Những việc cần làm ngay khi trẻ bị bỏng

Việc xử trí đúng ngay sau bỏng làm giảm diện tích, độ sâu bỏng, diễn tiến bệnh nhẹ hơn, giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế di chứng.

 Bỏng ở trẻ em dù diện tích nhỏ cũng gây mất nước, muối, huyết tương, có thể dẫn tới sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy kiệt đến tử vong. Ảnh: Shutterstock.

Bỏng ở trẻ em dù diện tích nhỏ cũng gây mất nước, muối, huyết tương, có thể dẫn tới sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy kiệt đến tử vong. Ảnh: Shutterstock.

Bỏng là chấn thương hay vết thương do yếu tố vật lý (nhiệt nóng, lạnh), hóa học (acid, bazơ), bức xạ gây nên dẫn đến hủy hoại da và tổ chức dưới da. Đây là tai nạn thường gặp trong cộng đồng từ nhiều nguyên nhân gây nên.

Theo BSCKII Phùng Công Sáng, Đơn vị Bỏng - Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội, bỏng ở trẻ em dù diện tích nhỏ cũng gây mất nước, muối, huyết tương, có thể dẫn tới sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy kiệt đến tử vong.

Bỏng gây đau đớn cho trẻ nhỏ, làm cho bé dễ hoảng sợ và có thể bị sốc. Ngoài ra, bỏng còn ảnh hưởng tới tâm sinh lý, sự phát triển tâm hồn và thể chất. Bỏng sâu thường để lại sẹo sẽ ảnh hưởng tới tâm lý, thẩm mỹ, chức năng của trẻ.

Việc xử trí đúng ngay sau bỏng làm giảm diện tích, độ sâu bỏng, diễn tiến bệnh nhẹ hơn, giảm tỷ lệ tử vong, hạn chế di chứng.

Nguyên nhân gây bỏng thường gặp

Bác sĩ Sáng cho biết trẻ bị bỏng nhiệt chiếm 84-94%. Trong đó, trẻ có thể bị bỏng do nhiệt khô (lửa, kim loại nóng đỏ, các chất khí nóng, bức xạ nhiệt, nham thạch…); nhiệt ướt (hơi nước nóng, chất lỏng nóng sôi, parafin nóng sôi, nhựa đường nóng sôi, vôi tôi vừa gây bỏng ướt, vừa gây bỏng kiềm…).

Ngoài ra, trẻ có thể bị bỏng hóa chất do tiếp xúc với các hóa chất ở nhà hoặc hóa chất công nghiệp. Các loại hóa chất có thể gây bỏng cho bé như acid sunfuric - H2SO4, acid nitric - HNO3, acid clohydric - HCl; base đặc mạnh (KOH, NaOH, NH4OH…).

Bỏng điện ở trẻ thường do tiếp xúc tia lửa điện, luồng điện, dòng điện (hạ thế, cao thế), sét đánh. Nguyên nhân gây bỏng ít được chú ý hơn là bỏng bức xạ. Trẻ có thể bị bỏng từ bức xạ ánh sáng, tia cực tím, tia X, tia gamma, tia laser, hạt alpha, beta…

Khi bị bỏng, da trẻ đỏ hoặc tím và có thể xuất hiện nốt phỏng to và nhỏ, xung quanh nề đỏ, đau rát. Lúc này, bé cũng hốt hoảng, sợ hãi, vật vã, la hét…

Các bước sơ cấp cứu khi trẻ bị bỏng nhiệt

Bước 1: Loại trừ tiếp xúc với tác nhân gây bỏng càng sớm càng tốt.

Nhanh chóng loại bỏ tác nhân gây bỏng.
Đặt trẻ ở nơi an toàn, thoáng, khô ráo để có thể thực hiện sơ cứu ban đầu.
Nhanh chóng cắt quần áo, vòng, nhẫn trước khi phần bỏng sưng nề.

Bước 2: Đánh giá ban đầu, đảm bảo chức năng sống.

Tình trạng ý thức (tỉnh hay không tỉnh)
Đường thở (thông thoáng hay tắc nghẽn).
Tình trạng hô hấp (khó thở, ngừng thở không).
Tuần hoàn: Mạch ngoại vi còn hay không.
Phát hiện chấn thương kết hợp: Gãy xương hoặc chấn thương sọ não, chảy máu…
Tiến hành xử trí cấp cứu phù hợp với các tổn thương của trẻ.

 Khi bị bỏng, da trẻ đỏ hoặc tím và có thể xuất hiện nốt phỏng to và nhỏ, xung quanh nề đỏ, đau rát. Ảnh: Elpais.

Khi bị bỏng, da trẻ đỏ hoặc tím và có thể xuất hiện nốt phỏng to và nhỏ, xung quanh nề đỏ, đau rát. Ảnh: Elpais.

Bước 3: Nhanh chóng ngâm vùng bỏng vào nước sạch.

Ngâm vùng bỏng càng sớm càng tốt (tốt nhất trong vòng một giờ đầu). Bạn vừa ngâm rửa vùng bỏng, vừa dùng gạc lau nhẹ để làm trôi dị vật, bùn đất bám vào vết bỏng tránh làm tổn thương thêm da vùng bỏng. Bạn có thể đắp các khăn ẩm lên vùng bị bỏng.
Không sử dụng đá lạnh, nước đá để ngâm rửa hay chườm lên vết bỏng.
Thời gian ngâm rửa thường 15-45 phút cho tới khi hết đau rát.
Sử dụng nước lạnh sạch, nhiệt độ từ 16 đến 20 độ C là tốt nhất. Hãy tận dụng nguồn nước sạch sẵn có ngay tại nơi bị nạn như nước máy, nước mưa, nước giếng.

"Người dân chú ý chỉ ngâm rửa vùng bị bỏng còn những vùng khác của cơ thể cần được giữ ấm, nhất là mùa đông. Đặc biệt với trẻ em, người già, khi thời tiết lạnh, diện tích bỏng rộng, bạn cần rút bớt thời gian ngâm nước, đề phòng nhiễm lạnh", bác sĩ Công Sáng lưu ý.

Bước 4: Che phủ tạm thời vết bỏng.

Che phủ vết bỏng bằng gạc sạch hoặc vải sạch, có thể dùng khăn mặt, khăn tay, vải màn sạch.
Băng ép vết bỏng vừa phải bằng băng cuộn, băng vải, băng thun.

Bước 5: Ủ ấm, bù nước điện giải sau bỏng.

Bù nước điện giải bằng đường uống (uống orseol, nước chè đường ấm, nước cháo loãng, nước khoáng…)
Ủ ấm cho trẻ.
Giảm đau cho trẻ.

Bước 6: Vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Cách phòng tránh bỏng ở trẻ em

Không cho trẻ chơi, nô đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện…
Tránh để dụng cụ đựng nước nóng trong tầm tay với của trẻ em như nồi canh, phích nước, vòi nước nóng, bàn là đang nóng, ống xả xe máy, hơi nồi cơm điện…
Khi di chuyển nước nóng, thức ăn mới nấu... bạn cần tránh xa trẻ để trẻ không va đụng.
Luôn luôn kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống.
Cất giữ các chất dễ gây cháy bỏng vào tủ có khóa hoặc để ở những nơi ngoài tầm tay với của trẻ em.
Không được để trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm quẹt, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, bếp lửa đang đun nấu, cồn, xăng, hóa chất…
Không nên để trẻ tự tắm với vòi nước nóng lạnh, luôn luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm rửa.
Luôn trông chừng trẻ đúng cách, cần thường xuyên để ý đến trẻ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-viec-can-lam-ngay-khi-tre-bi-bong-post1423833.html