Những vụ máy bay quân sự đâm nhau trên không thảm khốc nhất lịch sử

Chỉ trong 4 ngày qua đã xảy ra hai vụ tai nạn máy bay quân sự ở Malaysia và Nhật Bản khiến toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng. Thế giới cũng từng chứng kiến nhiều vụ máy bay quân sự va chạm dẫn tới hậu quả thảm khốc.

Trong đêm ngày 20/4, 2 trực thăng tuần tra SH-60K đã rơi ngoài khơi đảo Torishima thuộc quần đảo Izu ở Thái Bình Dương. Vụ tai nạn khiến 1 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng, 7 người còn lại vẫn đang mất tích. Các trực thăng này đang tiến hành huấn luyện ban đêm về định vị tàu ngầm. Giới chức Lực lượng Phòng vệ Trên biển Nhật Bản hiện vẫn chưa công bố nguyên nhân vụ việc, xong có nhiều nghi ngờ cho thấy hai chiếc trực thăng này đâm vào nhau trong lúc huấn luyện và rơi xuống biển. Ảnh: NHK.

Ngày 23/4, giới chức Malaysia cho biết, hai máy bay trực thăng của Hải quân Malaysia bất ngờ va chạm giữa không trung trong buổi diễn tập cho cuộc duyệt binh nhân 90 năm ngày Hải quân Malaysia và rơi xuống đất, khiến toàn bộ 10 thành viên phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng.

Trong lịch sử từng xảy ra nhiều vụ máy bay quân sự đâm vào nhau trên không trong khi huấn luyện, gây ra những hậu quá đáng tiếc. Ngày 30/8/2011, Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết máy bay chiến đấu của họ va chạm với máy bay chiến đấu của Pháp gần căn cứ không quân Zokniai, Lithuania. Trong vụ tai nạn này, máy bay chiến đấu cả Lithuania bị rơi nhưng may mắn là các phi công kịp sử dụng dù cứu hộ và thoát ra thành công. Trong khi đó, chiếc máy bay chiến Mirage của Pháp vẫn kịp hạ cánh sau va chạm.

Ngày 14/1/2014, Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ thông báo, hai chiếc máy bay quân sự chở theo 12 người đã đâm nhau trên không ở ngoài khơi đảo Oahu, sau khi cất cánh từ căn cứ quân sự Vịnh Kaneohe.

Ngày 12/11/2022, trong buổi biểu diễn của đoàn máy bay ở Dallas, bang Texas kỷ niệm ngày cựu chiến binh, hai chiếc máy bay quân sự thời Thế chiến thứ II là Boeing B-17 và Bell P-63 Kingcobra đã va chạm ở độ cao thấp và rơi xuống đất. Vụ việc khiến cả 6 người có mặt trên hai chiếc máy bay đều thiệt mạng.

Chiếc Bell P-63 Kingcobra chỉ có một phi công, trong khi chiếc Boeing B-17 có năm người trên khoang. Không có khách tham quan nào trên máy bay. Hai máy bay gặp nạn do Commemorative Air Force sở hữu. Các phi công tình nguyện tham gia sự kiện là những người đã được huấn luyện bài bản, thường là các phi công về hưu. Những người tham dự sự kiện đều sốc khi chứng kiến hai máy bay đâm vào nhau.

Ngày 28/1/2023, hai máy bay của Không quân Ấn Độ bị rơi trong một vụ tai nạn nghi va chạm trên không khi đang diễn tập cách thủ đô New Delhi khoảng 300km về phía nam. Hai máy bay gặp nạn được cho là cất cánh từ căn cứ không quân Gwalior, nơi đang diễn ra một cuộc diễn tập. Trực thăng Sukhoi-30 có 2 phi công trong khi máy bay Mirage 2000 có một phi công vào thời điểm xảy ra tai nạn.

Ngày 1/7/2023, hai máy bay T-27 của Không quân Colombia đâm vào nhau trong lúc bay huấn luyện tại căn cứ khiến một phi công thiệt mạng. Video do nhân chứng dưới mặt đất quay lại cho thấy hai máy bay T-27 Tucano va vào nhau khi bay theo đội hình, một chiếc bốc cháy và rơi xuống đất. Một nguồn tin quân sự cho biết những chiếc T-27 còn lại hạ cánh khẩn cấp sau vụ tai nạn. Vụ tai nạn xảy ra khi biên đội 5 máy bay T-27 của Colombia bay tổng duyệt trước buổi trình diễn tại triển lãm hàng không ở thành phố Rionegro.

T-27 là biến thể của mẫu máy bay huấn luyện EMB 312 Tucano do hãng Embraer tại Brazil sản xuất, có thể đảm nhận nhiệm vụ chống các nhóm phiến quân. Máy bay EMB 312 có tốc độ tối đa 458 km/h, tầm bay hơn 1.900 km, được trang bị súng 12,7 mm và 7,62 mm, cùng giá treo có thể mang theo rocket và bom.

Lý Thùy (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/nhung-vu-may-bay-quan-su-dam-nhau-tren-khong-tham-khoc-nhat-lich-su-1982838.html