Những ước mơ giản dị của lính Trường Sa

Trong cuộc đời, ai cũng có những ước mơ và khát vọng. Ước mơ là một phần quan trọng của con người, là nguồn động lực để cả nhân loại vượt qua những thử thách và khó khăn hàng mấy ngàn năm nay để hướng tới tương lai.

Những người lính trên đảo Trường Sa ngày đêm bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: Internet)

Chính ước mơ đã giúp cho những người lính Trường Sa chúng tôi thêm mạnh mẽ, dũng cảm và vui tươi hơn trên hành trình bảo vệ từng tấc đảo thân yêu, bảo vệ sự bình yên trên quần đảo đầy bão tố phong ba này.

Trong những buổi lau chùi bảo quản vũ khí, hơn chục anh em cán bộ chiến sỹ đảo Đá Lớn A thường râm ran bàn tán chuyện tương lai sau khi trở lại đất liền. Do đều xuất thân trong các gia đình ở những vùng quê nghèo trên khắp mọi miền Tổ quốc, nên ước mơ cũng thật giản dị mặc dù đề tài này không bao giờ vơi cạn. Tôi nhớ lần thảo luận sôi nổi nhất vào đầu năm 1989, khi các chàng lính vừa trải qua 3 tháng huấn luyện ra bổ sung quân số cho đảo.

Cậu Nguyễn Văn Tới vừa tháo xong hộp tiếp đạn, ốp lót tay của khẩu AK47 đã oang oang: Sắp tới các anh được về đất liền là ra quân rồi đấy. Về quê, tha hồ mà làm giàu! Nghe thế, tất cả cười vang. Tôi hỏi: Làm giàu dễ thế à, chú em? Hắn ta ngoác cái miệng rộng tới mang tai kha kha cười: Dễ mà anh! Cứ buôn mấy chuyến hàng là giàu to! Tất cả cùng nhao nhao: buôn gì mà nhanh giàu thế? Hắn ta gãi gãi đầu: vòng bi Ba Lan này, rồi que hàn và áo bay, áo dạ Hải quân Liên Xô ấy. Em tin là giàu to.

Nghe hắn nói thế, ai nấy đều cười nghiêng ngả. Giời ạ! Mua đâu được lắm vòng bi Ba Lan, que hàn và các loại áo của lính Hải quân Liên Xô mà bán? Có khi chưa kịp mua xong đã bị nhốt vào com lét ấy chứ. Thấy mọi người cười giễu, hắn ta cũng hềnh hệch cười: em thấy lính Liên Xô hay bán những đồ này mà. Rồi tiu nghỉu khi tôi bảo: trong số anh em ở đây, có tới ½ là cảnh vệ vùng, biết thừa chuyện “mánh” với lính Liên Xô, không có nhiều để mua đâu, chú nhé. Dẹp ước mơ đó đi.

Tới ngượng nghịu hỏi: vậy thì làm gì mà giàu được hả anh?

Nghe câu hỏi của cậu ta, tất cả ngừng tay lại ra chiều ngẫm nghĩ. Rồi cậu Choi, quê Nha Trang thủng thẳng: Tớ chỉ mong ra quân là xin về nhà máy sợi Nha Trang rồi cưới vợ. Người yêu của tớ cũng phải chờ đợi lâu lắm rồi. Ước có cái nhà cấp 4 nho nhỏ, đủ sống là tốt rồi. Còn các cậu ước gì?

Cậu Hiện – y tá mới ra đảo chen vào: Tớ ước ra quân là yêu và cưới được một em thật xinh đẹp. Mọi người đổ dồn ánh mắt về phía cậu ta: xinh như thế nào?

Hiện ấp úng: thì cỡ gần như hoa hậu Bùi Bích Phương ấy. Ối trời ạ! Xoảng 1 phát, hộp tiếp đạn trong tay ai đó rơi xuống.

Chà, ước mơ thật tuyệt, nhưng vợ đẹp như hoa hậu để thiên hạ ngắm rồi ghen ư? Tôi đưa mắt nhìn trung úy Long - người cũng vừa ra đảo: ông thấy nó ước thế có được không? Long ta nhìn tôi, rồi ngắm nghía Hiện và phá lên cười: không hiện thực! Tôi cũng ngắm Hiện một lúc, rồi chợt nhớ câu chuyện tiếu lâm nên tủm tỉm: Tôi biết mẹ vợ tương lai của cậu ta rồi, anh em ạ! Có người hỏi: anh biết xem bói à? Tôi nín cười mà bảo: ừ. Biết chút đỉnh! Vậy anh nói đi? Biết là đùa ác, nhưng đã lỡ nói rồi nên tôi bảo: mẹ vợ cậu ta là bà Cai Trấu, nói ngược ấy! Anh em ngớ ra một lúc rồi cười như ôtô lên dốc: khùng khục, khà khà, ha ha, hô hố… cười đến chảy cả nước mắt.

Cậu Nga – quê Thanh Hóa quay qua tôi: đấy là anh nhìn nó mà đoán chứ đâu phải xem bói! Đúng là nó nên lấy con gái bà Cai Trấu thì khi hôn mới an toàn, anh nhỉ? Mặt đỏ tới tận mang tai, Hiện vênh hàm răng bàn cuốc: anh đểu vừa thôi nhé! Không thèm nói với anh nữa.

Im lặng một lúc, cậu Nhung quê Quỳnh Lưu bào: tôi về làm ruộng thôi. Chăm chỉ cày cấy lúc mùa vụ, hết việc đồng áng thì đi làm phu hồ hay thợ xây kiếm mớ rau, con cá. Ngày xưa học dốt, đành vậy.

Nghe Nhung nói xong, cậu Súy – quê ở Vũ thư Thái Bình lên tiếng: tôi về quê, làm hàng xáo, sáng chở gạo sang chợ Phù Long Nam Định bán, trưa về thì đong thóc, xay xát; chiều đánh cái quần sooc trắng, đi câu cá ngoài bờ sông Hồng hoặc ôm gà chọi đi đá, thế là sướng rồi. Nhìn cậu ta cười phô hàm răng trắng, đều tăm tắp, tôi cười trêu: mặc sooc trắng, áo thun trắng thì đừng đi chơi khuya đấy nhé!

Hắn ngạc nhiên: sao thế? Thì cậu đen như cột nhà cháy, lẫn với bóng đêm rồi, răng trăng bóng như quảng cáo PS thế lại mặc toàn đồ trắng thì… khà khà. Hắn nghe xong, bẽn lẽn nhìn tôi. Lại được một phen cười đau cả bụng. Cậu Sỹ thì bảo: tôi về quê, làm đàn vịt chăn lấy trứng bán, thế là vui rồi. Tự do trên hết. Ấy chớ! Cậu mà chăn vịt ư? Phí lắm! Tiến sỹ kia mà? Cậu ta hì hì: đấy là do bố mẹ đặt cho, chứ mình ăn thua gì. Và rồi tất cả đều thổ lộ những mong muốn của mình sau khi rời xa quân ngũ. Những ước mơ thật đơn giản, thực tế phù hợp với hoàn cảnh xuất thân của từng người. Ừ thì cũng được.

Tôi chép miệng: mèo bé, bắt chuột bé thôi, mơ cao sang quá thành mơ hão người lại như que củi vì hao mỡ thì chết. Với lại, ra quân nhận 45000₫ và 90kg gạo thì lấy đâu đủ vốn mà lập nghiệp làm giàu?

Tôi thẫn thờ, cố lau xong khẩu AK rồi đưa vào giá. Bước ra sân ghi, dõi nhìn mặt biển phẳng như tấm gương khổng lồ, thỉnh thoảng có những con sóng nhẹ nhàng xào xạc xô vào chân nhà chòi mà lòng buâng khuâng khôn tả. Mình ước gì đây? Làm giàu ư? Biết làm gì được? Học hết cấp 3, rồi nhập ngũ luôn. Quê thì nghèo, không có nghề phụ, mọi người chỉ biết trông vào ruộng đồng với 2 vụ lúa mà vẫn phải nơm nớp lo mất mùa đói kém. Chỉ cần nhớ lại những bữa cơm độn khoai lang, độn rau má thôi đã thấy lòng nặng trĩu.

Tôi đặt tay vào thanh gỗ làm hàng rào chắn xung quanh sân ghi, mắt nhìn biển xanh vời vợi mặc cho gió biển thổi qua người. Hơi nước biển mặn chát tê cả đầu lưỡi. Rồi tôi thấy như có con sóng đang cuộn lên trong lòng, con sóng ấy trào dâng mãnh liệt và quặn thắt con tim. Tôi cứ đứng như thế đến khi những con sóng chợt to dần, to dần rồi nối nhau ào ạt xô vào gờ đảo.

Hiện thực là đây. Đảo vẫn cần chúng tôi canh giữ và bảo vệ. Chuyện tương lai dành để đến lúc trở lại đất liền. Tôi bước từng bậc cầu thang xuống chân nhà chòi mặc cho làn nước xanh trong mơn man khắp thân mình. Yêu thế, biển ơi!

Nguyễn Hoàng Nguyên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nhung-uoc-mo-gian-di-cua-linh-truong-sa-a23723.html