tư vấn các kiến thức pháp lý cơ bản cho người khởi nghiệp… Qua đó, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho thanh niên học tập, phát triển năng lực, thực hiện ước mơ, hoài bão và khát vọng vươn lên.

Đoàn kết tập hợp thanh niên

Mông Thị Tuyết Nhung, Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN huyện Võ Nhai:

Để công tác đoàn kết tập hợp thanh niên, đặc biệt là thanh niên vùng dân tộc thiểu số và thanh niên tín đồ tôn giáo đạt được nhiều kết quả tốt, tôi cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạnh và tích cực tham gia đấu tranh chống lại các thế lực thù địch; phát hiện và tố giác kịp thời các hoạt động chống phá cách mạng của tổ chức phản động. Vận dụng sáng tạo, tinh thần chỉ đạo trong các Nghị quyết của Đảng về công tác đoàn kết tập hợp thanh niên dân tộc, tôn giáo của Đoàn, Hội. Cùng với đó, Hội cần tổ chức tốt các hoạt động chăm lo nhu cầu hợp pháp, chính đáng của thanh niên; xây dựng lực lượng cốt cán, có uy tín, phải lấy thủ lĩnh làm nòng cốt; xây dựng lớp cán bộ Hội chủ chốt có “tâm”, có “tầm” và “có trách nhiệm” trong thực hiện nhiệm vụ; tạo môi trường thuận lợi để thanh niên được rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

Góp phần giúp học sinh phát triển toàn diện

Mai Hồng Bưởi, giáo viên, Bí thư Chi đoàn Trường Tiểu học Chợ Chu (Định Hóa): Là giáo viên chuyên trách giảng dạy môn Thể dục, tôi hiểu đây là bộ môn giáo dục thể chất - thành tố quan trọng trong quá trình hoàn thiện con người. Để các em học sinh phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ, trong quá trình lên lớp, tôi đã vận dụng sáng tạo, đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học, truyền cảm hứng cho các em trong các giờ học để các em cảm thấy có nhu cầu, niềm đam mê và hào hứng với môn học. Ngoài giờ lên lớp, tôi mở các lớp ngoại khóa tập luyện thể dục thể thao: Dancesport, Aerobic và võ thuật được các em tham gia tích cực, từ đó giúp học sinh phát huy được năng khiếu vốn có của mình. Bên cạnh đó, tôi tích cực huấn luyện học sinh tiểu học, THCS tham gia Hội khỏe Phù đổng cấp tỉnh, toàn quốc và liên tục đạt thành tích cao qua các năm. Trong vai trò là Bí thư Chi đoàn Trường Tiểu học Chợ Chu, tôi luôn chủ động, tích cực, tham gia nhiệt tình các hoạt động của Đoàn, của ngành cũng như các tổ chức xã hội, từ thiện…

Tổ chức các chương trình tình nguyện thiết thực

Lưu Quang Thế, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên tình nguyện Đại học Thái Nguyên: Là Chủ nhiệm CLB Sinh viên tình nguyện Đại học Thái Nguyên, tôi phát huy tốt trách nhiệm của bản thân, hăng hái tham gia công tác Đoàn, Hội tại địa phương cũng như tại trường học. Tôi luôn cùng Ban Chủ nhiệm CLB lên kế hoạch tổ chức và thực hiện các chương trình tình nguyện sao cho phù hợp, thiết thực và ý nghĩa. Nhờ vậy, CLB đã tập hợp được số lượng tình nguyện viên đông đảo và ngày càng lớn mạnh. Hiện nay, số tình nguyện viên chính thức của CLB thông qua thi tuyển là 266 người, phân bố đều tại các trường trong Đại học Thái Nguyên. Ngoài ra, có nhiều bạn đang là cộng tác viên, mặc dù chưa là thành viên chính thức nhưng vẫn hăng hái tham gia các hoạt động của CLB. Hàng năm, CLB tổ chức được nhiều hoạt động nhân đạo, từ thiện, hiến máu tình nguyện ở trong và ngoài tỉnh. Riêng về bản thân, tôi luôn có tinh thần tự giác, tự rèn luyện để không ngừng trau dồi kiến thức trong học tập và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn

Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hội LHTN thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ): Tình trạng thanh niên ở nông thôn đi làm ăn xa ngày càng có chiều hướng gia tăng, dẫn đến công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là nhiều thanh niên trình độ còn hạn chế, không có tay nghề và công việc ổn định, khó tiếp cận được nguồn vốn vay hoặc số tiền vay không đủ để đầu tư phát triển kinh tế ở địa phương. Tại Đại hội hội lần này, tôi mong muốn các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, đi sâu vào vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. Theo đó, định hướng nghề phải phù hợp với trình độ của thanh niên và nhu cầu việc làm của từng địa phương; đồng thời cần nhân rộng các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham mưu chính sách linh hoạt cho thanh niên vay vốn… để thanh niên có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng tại quê hương. Đồng thời, Hội cũng cần tăng cường quan tâm đến những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên yếu thế, khuyết tật và thanh niên chậm tiến… từ đó góp phần tăng cường công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên.

Kết nối lao động trẻ với doanh nghiệp

Nguyễn Thị Kim Thành, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT: Đoàn Thanh niên Công ty có trên 400 đoàn viên. Trong hoạt động, chúng tôi gặp nhiều thuận lợi khi được Ban Giám đốc tạo điều kiện về giờ làm việc, bố trí nhân lực, kinh phí… Thêm nữa, do đoàn viên đều làm việc tại cùng một khu vực nên việc tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động, phong trào lớn khá thuận lợi. Qua đó, đóng góp không nhỏ vào phong trào thanh niên của địa phương và của tỉnh. Tham dự Đại hội Hội LHTN tỉnh lần này, tôi hy vọng với vai trò xung kích của lực lượng thanh niên, có thể tạo ra tiếng nói góp phần gắn kết tuổi trẻ các địa phương, định hướng tư tưởng, hoạt động cho đoàn viên. Đồng thời kỳ vọng Hội LHTN có thể kết nối giữa Ban Chấp hành Đoàn các địa phương với các đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức các hoạt động, phong trào, sự kiện lớn. Từ đó, thu hút đoàn viên tham gia, góp phần quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp, thu hút thêm lực lượng lao động trẻ vào làm việc tại Công ty.

Hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số phát triển kinh tế

Mã Văn Đức, dân tộc Nùng, xóm Bờ La, xã Tân Kim (Phú Bình): Tại xóm tôi có đến 97% dân số là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Nùng. Là địa phương thuộc xã miền núi, do không có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nên thanh niên ở xóm chủ yếu đi làm xa khiến phong trào Đoàn, Hội gặp không ít khó khăn. Có thời điểm, ở địa phương chúng tôi chỉ có 4-5 đoàn viên, thanh niên sinh hoạt. Thông qua Đại hội Hội LHTN tỉnh lần này, tôi mong muốn các cấp Hội có thể góp tiếng nói của mình vào vấn đề quan tâm tạo điều kiện cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Các nguồn hỗ trợ như: Vốn vay, khoa học kỹ thuật, cây con giống… đều rất cần thiết để thanh niên vươn lên phát triển kinh tế ngay tại chính quê hương của mình. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế khu vực miền núi, đồng thời, tạo động lực để gây dựng phong trào thanh niên ở cơ sở.

Nhóm P.V (thực hiện)

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/nhung-y-kien-tam-huyet-266440-85.html