Những vũ nữ Chăm dưới ngôi Tháp bà nghìn tuổi

Duới ngọn tháp hàng nghìn năm tuổi, Tháp bà Ponagar (TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) hình ảnh các cô gái Chăm múa uyển chuyển, nhịp nhàng theo nhạc đã dần trở nên quen thuộc với nhiều du khách đến Nha Trang.

Dưới Tháp bà Ponagar kể chuyện đời, chuyện nghề và… chuyện uớc mơ

Chúng tôi có dịp đến Tháp bà Ponagar - nơi còn lưu giữ công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của vương quốc Chăm Pa cổ, được xây dựng khoảng từ giữa thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ XIII.

Từ xa, tiếng kèn Saranai cùng nhịp trống Ghi - năng vang lên rộn ràng, vui tươi hòa quyện nhịp nhàng với các điệu múa của những vũ nữ Chăm đã làm say lòng những người đặt chân tới đây.

Các cô gái này đều là “thanh nữ” được tuyển chọn khắt khe để thực hiện điệu múa dân gian nhằm giữ gìn nét văn hóa và phục vụ du khách dưới chân tháp.

Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề, thiếu nữ Như Ý (20 tuổi) tự hào kể rằng em sinh ra tại vùng quê nghèo thuộc tỉnh Ninh Thuận. Trong gia đình, có mẹ và dì múa rất đẹp, dì em lúc đó là vũ nữ của đội múa Chăm (đội múa duy nhất) tại Tháp bà Ponagar nên ngay từ nhỏ, Như Ý hay được dẫn tới giao lưu với các cô, các chị trong đội thi diễn múa: “Em xem và mê lắm, học lỏm từng động tác để về diễn lại cho các bạn cùng lớp xem. Cứ vậy, từng điệu múa, làn điệu âm nhạc Chăm đã in sâu vào trong trí nhớ của em như thế”.

Những vũ nữ Chăm xinh đẹp múa quạt khiến ai cũng ngước nhìn. (Ảnh: Hương Thảo)

Nhận thấy cháu gái có năng khiếu, dì của Như Ý đã hướng dẫn, chỉ dạy em tập múa gắn với đạo cụ như: Khăn, quạt, chum - tất cả đều là những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của người Chăm. Thời gian trôi đi, khi dì của Như Ý đến độ tuổi qui định phải ra khỏi đội múa để nhường chỗ cho những “thanh nữ” khác, Như Ý đã thể hiện tài năng của mình và được lựa chọn là lứa vũ nữ tiếp theo tiếp tục gìn giữ bảo tồn nét văn hóa dưới chân ngôi tháp nghìn tuổi.

Nở nụ cười tươi, Như Ý chia sẻ đội múa Chăm được gọi là “thánh nữ” bởi các thiếu nữ Chăm trong đội múa có tuổi đời từ 16-20 và được tuyển chọn từ các huyện thuộc tỉnh Ninh Thuận. Tiêu chí hàng đầu trong tuyển chọn họ phải là thiếu nữ Chăm chưa lấy chồng, xinh đẹp, những người trong đội múa nếu lấy chồng thì phải dừng công việc này.

Theo Như Ý, múa dân gian Chăm có nhiều điệu múa như: Múa quạt, múa đội nước, múa khăn, múa đạp lửa… Dù được học múa từ nhỏ nhưng khi trở thành vũ nữ trong đội múa đặc biệt này, Ý đã phải tập luyện rất nhiều. Tập thân, tập tay, tập với sự uyển chuyển, nhịp nhàng và quan trọng là múa bằng… ánh mắt.

Thiếu nữ Như Ý biểu diễn thuần thục các động tác múa. (Ảnh: Hương Thảo)

Điệu múa Apsara khó chinh phục nhất vì phải tập giữ thăng bằng bằng một chân, nhưng khó nhất vẫn là ánh mắt, làm sao thể hiện được vẻ đẹp thần thái, huyền bí.

“Em đã múa ở Tháp bà Ponagar được gần hai năm và bây giờ điệu nào em cũng múa được. Thấy du khách vỗ tay khen, chúng em cảm thấy vui lắm. Sau này khi đến độ tuổi giải nghệ, em sẽ về quê tiếp tục hướng dẫn, truyền lại cho các thiếu nữ khác những điệu múa hay”, Như Ý bộc bạch.

Cách đó không xa, thiếu nữ Vạn Thị Mận (21 tuổi) đang chỉnh trang chuẩn bị biểu diễn. Hôm nay, Mận và các vũ nữ khác sẽ múa lu và múa quạt phục vụ du khách và người dân đến xem.

Hỏi về chuyện vì sao không tìm một công việc khác để làm thay vì chỉ vào đội múa vài năm rồi lại đi, Mận thẹn thùng: “Gia đình em chỉ làm nông nên rất khó khăn. Được vào làm tại đây, em còn có tiền chế độ, có chỗ ăn, ngủ, được ra phố dạo chơi mỗi tối nên em mừng lắm. Nhờ thế, em còn có tiền gửi về nuôi em gái đang ăn học ở quê. Hi vọng vài năm sau, số tiền em dành dụm khi tham gia tại đội múa đủ để em buôn bán hay kinh doanh gì đó nho nhỏ”.

Thú vị là, sau một thời gian múa Chăm được đưa vào hoạt động ở Tháp bà Ponagar, đã gây ấn tượng mạnh và thu hút rất đông du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Lưu giữ nét văn hóa qua nghệ thuật múa Chăm

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Tháp bà Ponagar, đội múa Chăm gồm 10 người, đều được Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa ký hợp đồng và trả lương. Ngoài ra, Trung tâm còn tạo điều kiện cho đội múa để một lu gốm (gốm bầu trúc) trước sân khấu để du khách có thể hỗ trợ thêm cho họ.

Việc đưa múa Chăm vào bên cạnh tháp Chăm có một ý nghĩa hết sức đặc biệt làm cho di sản giàu sức sống, có hồn. (Ảnh: Hương Thảo)

Bà Hằng cho biết, hoạt động múa Chăm đã được diễn ra khoảng 15 năm, người Chăm theo chế độ mẫu hệ vì vậy gần như là các nghệ nhân ở đây thì đội ngũ nam làm tương đối ổn định nhưng các vũ nữ sẽ phải thay khi đến tuổi bắt chồng. Những nghệ nhân còn lại có trách nhiệm đi tìm thiếu nữ thay thế.

“Việc đưa người Chăm về lại di tích của người Chăm đã góp phần cho hồn di tích được sống dậy, thông qua việc biểu diễn tại địa điểm du lịch có nhiều du khách tham quan thưởng lãm thì việc truyền tải những giá trị văn hóa được sâu rộng hơn”, bà Hằng nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban cho rằng, trước rất nhiều tháp của người Chăm ở các địa phương khác bị bỏ hoang, hoạt động múa Chăm tại Tháp bà nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cơ sở doanh nghiệp du lịch là tín hiệu vui và rất đáng nhân rộng.

Hương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nhung-vu-nu-cham-duoi-ngoi-thap-ba-nghin-tuoi-168745.html