Những vấn đề phía sau cuộc đàm phán giữa Hamas và Chính quyền Palestine về việc quản lý Gaza

Trong khi chiến dịch tấn công Gaza của Isreal chưa có dấu hiệu giảm cường độ, thì Hamas và Chính quyền Palestine đã bắt đầu đàm phán về việc ai sẽ quản lý vùng đất này thời hậu chiến.

Hamas đã lên kế hoạch sau xung đột

Các nhà lãnh đạo chính trị của Hamas, hiện đang trú ngụ tại Doha (Qatar) bắt đầu nói chuyện với các đối thủ Palestine của họ, tức Chính quyền Palestine về cách quản lý Gaza và Bờ Tây sau khi chiến tranh kết thúc. Nhưng đây sẽ là một cuộc đàm phán căng thẳng và có nguy cơ khiến họ xung đột với phe chiến binh đang chiến đấu với Israel.

Husam Badran, một lãnh đạo Hamas, nói rằng cơ quan chính trị có trụ sở tại Doha của nhóm này muốn chiến tranh chấm dứt - Ảnh: WSJ

Cuộc đàm phán là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy phe chính trị của Hamas đang bắt đầu lên kế hoạch cho những gì xảy ra sau cuộc xung đột. “Chúng tôi không chiến đấu chỉ vì chúng tôi muốn chiến đấu. Chúng tôi không phải là người ủng hộ trò chơi có tổng bằng 0”, Husam Badran, thành viên nhóm chính trị của Hamas tại Doha, nói với The Wall Street Journal trong một cuộc phỏng vấn tại một biệt thự ở ngoại ô thủ đô của Qatar. Ông Badran nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn chiến tranh kết thúc”.

Tuyên bố của lãnh đạo Hamas đánh dấu một bước ngoặt lớn so với ngày 7/10, khi phe chiến binh của nhóm này dẫn đầu một cuộc tấn công khiến hơn 1.200 người Israel thiệt mạng. Theo các cơ quan y tế tại hiện trường, sau hơn hai tháng chiến sự và khoảng 20.000 người Palestine thương vong ở Gaza, phe chính trị của Hamas đang nói về việc chấm dứt xung đột. Badran nói: “Chúng tôi muốn thành lập một nhà nước Palestine ở Gaza, Bờ Tây và Jerusalem”.

Trên danh nghĩa, nhóm chính trị có trụ sở tại Doha của Hamas chịu trách nhiệm về các vấn đề của nhóm trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Gaza. Nhưng sự chia rẽ giữa nhóm này và các quan chức bên trong Gaza, bao gồm cả phe quân sự, đã trở nên gay gắt kể từ khi chiến sự bắt đầu.

Theo những người quen thuộc với các cuộc thảo luận và một quan chức Israel, các cuộc đàm phán của giới lãnh đạo chính trị Hamas với Fatah, tổ chức lãnh đạo của Chính quyền Palestine ở Bờ Tây, đã tạo ra căng thẳng với Yahya Sinwar - người đứng đầu cánh quân sự của Hamas có trụ sở tại Gaza.

Mặc dù Sinwar cũng không muốn Hamas tiếp tục quản lý Gaza, nhưng tin rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc và nói rằng còn quá sớm để thỏa hiệp. Không được thông báo về các cuộc đàm phán của giới lãnh đạo chính trị, Sinwar đã yêu cầu dừng các cuộc đàm phán khi ông biết chúng đang diễn ra.

Người Palestine xích lại gần nhau

Mỹ đã thúc ép các nhà lãnh đạo Israel và Palestine bắt đầu suy nghĩ về những gì sẽ xảy ra sau khi xung đột ở Gaza kết thúc. Israel cho biết họ không muốn tái chiếm Gaza nhưng điều đó có nghĩa là phải điều động một số lực lượng an ninh khác để quản lý vùng đất này, chứ không chấp nhận sự hiện diện của Hamas tại đây.

Một số lựa chọn đang được xem xét là lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia có sự tham gia của các quốc gia Ả Rập, điều mà Hamas và Chính quyền Palestine bác bỏ. Một lựa chọn khác là Chính quyền Palestine được giao quyền quản lý Gaza với lực lượng an ninh riêng.

Trong khi Hamas từ lâu đã có mâu thuẫn với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), tổ chức đại diện cho người Palestine tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác, thì Badran và các nhà lãnh đạo chính trị khác của Hamas hiện nói rằng họ muốn tham gia vào các nhóm chính trị của tổ chức này. Badran nói: “Đây sẽ là một cuộc đối thoại quốc gia. Chúng tôi luôn nói rằng PLO nên kiềm chế bất kỳ phe phái Palestine nào”.

Những ngày gần đây, Hamas đã bí mật tiếp cận các lãnh đạo của Fatah, đảng chính trị chính của PLO. Badran và các quan chức khác của Hamas cho biết các cuộc đàm phán còn có Mohammed Dahlan, cựu giám đốc an ninh Gaza có quan hệ chặt chẽ với UAE và Ai Cập, và cựu Thủ tướng Palestine Salam Fayyad.

Dahlan cho biết trong một cuộc phỏng vấn riêng với Wall Street Journal rằng ông liên lạc hàng ngày với Hamas. Ông giải thích: “Tôi không phải là bạn của Hamas. Nhưng bạn có nghĩ có ai có thể chạy đua để tạo dựng hòa bình mà không có Hamas không?”.

Những người quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết các lãnh đạo chính trị cấp cao của Hamas, bao gồm Ismail Haniyeh và Khaled Meshaal đã trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán đó, về phía Fatah có Hussein Al-Sheikh, nhân vật quan trọng thứ hai trong PLO. Al-Sheikh phụ trách các cuộc đàm phán cũng như là người liên lạc hàng đầu với chính phủ Israel và được coi là người kế nhiệm tiềm năng cho Mahmoud Abbas, Tổng thống Palestine đồng thời cũng là Chủ tịch PLO.

Badran cho biết việc Hamas trở thành một phần của liên minh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia châu Âu vốn đang trừng phạt Hamas nên không muốn hợp tác lực lượng này.

Các nhà lãnh đạo chính trị của Hamas trong các cuộc đàm phán này, do đó, chỉ ra rằng họ sẵn sàng tham gia PLO và ủng hộ các cuộc đàm phán dưới một chính phủ đoàn kết cho một nhà nước Palestine trong phạm vi biên giới năm 1967. Nhưng Badran nói rằng Hamas không có kế hoạch phi quân sự hóa hoặc thay đổi lập trường của mình đối với Israel, ít nhất là chừng nào việc chiếm đóng của Israel vẫn tiếp tục.

Rào cản lớn nhất vẫn là… Hamas

Đối với một số người, việc các lãnh đạo Hamas thay đổi cách tiếp cận như hiện nay là dấu hiệu của sự tuyệt vọng khi các hoạt động của Israel mở rộng và Gaza đã nằm ngoài tầm kiểm soát quân sự của nhóm. Ehud Yaari, một thành viên của Viện Chính sách Cận Đông Washington cho biết: “Giới lãnh đạo chính trị Hamas cho rằng Gaza có thể bị mất. Họ không tin rằng Sinwar và người của ông ta có thể trụ vững lâu trước cuộc tấn công của Israel, nên họ muốn đạt được thỏa thuận ngay bây giờ”.

Tuy vậy, Badran phủ nhận mọi rạn nứt giữa chi nhánh Gaza của Hamas và giới lãnh đạo chính trị của tổ chức này ở Doha. Ông nói: “Lãnh đạo của Hamas, cả bên trong và bên ngoài Gaza, hoàn toàn nhất trí về các chiến lược và quan điểm chính trị trong nhiều vấn đề khác nhau”.

Yahya Sinwar - người đứng đầu cánh quân sự của Hamas tại Gaza - khó tham gia vào tiến trình đàm phá khi là người mà Israel muốn loại bỏ bằng mọi giá. Ảnh: WSJ

Badran cho biết hiện tại, Hamas đang tìm kiếm một lệnh ngừng bắn toàn diện với Israel, thay vì một lệnh ngừng bắn tạm thời, và điều này sẽ dẫn đến các cuộc đàm phán để trao đổi tất cả các con tin Israel còn lại lấy tất cả các tù nhân Palestine. Ông nói: “Nếu có lệnh ngừng bắn, lập trường của chúng tôi rất rõ ràng: Chúng tôi muốn một cuộc trao đổi tất cả lấy tất cả”.

Badran, người đã học tiếng Do Thái khi ở trong nhà tù Israel, nói rằng 60 con tin trong số 150 con tin vẫn còn bị Hamas giam giữ đã thiệt mạng. Và Israel sẽ cần phải đàm phán với Hamas để đưa những người còn lại ra ngoài. Ông nói: “Quân đội Israel không thể giải cứu các tù nhân. Điều đó chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán”.

Nhiều năm nỗ lực của Hamas và Fatah nhằm hòa giải những khác biệt và thành lập một chính phủ đoàn kết đã thất bại một phần do Hamas từ chối giải tán cánh quân sự của mình. Hai bên cũng đã xung đột về cơ chế giám sát và thực thi các cuộc bầu cử quốc gia. Nhưng trở ngại lớn nhất đối với bất kỳ thỏa thuận nào giữa Chính quyền Palestine và Hamas về việc quản lý Gaza có thể sẽ là Israel, quốc gia luôn khẳng định mục tiêu của mình là tiêu diệt Hamas.

Khi được hỏi về khả năng Hamas gia nhập Chính quyền Palestine và đóng một vai trò nào đó ở Gaza thời hậu chiến, một quan chức Israel cho biết ý tưởng này là “phi thực tế”.

Ý tưởng này cũng có thể vấp phải sự phản đối từ Mỹ, vốn muốn lực lượng an ninh của Chính quyền Palestine trấn áp Hamas sau chiến tranh và quản lý Gaza. Diana Buttu, cựu thành viên nhóm đàm phán hòa bình của Palestine, cho biết: “Về cơ bản, họ muốn vai trò của Chính quyền Palestine với tư cách là nhà thầu phụ an ninh của Israel ở Bờ Tây được mở rộng sang Gaza”.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-van-de-phia-sau-cuoc-dam-phan-giua-hamas-va-chinh-quyen-palestine-ve-viec-quan-ly-gaza-post277656.html