Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 39)

Từ rạng sáng ngày 17/2/1979, một trung đoàn địch có xe tăng và pháo binh yểm trợ chia thành nhiều mũi ồ ạt tấn công Đồn CANDVT Sóc Hà và các điểm chốt của đơn vị. Tuy không tương quan về lực lượng, trang bị vũ khí, nhưng nhiều CB, CS đã nêu cao khí phách anh hùng, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ đồn, bảo vệ nhân dân....

Bài 39: Sóc Hà: Mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, khi chiến tranh xảy ra, cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Sóc Hà đã dũng cảm, mưu trí đánh bại nhiều đợt tấn công của đối phương. Nhiều CB, CS của đơn vị đã sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biên giới, bảo vệ đơn vị, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân... Lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, Đồn CANDVT Sóc Hà vinh dự được tặng thưởng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

CB, CS Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang tri ân các anh hùng liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Đăng Bảy

Phát huy sức mạnh của nhân dân trong bảo vệ biên giới

Thời kỳ 1979, Đồn CANDVT Sóc Hà (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang, BĐBP Cao Bằng) quản lý đoạn biên giới dài trên 20km và 10 cột mốc (từ mốc 108 đến 117) thuộc địa bàn 3 xã Sóc Hà, Nà Sác và Trường Hà, huyện Hà Quảng. Đặc biệt, nơi đây có Di tích lịch sử Pắc Pó – địa điểm Bác Hồ đã ở và làm việc khi trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.

Từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Cao Bằng, Đại tá Quách Dũng (quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; nguyên chiến sĩ Đồn CANDVT Sóc Hà từ năm 1979 đến năm 1982) nhớ lại, là địa bàn trọng điểm của tỉnh Cao Bằng trong chiến tranh biên giới phía Bắc, do vậy, ngay khi tình hình biên giới diễn biến căng thẳng, CB, CS Đồn CANDVT Sóc Hà luôn bám dân, bám địa bàn và nắm chắc mọi âm mưu, thủ đoạn của địch. Cùng với việc luyện tập các phương án chiến đấu, củng cố hệ thống hầm hào, đơn vị đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo xây dựng cơ sở chính trị, tổ chức quần chúng, vận động nhân dân tham gia đấu tranh, giữ gìn an ninh địa bàn, đấu tranh bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên Đồn CANDVT Sóc Hà luôn được nhân dân tin tưởng, cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị và sẵn sàng cùng với đồn và chính quyền địa phương tích cực đấu tranh chống những hành động khiêu khích lấn chiếm biên giới của địch. Cùng với đó, nhân dân còn tích cực tham gia đào giao thông hào, các công trình phòng thủ, trồng tre, rào lấp, ngăn chặn dọc biên giới. Chỉ trong một thời gian ngắn, bà con đã tích cực hỗ trợ Đồn CANDVT Sóc Hà đào được 3 hầm lớn, 3 tuyến giao thông hào dài 1.250m và hàng trăm hố chiến đấu.

Đại tá Quách Dũng cho biết, lúc đó cuộc sống rất khó khăn. Có lúc đơn vị phải ăn ngô suốt 2 tháng trời. Doanh trại, nhà cửa bị hư hỏng nặng nên ban ngày thì quần nhau với địch, đến tối lại vào ngủ trong các hang đá. Tuy vất vả, gian khổ như thế, nhưng tất cả CB, CS đều quyết tâm, sục sôi khí thế chiến đấu để bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân và địa bàn...

Từ quê hương Đức Long, Hòa An, Cao Bằng, Đại tá Nông Đức Hiếu (người dân tộc Tày, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy CANDVT Cao Bằng, giai đoạn 1978 - 1979) cho biết: Khi tấn công vào địa bàn biên giới tỉnh Cao Bằng, địch tập trung lực lượng tấn công khu vực Sóc Hà, huyện Hà Quảng và xã Cần Yên, huyện Thông Nông nhằm tạo bàn đạp tiến về huyện lỵ Thông Nông. Ý đồ của chúng là khi qua được Sóc Hà và Cần Yên, sẽ tiến nhanh về thị xã Cao Bằng để hội quân với lực lượng tấn công từ các hướng khác. Do vậy, trong cuộc chiến đấu tháng 2/1979, Đồn CANDVT Sóc Hà là một trong những mục tiêu bị đánh phá ác liệt.

Lập trận địa giả, nghi binh đánh lừa đối phương

Từ rạng sáng ngày 17/2/1979, một trung đoàn địch có xe tăng và pháo binh yểm trợ chia thành nhiều mũi ồ ạt tấn công Đồn CANDVT Sóc Hà và các điểm chốt của đơn vị. Tuy không tương quan về lực lượng, trang bị vũ khí, nhưng nhiều CB, CS đã nêu cao khí phách anh hùng, chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ đồn, bảo vệ nhân dân. Trong cuộc chiến kéo dài 5 ngày đánh vào Đồn CANDVT Sóc Hà, địch đã tổ chức hàng chục đợt tấn công quy mô và bắn vào đồn trên 3.000 quả đạn pháo. Với quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, CB, CS Đồn CANDVT Sóc Hà đã kiên cường chiến đấu, bẻ gãy 12 đợt tấn công của địch, diệt hơn 100 tên, giữ vững trận địa.

CB, CS Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang thường xuyên phối hợp tốt với địa phương trong tuần tra, bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: Đăng Bảy

Cùng lúc với tấn công vào Đồn CANDVT Sóc Hà, một trung đoàn địch vượt sông Bình Mãng tràn qua biên giới rồi chia làm 2 mũi đánh vào trận địa của ta. Mũi thứ nhất, chúng đánh lên đồi Cốc Ngựa (trận địa này do Đại đội 9 bộ đội địa phương phụ trách). Mũi thứ hai của chúng đánh lên đồi Dê (trận địa do đồn phụ trách). Dự đoán trước ý đồ của đối phương nên trước đó, lợi dụng địa hình hiểm trở, Đồn CANDVT Sóc Hà đã bí mật tổ chức trận địa giả để lừa đối phương. Lực lượng chủ yếu và hỏa lực của đồn được bố trí ở xung quanh khu vực trận địa giả. Do vậy, khi các mũi tấn công của đối phương tập trung đánh vào trận địa giả liền bị các loại hỏa lực của ta bắn trùm lên đầu, tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực.

Trong đợt chiến đấu này, Đồn CANDVT Sóc Hà tiêu diệt trên 100 tên địch, thể hiện quyết tâm bám trụ kiên cường, kiên quyết đánh trả quân địch xâm phạm biên giới. Bị thất bại từ đợt đầu, địch tăng quân, kiên quyết đánh chiếm cho bằng được đồi Cốc Ngựa và đồi Dê. Vì địch quá mạnh nên ta tạm thời rút về phía sau, chuẩn bị cho các trận chiến đấu tiếp theo. Những ngày sau đó, CB, CS Đồn CANDVT Sóc Hà dựa vào các trận địa đã xây dựng, phối hợp cùng bộ đội địa phương và các đơn vị quân đội quần lộn với quân địch, quyết tâm bám trụ đến cùng.

Trong chiến đấu, quản lý, bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân, Đồn CANDVT Sóc Hà trước kia và là Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang ngày nay có 11 CB, CS đã anh dũng hy sinh. Trong đó, có 4 người ngã xuống trong tháng 2/1979. Từ năm 1984 đến 1987, có thêm 7 chiến sĩ nữa đã ra đi khi tuổi đời mới 19-20. Tiêu biểu cho thành tích chiến đấu của Đồn CANDVT Sóc Hà trong chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2/1979 là Trung đội trưởng Đàm Quốc Tuấn, linh hoạt, mưu trí, luôn có mặt ở trận địa, động viên từng chiến sĩ và tổ chức đơn vị đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa. Dũng cảm trong chiến đấu, đồng chí Tuấn đã dùng súng đại liên diệt 50 tên địch.

Do lập chiến công xuất sắc, ngày 20/12/1979, Đồn CANDVT Sóc Hà vinh dự được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, CB, CS đơn vị còn được tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Nhì, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cao quý khác.

Bài 40: Lũng Nặm: Máu đào nhuộm thắm biên cương

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-39-post469208.html