Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 35)

Đã có 11 đồng chí của ta anh dũng hy sinh trong trận chiến không cân sức này. 4 đồng chí còn lại đã mưu trí mở đường máu, phá vòng vây của địch, trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu....

Bài 35: Nằm lại cao điểm 424

Vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, luôn nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các dân tộc trong địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Chi Ma đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tấm gương chiến đấu gan dạ, kiên cường, sự hy sinh dũng cảm của các anh đã góp phần cùng quân dân cả nước làm nên thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, tháng 2/1979.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Chi Ma cùng du kích địa phương tập luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới. Ảnh: Tư liệu

Cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Chi Ma cùng du kích địa phương tập luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới. Ảnh: Tư liệu

Anh dũng hy sinh để giữ vững cao điểm 424

Cao điểm 424 (thuộc xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) nằm cách Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Chi Ma khoảng 1km. Nhưng từ đường nhựa để lên tổ công tác Biên phòng đang làm nhiệm vụ trên cao điểm 424 (tạm gọi là chốt 424), cũng phải leo gần 1km đường đèo dốc quanh co nữa mới tới. Đứng ở cao điểm 424, có thể quan sát toàn bộ cửa khẩu Chi Ma và khu vực biên giới xung quanh đó nên trong chiến tranh, cao điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về quân sự. Chính vì vậy nên tháng 2/1979, khi chiến tranh xảy ra, địch đã tập trung lực lượng đánh chiếm cao điểm 424 để làm bàn đạp tấn công và khống chế các khu vực lân cận.

Theo Thượng tá Dương Văn Hảo, Chính trị viên Đồn BPCK Chi Ma, 44 năm trước, trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, tại cao điểm 424 đã chứng kiến tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ CANDVT. Để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, đã có không ít quân và dân ta hy sinh hoặc gửi lại một phần xương máu ngay tại mảnh đất này. Hiện nay, ở trên chốt 424 vẫn còn Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ CANDVT Chi Ma đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979.

“Để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, có 11 cán bộ, chiến sĩ (CB, CS) của đơn vị đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn hóa thân vào đất Mẹ thiêng liêng. Và cả 11 tấm gương sáng ngời tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đó đều hy sinh ngay tại cao điểm 424 này, đúng ngày 17/2/1979” - Thượng tá Dương Văn Hảo cho biết.

Đồn CANDVT Chi Ma (phiên hiệu là Đồn 197, sau này được đổi tên thành Đồn Biên phòng 41 và ngày nay là Đồn BPCK Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn) được thành lập ngày 6/3/1959. Đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới quốc gia dài trên 16km (gồm 49 cột mốc quốc giới) trải dài theo địa giới hành chính 3 xã: Mẫu Sơn, Yên Khoái, Tú Mịch, huyện Lộc Bình.

Từ cuối năm 1978, địch đã có nhiều hoạt động khiêu khích, đánh phá dọc biên giới nước ta. Điển hình như cho các toán vũ trang sang phá hoại tài sản của nhân dân ta, tập kích, bắt cóc CB, CS ta. Chỉ riêng năm 1978, đơn vị đã ít nhất 2 lần bắt quả tang 2 tên biệt kích của chúng đang lén lút hoạt động trong khu vực biên giới của ta. Đáng chú ý, rạng sáng ngày 10/1/1979, địch đưa lực lượng quân sự sang phục kích tại 3 điểm thuộc xã Yên Khoái và xã Tú Mịch. Mục đích của chúng là bắt cóc các đồng chí trong đội tuần tra của đồn. Bị ta phát hiện, truy đuổi, địch rút về phục kích tại Pò Khau Trang (khu vực mốc 47). Tại đây, địch đã bắn chết đồng chí Trịnh Văn Tam, Xã đội trưởng và bắt cóc một đồng chí dân quân xã Yên Khoái khi họ đang trên đường lên chốt trực chiến. Đầu tháng 2/1979, đối phương đã đưa quân áp sát biên giới và liên tục bắn sang các chốt của ta ở dọc biên giới để khiêu khích và thăm dò. Đến ngày 14/2/1979, địch dùng súng đại liên bắn sang chốt 424 của đồn.

Quyết tâm chiến đấu, giữ vững trận địa

Sáng ngày 17/2/1979, khi tấn công các tỉnh phía Bắc, địch liên tục bắn pháo kích dữ dội dọc tuyến biên giới tỉnh Lạng Sơn. Liền ngay sau đó là nhiều trung đoàn quân chủ lực từ bên kia biên giới có hỏa lực mạnh và xe tăng yểm trợ tiến vào Lạng Sơn theo nhiều hướng, trong đó có Chi Ma - Lộc Bình. Hồi 5 giờ 15 phút, ngày 17/2/1979, chúng đánh vào chốt 424 và chốt Pò Hua Cần (xã Tú Mịch). Trước đó, đồng chí Hà Văn Ngầu, Đồn trưởng Đồn CANDVT Chi Ma đã phát lệnh báo động toàn đơn vị ra vị trí sẵn sàng chiến đấu, do vậy khi địch tấn công, ta ít bị tổn thất.

Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Đồn BPCK Chi Ma. Ảnh: Phương Vy

Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Đồn BPCK Chi Ma. Ảnh: Phương Vy

Cùng với các chốt, đơn vị quân đội dọc trên biên giới, CB, CS Đồn CANDVT Chi Ma đã đồng loạt nổ súng, dũng cảm chiến đấu, bẻ gãy các đợt tấn công của địch. Tại cao điểm 424, dưới sự chỉ huy của Chuẩn úy Nguyễn Thế Hợi, 15 chiến sĩ CANDVT chốt 424 đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Tuy địch đông, ta ít, vũ khí cạn kiệt nhưng CB, CS chốt 424 đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, tiêu diệt hơn 100 tên địch.

Đã có 11 đồng chí của ta anh dũng hy sinh trong trận chiến không cân sức này. 4 đồng chí còn lại đã mưu trí mở đường máu, phá vòng vây của địch, trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Là một trong 4 người lính mưu trí, dũng cảm năm xưa, ông Nguyễn Văn Tài (ngụ tại Từ Sơn, Bắc Ninh) nhớ lại: “8 giờ sáng ngày 17/2/1979, toàn đơn vị chỉ còn lại 37 đồng chí, trong khi quân địch lại quá đông, nên buộc lực lượng của đồn phải rút quân về tuyến 2 ở Nà Mìu, Mẫu Sơn để bảo toàn lực lượng, củng cố tổ chức, ổn định tư tưởng tiếp tục chiến đấu”.

Ngày 21/2/1979, thực hiện Chỉ thị của Bộ Tư lệnh CANDVT và Tỉnh ủy Lạng Sơn, Đồn CANDVT Chi Ma chọn 17 đồng chí tiêu biểu, do đồng chí Hà Văn Ngầu, Đồn trưởng trực tiếp chỉ huy, lên núi Mẫu Sơn cùng với lực lượng của Trung đoàn 123 chiếm lĩnh trận địa tiếp tục chiến đấu đánh địch. Cùng với quân và dân toàn tuyến biên giới phía Bắc, Đồn CANDVT Chi Ma nói riêng và các đồn, đơn vị CANDVT Lạng Sơn nói chung đã dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. “Tuy quân số, vũ khí hạn chế nhưng CB, CS Đồn CANDVT Chi Ma đã dũng cảm đánh bại nhiều đợt tấn công của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất về người và vũ khí. Trước tinh thần chiến đấu kiên cường của ta, đến 20 giờ, ngày 12/3/1979, đối phương đã rút hết khỏi địa bàn huyện Lộc Bình. Đến 10 giờ, ngày 13/3/1979, lá cờ chủ quyền Việt Nam đã được cắm lên và tung bay trong sân đồn - phía sau Trạm Kiểm soát Biên phòng Chi Ma hiện nay” - Đại tá Nguyễn Hồng Thái, nguyên Chính trị viên Đồn BPCK Chi Ma nhớ lại.

Vì lập nhiều thành tích xuất sắc trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới của Tổ quốc, Đồn CANDVT Chi Ma đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Cờ “Tuổi trẻ anh hùng”. Có 21 CB, CS được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng; 5 CB, CS được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Hứa Trung Bộ, Tiểu đội trưởng Vũ trang được Bộ Tư lệnh CANDVT phong vượt cấp từ Thượng sĩ lên Trung úy.

Bài 36: Linh hoạt, mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-35-post467898.html