Những vũ khí, trang bị quân sự mới được Nga giới thiệu tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 2020

Trong lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng phát xít diễn ra trên Quảng trường Đỏ vừa qua, bên cạnh quy mô hoành tráng của cuộc duyệt binh, một điểm đáng chú ý khác là có tới 24 mẫu phương tiện chiến đấu nâng cấp và mới tinh lần đầu tiên được giới thiệu trong khối phương tiện chiến đấu lục quân.

Đây là con số kỷ lục so với các lần duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng của Nga. Những phương tiện chiến đấu này không chỉ khẳng định vị thế siêu cường quân sự, mà còn thể hiện xu hướng phát triển vũ khí, trang bị trong vài thập niên tới của Nga.

Theo truyền thống, khối duyệt binh phương tiện chiến đấu lục quân Nga được dẫn đầu bởi khối duyệt binh xe tăng hạng trung T-34-85. Tổng cộng có 30 chiếc T-34-85 và 7 xe pháo chống tăng tự hành Su-100 tham gia duyệt binh năm nay.

Khối duyệt binh xe tăng T-34-85 và pháo tự hành diệt tăng Su-100.

Xe tăng T-34 được phát triển tại Kharkov, Ukraine từ cuối những năm 1930. Trong suốt Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và thời gian sau đó, dòng xe tăng này được nâng cấp nhiều lần với 84.000 chi tiết được sửa đổi. Dòng xe tăng này đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng của Hồng quân trước quân phát xít. Nó có trong trang bị không chỉ quân đội Liên Xô, mà còn ở nhiều quốc gia khác trên khắp thế giới.

Trong khi đó, pháo tự hành chống tăng Su-100 được phát triển trên cơ sở khung gầm xe tăng T-34-85. Sản phẩm của nhà máy Uralmashzavod nổi tiếng với pháo chính 100mm uy lực, có khả năng bắn hạ mọi loại xe tăng của phát xít Đức. Tổng cộng đã có hơn 5.000 phương tiện chiến đấu loại này được chế tạo trong thời gian Thế chiến 2. Sợ hãi trước uy lực của Su-100, quân phát xít đã đặt biệt danh cho cỗ máy chiến tranh là “Dấu chấm hết tất cả”.

Một trong những phương tiện chiến đấu lần đầu tiên được giới thiệu tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 2020 là xe bọc thép Typhoon-VDV dành cho lực lượng đổ bộ đường không. Sử dụng kết cấu bánh hơi 4x4 và giáp gốm ngăn chặn được các loại đạn bộ binh bắn thẳng, xe Typhoon-VDV bắt đầu được trang bị cho quân đội Nga trong năm 2020.

Xe bọc thép Typhoon-VDV.

Tiếp đó là khối đội hình xe tăng chiến đấu chủ lực với 4 dòng xe tăng chính là T-72B3, T-14 Armata, T-80BVM và T-90M Proryv. Trong khi xe tăng T-72B3 và T-14 Armata không còn xa lạ, thì các đơn vị xe tăng T-80BVM và T-90M Proryv là các biến thể nâng cấp lần đầu tiên được giới thiệu. Xe tăng T-80BVM được nâng cấp để thích nghi với môi trường tác chiến giá lạnh giá ở vùng Bắc Cực, còn xe tăng T-90M Proryv được coi là biến thể nâng cấp sâu của dòng xe tăng T-90 dựa trên các kinh nghiệm chiến đấu tại chiến trường Syria.

Một điểm đáng chú ý khác là các đơn vị xe chiến đấu bộ binh Kyrganet-25 và xe chiến đấu hộ vệ tăng T-15 Armata tham gia duyệt binh được trang bị module chiến đấu tự động Kinzhal và Epokha với pháo chính 57mm mới. Đây được coi là gói nâng cấp đáng kể về uy lực và hiệu quả chiến đấu. Pháo 57mm cho phép sử dụng các loại đạn thông minh, nổ định tầm, cũng như có tầm bắn ưu thế hơn và xuyên thủng được các loại giáp phản ứng nổ. Module chiến đấu mới giúp tăng hiệu quả tác chiến tổng thể của phương tiện.

Xe tăng T-80BVM tham gia duyệt binh.

Xe chiến đấu hộ vệ tăng T-15 Armata với module chiến đấu tự động trang bị pháo 57mm.

Không chỉ được trang bị trên các phương tiện chiến đấu bộ binh, pháo 57mm còn được ứng dụng trên tổ hợp pháo phòng không tự hành Derivasya-PVO để thay thế vai trò của dòng pháo phòng không 3SU-23-4 Shilka trong các nhiệm vụ phòng không tầm thấp và chống phương tiện bay không người lái.

Khối đội hình pháo tự hành tham gia duyệt binh là các tổ hợp Msta-S và Coalisia-SV. Các đơn vị Coalisia-SV vừa được biên chế cho quân đội Nga từ đầu tháng 5-2020. Với cỡ nòng 152mm, Coalisia-SV có tốc độ bắn tới 10 viên/phút và tầm bắn đạt 70km. Đây là một trong những tổ hợp pháo tự hành uy lực và hiệu quả hàng đầu thế giới.

Trong khối đội hình pháo binh còn có các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt Tornado-S lần đầu tiên được giới thiệu. Được thiết kế để thay thế cho dòng pháo phản lực BM-30 Smerch, Tornado-S cũng sử dụng đạn rocket cỡ 300mm, nhưng được áp dụng công nghệ mới giúp tăng độ chính xác và tầm bắn lên tới 120km.

Các khối phương tiện cơ giới với hàng loạt trang bị mới, lần đầu được giới thiệu tại lễ duyệt binh.

Tổ hợp tên lửa phòng không lục quân S-300V4.

Khối vũ khí phòng không lục quân tham gia duyệt binh có nhiều dòng phương tiện chiến đấu mới nhất với Tor-M2, Buk-M3 và S-300V4. Trong đó nổi bật là phiên bản lục quân của tổ hợp S-300. Được âm thầm trang bị cho lục quân Nga từ năm 2014, tổ hợp S-300V4 được coi là S-400 phiên bản dã chiến. Thay vì khả năng phòng thủ điểm như S-400, S-300V4 lại được thiết kế là lá chắn phòng không-phòng thủ tên lửa bảo vệ đội hình hành quân, tác chiến của các quân đoàn, tập đoàn quân. Nó đáp ứng khả năng phát hiện và theo dõi đồng thời 24 mục tiêu bay; dẫn bắn 16 tên lửa tấn công ở khoảng cách tới 350km. Dòng vũ khí lần đầu được giới thiệu tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng này không có đối trọng trên thế giới. Cùng với S-300V4, tổ hợp S-350 Vityaz cũng được giới thiệu lần đầu tiên. Tổ hợp tên lửa phòng không điểm này bắt đầu được trang bị từ cuối năm 2019 và được kỳ vọng sẽ thay thế các đơn vị tên lửa S-300 hiện có của quân đội Nga.

Tổ hợp súng phun lửa hạng nặng TOS-1A...

... và biến thể nâng cấp TOS-2.

Một dòng vũ khí mới khác lần đầu tiên được giới thiệu tại lễ duyệt binh là tổ hợp súng phun lửa hạng nặng TOS-2 Tosochka, phát triển trên cơ sở tổ hợp TOS-1A Solntsepek. Khác biệt của TOS-2 là nó sử dụng khung gầm xe tải bánh hơi đa dụng để tăng độ cơ động và khả năng nạp đạn nhanh trên chiến trường. Trong khi TOS-1A sử dụng khung gầm xe tăng T-72 đáp ứng môi trường tác chiến việt dã, thì TOS-2 phù hợp với môi trường tác chiến bất đối xứng, đặc biệt là trong đô thị. Sức tàn phá khủng khiếp của TOS-2 được kế thừa hoàn toàn lại từ TOS-1A và được giới chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá cao. Đạn rocket của TOS-2 tạo ra môi trường chân không; gây sốc nhiệt và áp suất cao để tiêu diệt sinh lực đối phương. Mỗi tổ hợp vũ khí hủy diệt diện này tạo ra vùng sát thương rộng từ 1-2km vuông và tầm bắn tới 6km tùy vào loại đạn rocket được sử dụng.

Xe phóng của tổ hợp tên lửa bờ Ball.

Điểm nhấn cuối cùng trong khối duyệt binh trang bị quân sự chính là các phương tiện rải mìn, dò mìn thế hệ mới ISDM đặt trên khung gầm xe Kamaz và tổ hợp tên lửa bờ Ball. Tổ hợp rải mìn tự động đáp ứng khả năng triển khai các loại mìn chống bộ binh và chống tăng thế hệ mới trên diện tích rộng lớn chỉ với một lần rải. Thiết bị dò mìn sử dụng sóng vô tuyến và xung từ tính để phát hiện các khu vực có mìn ở khoảng cách 100m. Trong khi đó, tổ hợp tên lửa bờ Ball với đạn tên lửa diệt hạm Kh-35 đáp ứng khả năng phòng thủ bờ biển ở khoảng cách 300km. Vũ khí này có thể vô hiệu hóa hoặc tiêu diệt các loại chiến hạm có lượng choán nước tới 5.000 tấn.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo TASS, RIAN…)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/nhung-vu-khi-trang-bi-quan-su-moi-duoc-nga-gioi-thieu-tai-le-duyet-binh-ngay-chien-thang-2020-624623