Những tuyến đường đi bộ làm thay đổi diện mạo cho Cố đô Huế

Cùng với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Huế, những năm gần đây, người dân địa phương và du khách gần xa đã có một địa điểm check in mới lạ, độc đáo nằm bên bờ sông Hương thơ mộng: cầu đi bộ ven sông Hương bằng gỗ Lim.

Công trình này là sự nỗ lực của tình hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc, công trình được khởi công từ năm 2018 nằm trong Dự án Quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương có tổng vốn 6 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100%; trong đó, dự án thí điểm đường đi bộ trên sông Hương có tổng vốn đầu tư gần 53 tỷ đồng. Cầu đi bộ bằng gỗ lim do Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế thi công với diện tích mặt sàn 2440m2 được lát bằng gỗ lim Nam Phi dày 5cm.

Phối cảnh đường đi bộ sông Như Ý.

Theo nhà thầu, việc lựa chọn gỗ lim vừa cứng, bền, đẹp lại thân thiện với môi trường đã tạo nên sự sang trọng cho chiếc cầu, bắt view cho du khách và người dân địa phương để chụp ảnh và thư giãn. Cầu có chiều dài khoảng 450m, rộng 4m cùng với hệ thống lan can 2 bên là 4100 thành đồng (nặng 7 tấn) nhập từ Hàn Quốc. Hệ thống điện lắp đặt trên công trình có chỉ số chống ngập nước đạt tiêu chuẩn IP67, chịu được ngập nước 2m trong vòng 5 ngày vẫn có thể hoạt động bình thường được.

Cầu đi bộ gỗ lim ven sông Hương- điểm nhấn giữa lòng Cố đô Huế.

Ngoài cậu đi bộ bằng gỗ Lim, người dân Huế và du khách đang kỳ vọng vào tuyến đường đi bộ dọc sông Như Ý dự kiến đưa vào khai thác vào giữa năm 2024. Những ngày này, tuyến đường đi bộ dọc sông Như Ý- nằm giữa trung tâm TP Huế đang được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ. Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế Văn Viết Thành, nhà thầu chính của dự án chia sẻ, đến tháng 12/2023, gói thầu do Công ty thực hiện đã vượt tiến độ đề ra. Được biết, dự án bờ kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý rộng 6m, dài hơn 1,6 km từ Đập Đá đến cầu Vân Dương chạy qua 2 phường Phú Hội và Xuân Phú, với tổng kinh phí hơn 260 tỷ đồng.

Theo thiết kế, sau khi hoàn thiện, tuyến đường đi bộ sẽ được lát đá granite, lan can bằng thép không gỉ, sơn tĩnh điện. Tuyến còn có bãi đỗ xe rộng hơn 1.300m²; cầu vòm dài 36m và 11 bến nước… Công trình này ngoài mục đích tạo diện mạo mới cho TP Huế, còn có chức năng giảm tình trạng xả thải nước sinh hoạt trực tiếp ra sông. “Chúng tôi rất tự hào khi xây dựng 2 công trình đường đi bộ nói trên nhằm giúp cho du khách và người dân địa phương có thêm những điểm dạo bộ, vui chơi, thư giãn xứng tầm, mang lại một diện mạo mới cho Cố đô Huế”, ông Văn Viết Thành chia sẻ.

Hải Lan

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/nhung-tuyen-duong-di-bo-lam-thay-doi-dien-mao-cho-co-do-hue-i721427/